Quy mô nhỏ, trình độ quản lý yếu kém, năng suất lao động thấp và những thủ tục hành chính còn chưa thuận tiện sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi bước vào “năm hội nhập” và sẽ chứng kiến “sự chuyển đổi còn rất đau đớn”.
Vô vàn khó khăn
Chưa tới một tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập và chỉ khoảng 2 năm nữa TPP có thể cũng sẽ có hiệu lực.
DN Việt sẽ bước vào một năm tài khóa mới 2016 với nhiều nỗi lo bởi đây là thời điểm hàng loạt các rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn… sẽ được gỡ bỏ. Khái niệm thị trường nội địa, DN “sân nhà” sẽ dần bị xóa nhòa. Những khó khăn tiếp tục lộ diện.
Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) vừa công bố tiếp tục lỗ 22 tỷ đồng trong quý III, nâng tổng lỗ ròng 9 tháng lên 57,6 tỷ đồng. Ngay sau khi ghi nhận kết quả yếu kém nói trên, HĐQT Vinaship đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ 2 tỷ thành lỗ 60 tỷ đồng trong năm 2015 cho dù đã tính tới lợi nhuận từ việc bán tàu.
Thực trạng thua lỗ của VNA trái ngược với những đánh giá tốt đẹp về tương lai sáng sủa của ngành logistics, bao gồm: vận tải hàng không, tàu biển, cảng biển… khi VN hội nhập AEC và xa hơn nữa là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi bước vào “năm hội nhập”. |
Giải thích cho tình trạng thua lỗ kéo dài, VNA cho biết, là do thị trường vận tải biển vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng do các mặt hàng chủ lực mà công ty tham gia vận chuyển như gạo xuất khẩu, phosphate và phụ gia đã tạm dừng từ tháng 8 và DN phải vận chuyển hàng giá trị thấp hơn. Nợ và chi phí của DN cũng ở mức rất lớn.
Hàng loạt các DN vận tải biển khác cũng lỗ triền miên như Cty Hàng hải Đông Đô (DDM), Vận tải Biển bắc (NOS), thậm chí cả Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng đang vướng khoản lỗ lên tới 20 ngàn tỷ đồng.
Trong khi các DN nội khó khăn, hàng loạt các DN ngoại đã ăn nên làm ra và vẫn đang tìm tới VN. Thống kê cho thấy, 25 DN logistics đa quốc gia đã chiếm đến 80% thị phần ngành logistics VN.
Một lĩnh vực được cho là hấp dẫn khó cưỡng khác tại VN – thị trường bán lẻ – cũng đang chứng kiến sự teo tóp của DN nội và lớn mạnh của khối ngoại. Nhiều thương hiệu suy yếu hoặc bán cổ phần cho nước ngoài như Nguyễn Kim, Ctimart, Fivimart, Hapro, Việt Long, Pico…
Trong khi đó, xuất hiện khá nhiều gương mặt ngoại mới như AEON, Auchan, Central Group, Seven Eleven… sau khi đã đón nhận những: Metro Cash&Carry, tới BigC, Lotte…
Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng chứng kiến sự thống trị của C.P Vietnam, một trường hợp rất thành công của người Thái trên đất Việt, bất chấp sự lớn mạnh của ông lớn nội Masan với vụ thâu tóm Proconco với thương hiệu Cám Con Cò.
Ngành chăn nuôi cũng được cho là gặp nhiều khó khăn nhất khi hội nhập trong khu vực cũng như TPP.
Cải cách để tồn tại
Nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất ôtô, mía đường, thực phẩm gần đây làm ăn khá tốt, cổ phiếu tăng giá khá mạnh. Tuy nhiên, đây được đánh giá là những ngành kém cạnh tranh và khó trụ vững khi VN hội nhập AEC. Sự cải cách là cần thiết để DN tồn tại khi hội nhập.
Sự cải cách là cần thiết để DN tồn tại khi hội nhập. |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho biết, trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, VN đã có rất nhiều cải cách. Nghị quyết 19 của Chính phủ (CP) là một chương trình khá tham vọng về cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ trở thành một CP đứng đầu ASEAN về kiến tạo môi trường kinh doanh.
Theo ông Lộc, hiếm có một CP nào đối thoại thường xuyên hàng tháng về cải cách môi trường kinh doanh như VN. Hàng tháng VCCI có 1 báo cáo những kiến nghị gửi CP. Thủ tướng đều chỉ đạo các bộ ngành giải quyết các vấn đề đó.
Đã có những cải cách quan trọng. Tuy nhiên, mẫu chốt vẫn là ở khâu thực hiện. Sự thiếu đồng tốc, sự thiếu tích của của một số cơ quan và một số địa phương đã khiến cải cách trở nên chậm trễ.
Gần đây có nhiều đánh giá cho rằng, với sức ỳ của nhiều bộ ngành địa phương trong việc cải cách, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn lâu mới bằng Malaysia và rất xa vời nếu so với Singapore.
Nghị quyết 19 về môi trường kinh doanh và 36A về chính phủ điện tử là một động lực mới cho quá trình cải cách. Tuy nhiên, thực tế yếu kém của kinh tế tư nhân trong nước (so với FDI) và nhiều chính sách cải cách chưa đến được với DN có lẽ là yếu tố khiến ông Lộc cho rằng DN Việt sẽ chứng kiến sự chuyển đổi rất đau đớn. Dù vậy, về lâu dài, hội nhập sẽ mang lại quả ngọt.
Đồng chủ tịch VBF, bà Virginia Foote, cho rằng, 2015 là một năm tuyệt với với VN với việc hoàn thành nhiều FTAs. Cơ hội khá nhiều nhưng, thách thức ở đây là DN Việt phải tự nâng cao chuẩn mực cho mình.
Theo ông Lộc, vấn đề của các DN bây giờ không chỉ còn là đối thoại mà phải liên minh với các DN. DN tư nhân phải tiếp cận với công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, để DN Việt tham gia được vào các chuỗi giá trị thì DN đó phải liêm chính và sáng tạo – hai chìa khóa để chiến thắng trong cạnh tranh. Tư duy mới của DN mới trong hội nhập phải là tư duy chuỗi giá trị toàn cầu, và tư duy chính sách của Nhà nước cũng phải là hỗ trợ chính sách theo chuỗi.
“Tất nhiên, vấn đề của DN Việt là phải tự nâng mình lên, đáp ứng được chuẩn mực mới”, ông Lộc nói.
M. Hà