Phát triển ngành dịch vụ Logistics

Ngày 31-12 tới đây, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành và ngành dịch vụ Logistics (dịch vụ kho bãi vận tải) được coi là “xương sống” của hoạt động thương mại giữa các thành viên trong cộng đồng.

0cc9e3cb5fa7f3b3e4fdee77ea2df276_XL

Là “đầu tàu” kinh tế của đất nước, phát triển ngành dịch vụ Logistics được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của TP Hồ Chí Minh trong xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam Đỗ Xuân Quang, sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành dịch vụ Logistics phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng từ 15 đến 20%, tổng chi phí dịch vụ Logistics chiếm khoảng 21% GDP. Cả nước hiện có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành dịch vụ Logistics, trong đó TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 60%.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng để “tranh đua” với các DN cùng lĩnh vực của nước ngoài, nhưng nhìn chung, các DN hoạt động trong lĩnh vực Logistics của thành phố nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn yếu về vốn, về nguồn nhân lực và cả trong quản trị DN… “Cần phải nhanh chóng có giải pháp kết nối hạ tầng giao thông, nếu không sẽ phát sinh rất nhiều chi phí dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh của ngành. Hiện tại, hạ tầng các cảng xa các khu công nghiệp (KCN), phải đi qua nhiều chặng đường gây tốn kém; các quy định thông quan còn nhiều vướng mắc; quản trị nguồn nhân lực còn yếu… Do đó, Nhà nước cần kêu gọi đầu tư vào ngành Logistisc, đồng thời có ưu đãi cho ngành này. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp lý về lĩnh vực này bảo đảm rõ ràng, đồng bộ, không nên phân biệt giữa DN trong và ngoài nước khi tham gia hội viên Hiệp hội Logistics Việt Nam…”, Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Xuân Quang đề nghị.

Một trong những định hướng để phát triển hạ tầng Logistics là phải đồng bộ, nhưng hiện nay, hệ thống này tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn bất cập. Một số cảng biển lớn vẫn còn hoạt động cầm chừng mà nguyên nhân chính là do chưa có hệ thống đường bộ kết nối. Trong khi đó, một số cảng có đường bộ kết nối tốt thì lại quá tải, không theo kịp sự phát triển của nhu cầu Logistics tăng trưởng khá nhanh của DN. Bên cạnh đó, do thiếu nguồn nhân lực, cho nên việc triển khai hệ thống Logistics của thành phố còn chậm. Theo Thạc sĩ Cao Ngọc Thành (Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh), thành phố cần có những tính toán và bước đi phù hợp để giải quyết mối quan hệ về nguồn vốn giữa các định hướng và mục tiêu phát triển. Định hướng cần ưu tiên phát triển hạ tầng Logistics sẽ giúp cho thành phố có sự gia tăng về trình độ phát triển… Theo Trung tá Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc Trung tâm Logistics Tân Cảng Sài Gòn, các DN Logistics Việt Nam hoạt động mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, cần phải tổ chức lại hoạt động Logistics theo hướng bài bản. Ở đây, vai trò của Nhà nước trong vấn đề định hướng phát triển về hạ tầng Logistics kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, các KCN và giảm hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan đến hải quan và các cơ quan Nhà nước khác là rất quan trọng. “Nếu chúng ta làm bài bản, có đầu tư chiều sâu và triển khai một cách đồng bộ thì chắc chắn chúng ta sẽ có chỗ đứng trên thị trường dịch vụ Logistics”, Trung tá Nguyễn Năng Toàn nhấn mạnh.

Cùng với đó, các DN phải chủ động tự đổi mới, tự nâng cao năng lực và tự hoàn thiện mình. Quan trọng hơn, các DN trong hiệp hội phải đoàn kết với nhau để cùng thắng trên sân nhà, cung cấp các dịch vụ Logistics tốt và chi phí hợp lý nhất để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các DN xuất khẩu, nhập khẩu trong nước.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kho vận miền nam (Sotrans) Tiến sĩ Đặng Vũ Thành cho rằng, khả năng cạnh tranh dịch vụ Logistics của Việt Nam còn khá yếu so với các tập đoàn nước ngoài, điều này gây rất nhiều bất lợi cho các DN trong quá trình hội nhập. Do vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ quản lý, nhất là nguồn nhân lực và sự kết nối. Các DN Việt Nam phải cùng thống nhất, chia sẻ với nhau thì mới phát huy được thế mạnh của mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, hợp tác trong lĩnh vực Logistics là một trong những mục tiêu quan trọng của AEC. Từ năm 2011, trên cơ sở kế thừa các chương trình phát triển giao thông vận tải giai đoạn trước, ASEAN đã triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch chiến lược giao thông vận tải các nước ASEAN và kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN giai đoạn 2011 – 2015 nhằm xây dựng sự kết nối về hạ tầng, về thể chế và con người, tạo nền móng cho việc hợp tác trong lĩnh vực Logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang xếp hạng 48 toàn cầu và xếp thứ tư trong các nước ASEAN về chỉ số hoạt động Logistics. Trong đó, chỉ số về phát triển kết cấu hạ tầng Logistics liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Việt Nam đã ưu tiên đẩy nhanh quá trình hội nhập trong lĩnh vực Logistics giữa các nước ASEAN, đồng thời đã tích cực và chủ động thực hiện các cam kết về hội nhập nền kinh tế khu vực toàn diện. Lĩnh vực giao thông vận tải hiện đang chiếm tới khoảng 60% thị phần về chi phí Logistics và thời gian qua, chúng ta đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, sân bay, nhà ga… TRÊN bước đường phát triển và hội nhập, riêng lĩnh vực Logistics, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: nguồn nhân lực còn thiếu; kết nối giữa các phương thức vận tải tại các đầu mối vận tải như cảng biển, cảng thủy nội địa còn yếu, đường sắt đến các cảng biển chưa được đầu tư; hầu hết các DN Logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, công đoạn chủ yếu tham gia là vận tải, giao nhận, chưa tạo được một chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh… Để ngành dịch vụ Logistics của nước ta nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng, phát triển, không có gì khác hơn là chúng ta phải tập trung khắc phục cho bằng được những hạn chế, yếu kém nêu trên.

ĐÌNH HƯNG