Hồ tiêu: Chất lượng cao nhưng giá trị chưa cao

(HQ Online)- Tại hội nghị “Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu” do Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối tổ chức tại TP.HCM ngày 1-12, các đại biểu đánh giá, dù đã có những thành công nhất định, song sự phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa thật sự bền vững. Điều này thể hiện ở việc dù chất lượng cao, nhưng giá trị hạt tiêu chưa được cao.

Phân loại hạt tiêu tại nhà máy chế biến Pacific Basin Partnership Inc. Nguồn: Internet

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, việc sản xuất, thương mại hồ tiêu của nông dân đã có chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều nông dân đã quan tâm đầu tư vào các khâu sau thu hoạch, bảo quản, chế biến…  Ngoài ra, các đối tượng tham gia vào chuỗi tiêu thụ tăng mạnh. Nhờ đó một số chỉ tiêu chất lượng hồ tiêu sau thu hoạch như độ ẩm mốc, tạp chất.. được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Cùng với đó, số doanh nghiệp đầu tư vào việc xử lý, bảo quản, chế biến hạt tiêu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng tăng mạnh trong 5 năm qua (khoảng 40% so với 5 năm trước). Hiện ngành hồ tiêu đã có 18 nhà máy chế biến tiêu hiện đại, công suất lớn đạt chuẩn thế giới. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ chế biến tiêu trắng từ tiêu quả tươi ngay sau thu hoạch không dùng hóa chất nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế cao…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Cafecontrol, khoảng 2 năm nay, các khách hàng ở một số nước của thị trường châu Âu, châu Mỹ… bắt đầu có những yêu cầu mới khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Petrolimex cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang chỉ tập trung xuất khẩu hạt tiêu nguyên liệu mà chưa chú trọng vào đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm nhắm tới người tiêu dùng cuối cùng. Trong khi, phần lớn các tập đoàn gia vị đa quốc gia trên thế giới mua nguyên liệu giá rẻ từ Việt Nam, mang về chế biến, đóng gói rồi bán trên thị trường với giá rất cao (thường gấp 2,5 -5 lần).

Theo định hướng phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, một trong những mục tiêu là tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phấn đấu sản lượng tiêu sạch, tiêu qua xử lý chế biến đạt khoảng 90%. Cơ cấu sản phẩm là tiêu đen chiếm 70%, tiêu trắng 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD.

Để phát triển cây tiêu cho sản phẩm có chất lượng, theo ông Toàn, cần phải có quy hoạch diện tích cho từng địa phương, từng vùng và có chính sách hỗ trợ, biện pháp đủ mạnh để đảm bảo phát triển vườn tiêu theo hướng hữu cơ.

Đồng thời có khóa đào tạo, hướng dẫn các hộ nông dân việc chăm sóc, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật và liều lượng để tránh rủi ro, dịch bệnh nhưng vẫn đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hồ tiêu nên quan tâm tạo ra giá trị thương hiệu cho sản phẩm, đem lại lợi ích cho người nông dân cũng như từng bước tạo ý thức và hành động bảo vệ môi trường.

Còn theo đại diện Petrolimex, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ để các nhà máy sản xuất tiêu và công bố các nhà máy tuân thủ và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn về môi trường cho các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đồng thời phát triển hạ tầng logistics để tăng giá trị và giảm chi phí, như nghiên cứu và thành lập kho ngoại quan hàng hóa nông lâm thủy hải sản ở các thị trường trọng điểm. Nghiên cứu, thành lập các trung tâm nghiên cứu thị trường nước ngoài với nhiệm vụ chăm lo xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tới các nhà bán lẻ, người tiêu dùng; nắm bắt xu hướng tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm…

11 tháng của năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tương đương kim ngạch cả năm 2014. Dự kiến cả năm 2015, xuất khẩu đạt trên 130.000 tấn, kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD.
Nguyễn Hiền