Cập nhật mới nhất của WB về tình hình kinh tế Việt Nam có đưa ra đánh giá: TPP không chỉ loại bỏ rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lí doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hóa thương mại dịch vụ kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông. Những điểm quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong nước của Việt Nam.
Tín hiệu từ cổ phần hóa…
Trong TPP, có nhiều chương có các qui định khuyến khích cải cách thể chế nhằm tăng cường và chuẩn hóa các qui định, minh bạch, và hỗ trợ xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức của WB, thực hiện các cam kết này sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng có thể tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện.
TPP sẽ thúc đẩy tăng hàm lượng công nghệ cho hàng Việt (Ảnh minh họa: KT) |
Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới mới công bố cho thấy, thứ hạng Môi trường Kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện từ 93 (2015) lên 90 (2016) trong số 189 nền kinh tế.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn được đánh giá thấp hơn mức trung bình các nước ASEAN-4 trong đó phải kể đến các yếu tố, như: chậm hoàn thiện khung thể chế, hạ tầng và môi trường kinh doanh. Các yếu kém thể hiện qua các tiêu chí thời gian nộp thuế, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, cấp điện và xử lý các thủ tục có liên quan tới phá sản.
Mặc dù cổ phần hóa đang là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình cải cách DNNN, nhưng tốc độ thực hiện chưa đủ nhanh để hoàn thành mục tiêu năm 2015. Đến cuối tháng 9/2015 Việt Nam đã cổ phần hóa 344 DNNN, trong đó bao gồm một số công ty mẹ của các tập doàn kinh tế và tổng công ty lớn.
Thực tế này, theo WB, “Việt Nam sẽ khó hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 531 DNNN giai đoạn 2011-15, nhưng kết quả đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn 2006-2010 khi mà chỉ tiêu cổ phần hóa chỉ đạt 30%”. Song, tín hiệu vui là gần đây Chính phủ đã công bố kế hoạch rút vốn toàn bộ khỏi các doanh nghiệp lớn và hoạt động tốt như Vinamilk và FPT. “Hành động đó có thể tạo động lực tốt, đẩy nhanh quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam”- WB nhận định.
Tăng tỷ trọng công nghệ trong hàng xuất khẩu
TPP được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển một nền kinh tế cạnh tranh hơn và sáng tạo hơn. Về lâu dài không chỉ tăng trưởng xuất khẩu mới là vấn đề quan trọng mà thành phần xuất khẩu cũng quan trọng, nhất là tỷ trọng công nghệ trong hàng xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt một số thành tích trên lĩnh vực này, ví dụ trong khoảng 2008-2013 xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam đã tăng từ 5% lên 28%, tương đương với Trung Quốc và cao hơn mức trung bình các nước ASEAN. Nhưng tuy vậy mức bổ sung giá trị gia tăng của khu vực trong nước vẫn còn khá hạn chế.
Khi TPP có hiệu lực các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng và quy mô lớn dự kiến sẽ được thu hút vào các ngành phụ trợ cho ngành dệt may, phụ kiện, da giày, và qua đó sẽ hình thành chuỗi cung ứng trong nước và kích thích các doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu góp phần làm tăng giá trị trong hàng xuất khẩu.
Đồng thời, qui tắc xuất xứ trong TPP cũng tạo cơ hội cho Việt Nam thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp và phát triển mạnh hơn chuỗi giá trị trong nước. Trong đó, tiêu biểu như quá trình tái cơ cấu ngành dệt may theo hướng liên kết ngược sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp nhỏ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước và tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
“Nếu làm được như vậy sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn, học tập được nhiều hơn và tích tụ được nhiều tri thức hơn. Toàn bộ quá trình đó được hỗ trợ bởi sự gia tăng FDI”- ông Phạm Minh Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam vào hạ tầng đã nâng cao khả năng kết nối kinh tế. Chi phí thương mại của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước có cùng trinh độ phát triển. Đặc biệt các chi phí này đã giảm đáng kể trong ngành chế biến, chế tạo. Hiện tại, Việt Nam được xếp hạng 48 trên 160 quốc gia theo Chỉ số Năng lực Logistics 2014 – thứ hạng cao nhất trong số các nước có mức thu nhập trung bình thấp (xếp trên cả Indonesia, Ấn độ, Philippines….). Thứ hạng này của Việt Nam cũng đã được cải thiện so với mức 53 của năm 2012.
Tăng cường đầu tư hạ tầng
Để phát huy tối đa các cơ hội của TPP, các chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh, kể cả đầu tư vào đường giao thông, ngành điện, bến cảng, dịch vụ kho vận và thủ tục hải quan trong quá trình thực hiện các cam kết. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong cải cách hải quan và cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN nhưng chi phí tuân thủ về thời gian, và tiền bạc đối với thủ tục tại biên giới và trong nội địa vẫn còn cao.
Kết quả nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hầu hết chi phí tuân thủ liên quan đến các rào cản phi thuế quan hoặc NTM. Hiện nay, có tới trên 200 thủ tục thương mại và giấy phép NTM đang có hiệu lực và được thực hiện thông qua rất nhiều văn bản luật phức tạp. Những giấy phép này do nhiều cơ quan nhà nước cấp và quản lí và hiếm khi nhất quán, trong khi đó thì các bên hữu quan cũng ít phối hợp với nhau./.