Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Nhiều thách thức phải đối mặt

TP – Theo Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) Bruno Angelet và các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ phải chấp nhận những thách thức về cạnh tranh mạnh ngay trên sân nhà từ năm 2018. Vấn đề chính với Việt Nam là phải duy trì các doanh nghiệp nội có đủ sức mạnh.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí với chủ đề “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Cơ hội bình đẳng cho hai nền kinh tế” ngày 7/12, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn EU Bruno Angelet cho rằng, việc hoàn tất các nội dung thảo luận Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngoài việc mở cửa một thị trường với tiềm năng to lớn đối với các doanh nghiệp EU còn hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và thông minh hơn. Thỏa thuận thương mại này cũng sẽ rộng mở cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao mới từ cả hai phía.

Theo ông Bruno Angelet, từ đầu năm 2018, Việt Nam sẽ phải mở cửa lĩnh vực mua sắm chính phủ, minh bạch các hoạt động tài chính theo đúng cam kết FTA, chống lại các hiện tượng tham nhũng. EU cũng sẽ hỗ trợ 14 triệu Euro giúp cho người dân tiếp cận tốt hơn về pháp luật và chính sách; hỗ trợ Việt Nam về năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực Tài chính công, đảm bảo cân bằng tài khóa.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, FTA hoàn tất đồng nghĩa thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội do hàng hóa vào EU đòi hỏi phải là hàng chất lượng cao, có xuất xứ. Như mặt hàng đồ gỗ, doanh nghiệp sẽ phải chứng minh xuất xứ của gỗ, có phải gỗ rừng trồng hay gỗ khai thác lậu. Ngay cả với mặt hàng gạo, cũng phải chứng minh nguồn gốc và phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, không có thuốc trừ sâu. “Tuy nhiên, hãy nhìn các thách thức đó một cách tích cực. Chúng ta cũng phải chấp nhận sẽ phải đối đầu một cách gay gắt hơn với việc các sản phẩm từ EU vào Việt Nam theo cam kết mở cửa. Như mặt hàng ô tô từ các nước EU sẽ được giảm thuế để vào cạnh tranh với các nhà lắp ráp trong nước. Đây là lúc các doanh nghiệp trong nước phải xem xét lại mình”, ông Doanh phân tích.

Ở mặt vĩ mô, theo ông Doanh, Việt Nam phải thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa. “Có ý kiến lo ngại sẽ có những làn sóng mua bán sáp nhập từ nước ngoài đối với thị trường tài chính cũng như các lĩnh vực khác. Chúng ta không cần bi kịch hóa việc mở cửa nhiều lĩnh vực theo cam kết. Để đối phó, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để duy trì thương hiệu của các doanh nghiệp nội. Nếu chúng ta không còn doanh nghiệp trong nước mạnh thì đấy sẽ là khó khăn lớn nhất”, ông Doanh nói.

Nguy cơ doanh nghiệp Việt sẽ bị thâu tóm: Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ KH-ĐT, khi thực thi hiệp định FTA Việt Nam – EU, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà. Một số ngành Việt chưa có thế mạnh hoặc đang trong giai đoạn phát triển như logistic, cảng biển, một số mặt hàng tiêu dùng sẽ khiến doanh nghiệp Việt bị lép vế khá rõ.Việc ký kết FTA Việt Nam- EU cũng tạo ra nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam bị thôn tính cũng như tăng nguy cơ khiến Việt Nam rơi vào “bẫy tự do hóa thương mại” nếu kinh tế trong nước không có những cải cách sâu rộng.