(HQ Online)- Ngành logistics Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để phát triển, nhưng chi phí dịch vụ logistics còn khá cao so với các nước trong khu vực. Để cạnh tranh khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhất thiết phải giảm bằng được chi phí này.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị giao thương logistics quốc tế được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua.
Tiềm năng lớn
Nhận định về ngành logistics Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá ngành logistics Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để phát triển như: Hệ thống cảng biển lớn; có nhiều điểm thông quan nội địa (ICD) nằm sâu trong đất liền để phục vụ trung chuyển container; các DN logistics trong nước đang sở hữu hệ thống kho bãi rộng khắp cả nước… Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, hiện nay, Việt Nam xếp thứ 48 toàn cầu và thứ 4 trong các nước ASEAN về chỉ số phát triển logistics. Việt Nam hoàn thành việc xác định 18 tuyến quốc tế đường bộ. Các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics.
Là một trong chuyên gia đầu ngành về logistics, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, ngành Logistics là ngành phát triển tỷ lệ thuận với hoạt động XNK. Tổng kim ngạch XNK trong 10 tháng năm 2015 của Việt Nam đạt hơn 272 tỷ USD, khiến DN logistics làm ăn cũng thuận lợi hơn, nói chung tình hình khá khả quan. Tính trong 9 tháng đầu năm, trên 75% các DN logistics Việt Nam làm ăn có lãi. Chỉ có hơn 5% trong số 1.200 DN phải giải thể trong năm 2014. Thị phần của các DN logistics nội địa tăng trung bình khoảng 15 – 20%. Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, dự tính trong 5 năm tới, kim ngạch XK của Việt Nam đạt 200 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội để ngành logistics Việt Nam đón đầu sự phát triển.
Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho rằng, kim ngạch XK của Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 8 – 10% mỗi năm và khối lượng giao dịch ngày càng tăng. Do đó, nhu cầu cho dịch vụ logistics như: Kho bãi, đóng gói, vận chuyển, giám định sẽ gia tăng tương ứng. Các DN nước ngoài rất nhạy bén trong việc phát triển các dịch vụ này. Như vậy, sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam sau khi gia nhập AEC hay TPP, sẽ tạo ra nhiều cơ hội và cũng ít thách thức cho các DN dịch vụ logistics của Việt Nam.
Phải giảm chi phí
Các chuyên gia trong lĩnh vực logistics cho rằng, các DN dịch vụ logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các DN XNK, chưa tạo được sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DN Việt Nam. Điều này dẫn đến việc nhiều DN XNK trong nước đang phải chịu các loại chi phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chỉ ra những bất cập trong việc phát triển logistics của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, hầu hết các DN cung cấp dịch vụ đều là DN nhỏ, chưa mang tính chuyên nghiệp cao, chưa tham gia nhiều vào chuỗi logistics quốc tế. Từ thực tế, các DN cần thực hiện các giải pháp, như: Khẩn trương triển khai cơ sở hạ tầng kết nối các cảng biển; đầu tư xây dựng kho bãi, hậu cần phục vụ phát triển các dịch vụ logistics; thành lập DN vận tải đa phương thức, cung cấp dịch vụ trọn gói; ứng dụng thủ tục điện tử trong thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí…
Theo ông Đỗ Xuân Quang, chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao, hiện chiếm 20% GDP, trong khi chi phí logistics ở các nước phát triển chỉ chiếm 7% – 10% GDP. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có phân bố cơ sở hạ tầng không hợp lý, thủ tục thông quan hàng hóa còn rườm rà, cầu nối logistics và cơ sở hạ tầng còn kém nên mất nhiều thời gian. Muốn phát triển, bản thân các DN logistics Việt Nam cũng phải chào giá tốt trong vận tải. 50 – 60% chi phí trong logistics là vận tải, thì bản thân hãng tàu, ô tô, tàu lửa phải giảm giá. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên và tiềm năng của ngành, theo ông Nguyễn Nhật, hiện nay vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để ngành logistics Việt Nam “cất cánh” trong quá trình gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại đã và đang ký kết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với ngành logistics, để đạt sự cân bằng về thị phần, cần phải quy về bài toán ngành logistics Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nào của ngành logistics thế giới và có vai trò đến đâu trong nền kinh tế của đất nước để tìm ra đáp án chính xác cho các chiến lược phát triển đồng bộ. Tiếp đến, cần nhận thức đầy đủ về logistics là một chuỗi dịch vụ từ quản lý nguyên vật liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, thủ tục hải quan, phân phối, cứu hộ, tổ chức vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng, để từ đó hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng, làm tăng hiệu quả kinh tế của ngành…