Chàng trai thay đổi hoàn toàn ngành dịch vụ giao đồ ăn Mỹ

Chàng trai gốc Việt Tri Tran đã thành lập nên công ty khởi nghiệp Munchery – chuyên cung cấp các bữa ăn hoàn thiện tới khách hàng theo cách rất khác so với các đối thủ cạnh tranh.

dịch vụ giao đồ ăn

Ngồi tại văn phòng tầng 3 của một toà nhà ở quận Outer Mission, San Francisco, Mỹ, Tri Tran kể lại câu chuyện cuộc đời mình cùng những chia sẻ về quá trình thành lập nên công ty Munchery.

Tri Tran hiện là CEO của Munchery – công ty vận chuyển bữa ăn đã hoàn thiện tới tận nhà khách hàng được thành lập từ 4 năm trước.

Munchery là một trong số rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ trên khắp thế giới đang cố gắng giải quyết những vướng mắc trong các bữa ăn của khách hàng, giúp họ dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch cho bữa ăn chỉ nhờ một ứng dụng.

GrubHub tại Mỹ, Just Eat tại châu Âu hay Ele.me tại Trung Quốc chỉ là một vài công ty trong số đó – tất cả đểu kết nối người dùng Internet với các nhà hàng và cung cấp thực đơn cho họ. Nhiều người không đồng tình vẫn chỉ trích rằng đây là loại hình kinh doanh trong “nền kinh tế thực phẩm lười biếng”.

Tuy nhiên, Munchery lại khác. Họ tự chế biến món ăn và chuyển tới cho khách hàng với mức giá khá tốt.

Công ty hiện có mặt ở 4 thành phố lớn ở Mỹ gồm San Francisco, Los Angeles, New York và Seattle. Tại mỗi nơi, Munchery đều có các nhà bếp công nghiệp riêng. Kể từ khi chính thức thành lập vào năm 2010, Munchery đã phục vụ được hơn 3 triệu bữa ăn tới khách hàng.

Công ty đã huy động được 115 triệu USD và Tri Tran nói rằng Munchery hiện là nhà chế biến các bữa ăn lớn nhất tại những thành phố mà họ hoạt động. Anh hy vọng có thể mở rộng thêm ít nhất 10 thị trường nữa trong năm tới nhưng không cho biết chi tiết về kế hoạch này.

Tri Tran – Đồng sáng lập Munchery:

dịch vụ giao đồ ăn

Giống như rất nhiều công ty khởi nghiệp khác, Munchery cho tới giờ vẫn chưa có lợi nhuận. Họ vẫn chỉ đang sống dựa vào nguồn vốn huy động được và nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới.

Thử thách lớn nhất đối với Munchery nói chung và Tri Tran nói riêng có lẽ là bởi số lượng lớn các công đối thủ. Trên thị trường hiện có rất nhiều dịch vụ tương tự như của Munchery như vận chuyển rau củ, nguyên liệu chế biến món ăn…

“Bất kỳ ai cũng cần ăn 3 bữa mỗi ngày”, Michael Dempsey – một chuyên gia phân tích tại CB Insights nói. “Munchery có vị thế rất tốt. Vấn đề là trên thị trường đang có quá nhiều lựa chọn khác và tương lai sẽ luôn luôn như vậy. Lĩnh vực này rất khó để có thể độc quyền và vì vậy cạnh tranh về giá rất khốc liệt”.

“Zero to hero”

Sinh ra tại Việt Nam, Tri Tran đã sớm cùng cha mẹ tới Mỹ để định cư. Sau khi tốt nghiệp Đại hoc MIT, Tri Tran đã trở thành kỹ sư tại một công ty phần mềm ở California. Anh cưới vợ năm 23 tuổi và sớm ổn định cuộc sống gia đình với 2 cậu con trai.

Tuy nhiên, cả anh và vợ đều rất bận rộn với công việc và hầu như không có thời gian để nấu nướng tại nhà. Họ thường phải mua đồ ăn sẵn trên đường về nhà. “Khi 22 tuổi, tôi có thể ăn bất kể thứ gì nhưng lớn hơn, tôi không muốn ăn những thứ độc hại mỗi ngày nữa”.

Thời điểm đó, gia đình anh sống tại Union City, phía nam Oakland. Hàng xóm của họ là một đầu bếp cá nhân – người này tới nhà khách hàng, nấu nướng, đóng gói chúng trong những chiếc hộp thuỷ tinh và đặt vào tủ lạnh để chủ nhà ăn dần. Công việc như vậy được làm tại 1 hoặc 2 nhà với mức thu nhập từ 500 – 700 USD/ngày.

Chứng kiến điều này, Tri Tran nghĩ rằng công việc như vậy không giúp người hàng xóm thoả sức nấu nướng theo ý thích của mình và cũng không có cơ hội đưa những món ăn ngon cho nhiều người thưởng thức được.

Ngay lập tức Tri Tran đã chia sẻ suy nghĩ này với Chu – một người bạn và đồng nghiệp của anh đồng thời cũng có kinh nghiệm làm đầu bếp. Ý tưởng về Munchery ngay lập tức ra đời và cả hai người họ đã cùng nghỉ việc để bắt đầu dự án này.

Ban đầu, họ điều hành công ty giống với mô hình của Etsy (một chợ bán hàng thủ công trực tuyến) nhưng trong lĩnh vực đồ ăn. Họ đã ký hợp đồng với các đầu bếp – chế biến món ăn ngay tại bếp nhà họ và bán trực tuyến. Dĩ nhiên vẫn có sự kiểm soát về chất lượng thức ăn và dịch vụ khách hàng nhưng còn khá lỏng lẻo.

dịch vụ giao đồ ăn

Ngay khi Tri Tran và người bạn của anh bắt đầu nghiêm túc với công việc kinh doanh này cũng là lúc vợ của Tri Tran bắt đầu lo lắng. Anh nhớ lại: “Cô ấy đã nửa đùa nửa thật hỏi tôi rằng liệu anh có thể chăm sóc tốt cho những đứa con của mình không. Tôi trả lời rằng hãy cho anh 1 năm, nếu không thành công, anh sẽ tìm một công việc ổn định”.

Một năm sau đó trôi qua và thực tế là Tri Tran vẫn chưa thể kiếm ra tiền. Tuy nhiên thay vì đóng cửa công ty, anh tiếp tục tham vọng của mình. Vào năm 2011, Munchery đã bị từ chối bởi hầu hết các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại thung lũng Silicon trong khi đó khẩu vị của khách hàng lại luôn thay đổi.

Ngoài ra, Tran và Chu cũng nhận ra rằng các đầu bếp không thực sự quan tâm tới công việc ở Munchery vì họ còn có công việc chính.

Bởi vậy Munchery đã thuê một không gian riêng và hứa với các đầu bếp rằng họ sẽ bán món ăn đến những phạm vi vượt mức cả một nhà hàng truyền thống. Thêm vào đó có quá nhiều đầu bếp muốn làm theo ý thích riêng của họ khiến nảy sinh thêm một vấn đề.

Chính vì vậy, công ty đã thay đổi chiến lược. Họ để khách hàng có thể đặt các bữa ăn qua mạng. Và vận may đã mỉm cười với Munchery vào năm 2012 khi hàng loạt nhà đầu tư – mà một trong số đó cũng chính là khách hàng của Munchery đã quyết định đầu tư 210.000 USD.

Một năm sau đó, Munchery thuê riêng một nhà bếp công nghiệp và tuyển đầu bếp làm việc toàn thời gian. Dĩ nhiên việc này sẽ khiến chi phí đội lên rất nhiều nhưng lại giúp công ty kiểm soát được chất lượng đồ ăn và nguồn nguyên vật liệu tốt hơn.

dịch vụ giao đồ ăn

Tháng 5 năm ngoái, Munchery đã huy động được 85 triệu USD và công ty được định giá ở mức 300 triệu USD. Đây là một mức khá khiêm tốn tại thung lũng Silicon nhưng nó đã giúp Tran Tai trở thành triệu phú – ít nhất là trên giấy tờ.

Tháng 8 vừa qua, ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton thậm chí đã ghé thăm văn phòng của Munchery trò chuyện cùng lãnh đạo công ty và nhiều hãng công nghệ khác bao gồm cả CEO của Airbnb và Lyft.

Dự định của Tri Tran trong 2 tháng tới là mở thêm một nhà bếp công nghiệp tại San Francisco – nơi có chi phí thuê rẻ hơn so với ở Outer Mission.

Nhìn chung, cả Tri Tran và Chu đều khẳng định rằng trong lĩnh vực thực phẩm, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bản thân Kris Fredickson – phó chủ tịch hoạt động của Munchery – người gia nhập công ty sau 6 năm làm việc tại Goldman Sachs nói rằng: “Chất lượng và danh tiếng rất khó để xây dựng nhưng khi đã thành công, bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn”.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg