Năm “bội thu” hiện đại hóa hải quan

(HQ Online)- 2015 được xem là năm bản lề của tiến trình hiện đại hóa hải quan khi toàn Ngành đã đi qua nửa chặng đường trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 với việc hoàn thành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 để bước vào một chặng đường mới với những mục tiêu cao hơn.

hiện đại hóa hải quan
Hoạt động của máy soi container di động tại cảng Green Port, Hải Phòng. (Ảnh: Hữu Linh)

Từ câu chuyện VNACCS/VCIS…

Với cộng đồng DN sự thay đổi, hiện đại hóa của ngành Hải quan không đến từ những gì trừu tượng mà ngay ở chính công việc thường nhật, gắn bó sát sườn với họ đó là thủ tục hải quan. Anh Đinh Nghĩa An- Trưởng Phòng XNK của một DN FDI lớn ở Bắc Ninh cho biết: Bản thân có hơn 10 năm gắn bó với hoạt động XNK, hoạt động hải quan, cảm nhận rõ nhất về sự thay đổi chính là những tiện ích giúp DN trong thực hiện thủ tục. Nếu 5 năm trước đây, khi Tổng cục Hải quan bắt tay vào mở rộng thực hiện thủ tục hải quan điện tử (theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg – PV) DN đã cảm thấy công việc này được nhẹ đi rất nhiều, thì nay, sự thay đổi còn diễn ra nhanh chóng hơn. Trước đây việc “điện tử hóa” mới ở khâu khai báo hải quan, nhưng từ tháng 4-2014, khi ngành Hải quan thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, việc thông quan được thực hiện tự động (với tờ khai luồng Xanh).

“Đây là sự thay đổi có tính bước ngoặt khi thủ tục hải quan đã từng bước được tự động hóa. Vì đi kèm theo đó thông tin khai báo cũng được chuẩn hóa, hồ sơ được lưu trữ dưới dạng điện tử… nên DN tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh” – anh Đinh Nghĩa An nhận xét.

Cảm nhận của anh Đinh Nghĩa An cũng là điều mà nhiều DN XNK cảm nhận được, bởi VNACCS/VCIS không chỉ là dấu son trong chặng đường cải cách, hiện đại hóa 5 năm qua mà còn là dự án về CNTT lớn nhất của ngành Hải quan từ trước đến nay và đã tạo ra được sự thay đổi căn bản trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. Đó không chỉ là việc từng bước tự động hóa trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, Hệ thống còn hoàn thành được mục tiêu tập trung hóa dữ liệu liên quan đến hoạt động XNK ở cấp Tổng cục.

Lãnh đạo Ban Cải cách, hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) – đơn vị chủ trì xây dựng các kế hoạch hiện đại hóa của Ngành, cho biết: Với việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS, toàn Ngành đã về đích sớm trong mục tiêu thực hiện thủ tục hải quan điện tử do Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra. Việc triển khai Hệ thống còn là tiền đề quan trọng để chúng ta hoàn thiện cả về mặt thể chế theo hướng áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về quản lý hải quan hiện đại. Với việc trình Quốc hội ban hành Luật Hải quan 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), khung khổ pháp lý về hải quan cơ bản bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, nội luật hoá các chuẩn mực quốc tế theo lộ trình cam kết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bổ sung những quy định của pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý của Hải quan nhằm phục vụ cải cách, hiện đại hoá theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Đặc biệt việc thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử cũng lần đầu tiên được luật hóa trong Luật Hải quan.

Từ nền tảng về khung khổ pháp lý và thực tiễn triển khai VNACCS/VCIS đã thúc đẩy Hải quan Việt Nam triển khai mạnh mẽ hàng loạt cải cách khác. Có thể kể đến như: Triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng mã vạch trong kiểm soát container; thực hiện Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; triển khai phối hợp giám sát đối với hàng hóa XNK giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng; đẩy mạnh phối hợp thu, nộp ngân sách bằng phương thức điện tử qua ngân hàng thương mại; đưa vào hoạt động Phòng giám sát hải quan trực tuyến… Cùng với đó, toàn Ngành còn chú trọng hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ như đầu tư các hệ thống máy soi container; hệ thống máy đọc mã vạch; camera giám sát…

Đánh giá tổng quát về kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015, Tổng cục Hải quan cho rằng: Việc triển khai đồng bộ công tác cải cách, hiện đại hóa trên phương diện xây dựng cơ sở pháp lý, cải cách về quy trình, thủ tục, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, mở rộng ứng dụng phương pháp quản lý hiện đại, sử dụng trang thiết bị hiện đại nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, ngành Hải quan đã nâng cao mức độ chuyên nghiệp, chuyên sâu trong thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan theo mục tiêu đề ra.

Các mục tiêu về thể chế, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, quản lý thuế, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, hệ thống chỉ số đo hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy, CNTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật… được đảm bảo triển khai theo định hướng đề ra. Về cơ bản các mục tiêu này đã được thực hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai trong giai đoạn 2011-2015, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong các hoạt động nghiệp vụ.

… Đến câu chuyện hội tụ

Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ: Trong những năm tới, VNACCS/VCIS vẫn là hệ thống CNTT cốt lõi của Ngành. Thời gian qua, Hệ thống đã làm tốt vai trò trong tạo thuận lợi cho hoạt động của DN và cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, câu chuyện cần tính đến ở thời gian tới là hướng mạnh hơn nữa đến việc tạo thuận lợi cho cộng đồng DN thông qua tích hợp VNACCS/VCIS với các phần mềm CNTT vệ tinh của Ngành, hệ thống CNTT các bộ, ngành, hệ thống của DN kinh doanh cảng, DN vận tải… Đây cũng là mô hình kết nối được áp dụng ở các nền hải quan hiện đại trên thế giới. Sự kết nối đầy đủ, đồng bộ không chỉ tạo thuận lợi cho DN mà công tác quản lý của cơ quan Nhà nước cũng được nâng cao. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi nước ta đã, đang và sẽ thực hiện nhiều Hiệp định về tự do thương mại (FTA), nổi bật là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… Trong đó, Hải quan Việt Nam phải thực hiện được vai trò là nơi hội tụ, thúc đẩy việc kết nối đồng bộ, đầy đủ trong và ngoài ngành để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo chủ trương của Chính phủ

Thực chất, bài toán trên đã được cơ quan Hải quan tính đến và chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua và năm 2015 đã có được những tiền đề quan trọng. Đó là chúng ta đã thực hiện chính thức Cơ chế một cửa quốc gia và Kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; kết nối với DN kinh doanh cảng để phối hợp giám sát hàng hóa XNK; thực hiện kiểm tra chuyên ngành “một cửa” ở cửa khẩu…

Nếu như trước đây hiện đại hóa hải quan vẫn được xem như câu chuyện “nội bộ” của cơ quan Hải quan, thì giai đoạn tới, rõ ràng mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra được rộng mở hơn rất nhiều. Ngành Hải quan không chỉ phải hoàn thành mục tiêu sớm đạt trình độ các nước phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn phải thể hiện vai trò đầu tàu để kéo theo sự cải cách của các bộ, ngành và cộng đồng DN XNK để Việt Nam có được tâm thế vững vàng trước yêu cầu hội nhập trong tình hình mới.

Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015 đặt mục tiêu: Hết năm 2015, có 100% Cục Hải quan, 100% Chi cục Hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch XNK, 60% DN thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Tính đến tháng 6-2014, với việc phủ sóng VNACCS/VCIS trên phạm vi toàn quốc, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện tại 100% Cục Hải quan và 100% chi cục. Đến nay, hầu hết DN, kim ngạch và loại hình XNK đều thực hiện qua phương thức điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS.

Thái Bình