Với cùng điểm đến và đi, giá bình quân của tàu hoả đang cao hơn giá vé máy bay trong khi số vụ tai nạn đường sắt trong năm 2015 có dấu hiệu tăng.
Đắt hơn vé máy bay, ai đi?
Nhìn lại hoạt động của ngành đường sắt trong năm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ ra thực trạng giá vé tàu trung bình hiện nay đang cao hơn giá vé máy bay. Đây được coi là một trong những lý do khiến ngành đường sắt gặp khó trong công cuộc cạnh tranh với các ngành vận tải khác, đặc biệt là hàng không.
Xã hội hóa thấp là một yếu tố khiến giá vé đường sắt hiện nay khó giảm. Ảnh: KỲ ANH
Khảo sát thực tế của PV Báo Lao Động cũng cho thấy, trong khi các hãng hàng không đua nhau giảm giá, khuyến mãi với những mức giá cực sốc, ngành đường sắt hiện vẫn duy trì mức giá cao ngang bằng thậm chí hơn hàng không ở một số tuyến. Chẳng hạn với tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, giá vé tàu SE1 dao động từ 490.000 – 975.000 đồng tuỳ theo loại ghế trong khi giá vé máy bay Vietjet Air cùng thời điểm (ngày 6.1) dao động từ 166.000 đồng đến 2,25 triệu đồng. Dù biết việc so sánh này có phần khập khiễng nhưng với cùng một điểm đến, mức giá tối thiểu của ngành đường sắt hiện đang cao hơn hàng không trong khi thời gian trên đường lâu hơn.
Ngay Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đặt vấn đề “giá vé đường sắt đắt hơn hàng không thì ai đi?”. Điều đáng nói, giá vé cao, chi phí xăng dầu thấp do giá dầu liên tục giảm nhưng lợi nhuận ngành đường sắt lại thấp hơn nhiều so với quy mô ngành. Trong năm 2015, TCty Đường sắt VN chỉ đạt lợi nhuận hơn 65 tỉ đồng trên tổng doanh thu hơn 2.825 tỉ đồng. Trên thực tế, dù đã nỗ lực tái cơ cấu và cổ phần hoá (với 24/33 doanh nghiệp trong năm 2015) nhưng hiệu quả kinh doanh của ngành này vẫn bị đánh giá ở mức thấp trong khi đó ngành cũng chưa “mở cửa” như ngành hàng không. Một số đánh giá chỉ ra rằng, việc ngành đường sắt ít được đầu tư và mới ở giai đoạn đầu của quá trình xã hội hoá chính là yếu tố khiến giá vé khó giảm.
Đường sắt sẽ sống thế nào để giá giảm, lợi nhuận tăng?
Để tồn tại trong cuộc cạnh tranh với các ngành vận tải khác, ngành đường sắt được người đứng đầu Bộ GTVT chỉ đạo phải cải cách mạnh hơn nữa đặc biệt là về cơ chế để thị trường hoá ngành đường sắt đồng thời tăng cường xã hội hoá nguồn lực để nâng cấp hệ thống vốn đã lạc hậu nhằm nâng cao năng lực chuyên chở và hạ giá thành. Trong năm 2016, ngành đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để đầu tư đường sắt khổ đôi, tiến hành chạy chung tàu hàng và tàu khách để tăng năng lực chuyên chở đồng thời đẩy mạnh kết nối phát triển logistic nhằm tăng thị phần trong ngành vận chuyển hàng hoá. Để thực hiện điều này, ngành đường sắt sẽ phải lựa chọn tuyến ưu tiên để đầu tư trước và kêu gọi xã hội hoá. Việc giá dầu đang ở mức thấp và có thể còn hạ được coi là một thuận lợi giúp ngành đường sắt tranh thủ cải tổ. Bên cạnh đó, những nỗ lực cải thiện dịch vụ của ngành cũng đang dần có những kết quả ban đầu.
Một tín hiệu lạc quan theo như thông tin từ TCty Đường sắt VN là từ ngày 15.1 tới đây, việc mua vé tàu sẽ đơn giản hơn rất nhiều và gần tương tự như mua vé máy bay. Theo đó, khách hàng có thể tự in vé sau khi mua trên mạng thay vì phải tới ga để in như trước. Bên cạnh đó, nhiều kiot in vé tự động đang được lắp đặt để đường sắt tới gần khách hàng hơn. Việc công nghệ hoá quá trình mua vé cũng được tiến hành với ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Nhờ đó, việc tra cứu, cập nhật thông tin và mua vé sẽ được tiến hành chỉ qua vài thao tác.