Thi chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan tại Hà Nội và TP.HCM

Trong đó, khu vực miền Bắc dự kiến tổ chức thi tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (Đường Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).

Khu vực miền Nam dự kiến thi tại Trường Đại học Tài chính – Marketing (Số 2C Phổ Quang, quận Tân Bình, TP. HCM).

khai hải quan

Về nội dung thi kỹ thuật nghiệp vụ hải quan, Tổng cục Hải quan định hướng các ứng viên cần tập trung ôn tập kiến thức liên quan đến: Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (hồ sơ hải quan, khai hải quan, đăng ký tờ khai hải quan, khai bổ sung tờ khai hải quan, hủy tờ khai hải quan, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra xuất xứ, kiểm tra thực tế hàng hóa, thông quan, giải phóng hàng, trách nhiệm của các bên…); vấn đề về xuất xứ hàng hóa; sở hữu trí tuệ; chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; nguyên tắc, các phương pháp xác định trị giá hải quan; hướng dẫn phân loại hàng hóa và danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam…

Theo một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), trước đây để tham gia thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ hải quan ứng viên bắt buộc phải qua một lớp đào tạo do Bộ Tài chính tổ chức. Nhưng theo quy định mới tại Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn, ứng viên (có bằng tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, luật, kỹ thuật trở lên theo quy định của Luật Hải quan 2014- PV) không bắt buộc phải tham gia lớp đào tạo này mà có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến cuộc thi (theo hình thức tự học). Điều này giúp cho những người có nhu cầu làm nhân viên đại lý hải quan thuận tiện hơn trong việc sắp xếp thời gian học tập.

Theo quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BTC, có 3 môn thi trong cuộc thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan gồm:

a) Pháp luật về Hải quan: Bao gồm các nội dung về Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, các luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các nghị định quy định chi tiết thi hành; Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan.

b) Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương: Bao gồm các nội dung về giao nhận vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, thanh toán quốc tế.

c) Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan: Bao gồm các nội dung về thủ tục hải quan, phân loại hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ và chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

T.Bình