So sánh mô hình kinh doanh của Zara, H&M và Uniqlo

H&M, Zara và Uniqlo là ba hãng bán lẻ thời trang toàn cầu sở hữu trên 1.000 cửa hiệu mỗi hãng. Cùng nhắm vào một thị trường, nhưng mô hình kinh doanh của ba công ty này có những chiến lược khác biệt trong quản lý phân phối sản phẩm.

So sánh mô hình kinh doanh của Zara, H&M và Uniqlo

Zara là công ty trẻ nhất trong số ba hãng bán lẻ thời trang trên, ra đời ở Tây Ban Nha vào năm 1975. Thương hiệu này thuộc sở hữu của hãng dệt may khổng lồ Inditex. Việc sở hữu các khâu trong chuỗi cung cấp cho phép Zara quay vòng sản phẩm nhanh hơn. Hãng có thể thiết kế một sản phẩm và ra hàng bán tại các cửa hiệu chỉ trong vòng 1 tháng.

Uniqlo được thành lập vào năm 1949 tại Nhật Bản và được tập đoàn Fast Retailing mua lại vào tháng 11/2005. Mô hình kinh doanh của hãng này dựa trên mô hình kinh doanh của một hãng thời trang có tiếng khác là The Gap.

Về phần mình, H&M, hay Hennes & Mauritz, là hãng lâu năm hơn cả. Được thành lập tại Thụy Điển vào năm 1947, H&M sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm Monki, Weekday, Cheap Monday, và COS.

Theo trang Investopedia, Zara, Uniqlo và H&M có các cách tiếp cận khác nhau với việc thu mua nguyên liệu, thuê ngoài sản xuất, và đối xử với các thương hiệu phụ.

Kênh phân phối

H&M có nhiều cửa hiệu nhất trong số ba hãng, với hơn 3.450 cửa hiệu trên toàn cầu tính đến cuối năm 2015. Zara có 2.000, còn Uniqlo có 1.400 cửa hiệu.

Một phần trong chiến lược của H&M nhằm tăng doanh số là đưa ra những sản phẩm được quảng cáo là hợp tác thiết kế với những tên tuổi lớn của ngành thời trang thế giới như Versace và Alexander Wang. Sự xuất hiện của những sản phẩm như vậy tại cửa hiệu của H&M giúp hãng gia tăng uy tín. Việc kết hợp với các hãng danh tiếng cũng mang đến cho khách hàng của H&M những sản phẩm có sự khác biệt so với những thiết kế phổ thông của hãng.

Chiến lược của Zara là tung ra nhiều mẫu sản phẩm hơn so với đối thủ. Trong khi hầu hết các hãng bán lẻ thời trang chỉ sản xuất và bán từ 2.000-4.000 mẫu hàng mỗi năm, Zara tung ra hơn 10.000 mẫu sản phẩm mỗi năm. Cách làm này cho phép Zara thu hút được một lực lượng khách hàng đông đảo hơn với những sở thích khác nhau.

Trong khi đó, kênh phân phối của Uniqlo chủ yếu tập trung tại Nhật, với hơn 700 cửa hiệu Uniqlo nằm ở đất nước mặt trời mọc. Chiến lược phân phối của Uniqlo lấy trọng tâm là thời điểm đưa sản phẩm lên kệ, lấy việc đáp ứng nhu cầu hiện có của người tiêu dùng là mục tiêu. Hãng này chú trọng việc đáp ứng các xu hướng thay đổi trong thời trang Nhật, nhấn mạnh các thiết kế phù hợp với phong cách tối giản mà người Nhật ưa chuộng.

Thương hiệu

Thông qua mua lại và phát triển các thương hiệu có phong cách khác biệt, H&M muốn thu hút nhiều đối tượng khách hàng mua sắm thời trang hơn. Mỗi thương hiệu của hãng có một tầm giá và ý tưởng phong cách riêng. Chẳng hạn, Collection of Style có giá cao hơn giá trung bình của sản phẩm H&M và tập trung chủ yếu vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, các sản phẩm thương hiệu Monki có giá chỉ bằng nửa giá sản phẩm Collection of Style, với các thiết kế trẻ trung hơn.

Zara thì chia sản phẩm thành một nhóm thấp cấp hơn và một nhóm cao cấp hơn. Mục tiêu của hãng là được nhìn nhận như một nhà bán lẻ thời trang cao cấp với mức giá phải chăng. Cửa hiệu chính của hãng luôn được đặt tại khu vực đắc địa ở các thành phố lớn trên thế giới, nơi giá thuê mặt bằng rất đắt đỏ, chẳng hạn ở Fifth Avenue ở New York.

Khác với Uniqlo, trong chiến lược thương hiệu của mình, Zara không nhấn mạnh vấn đề quảng cáo. Thay vào đó, hãng dồn tiền cho việc mở các cửa hiệu mới.

Chiến lược học tập từ The Gap mà Uniqlo áp dụng là định vị thương hiệu của mình như một thương hiệu thời trang “của riêng” (private-label apparel). Điều này có nghĩa là Uniqlo tự tạo ra sản phẩm của mình ở tất cả các khâu và chỉ bán những sản phẩm đó trong cửa hiệu và website của hãng. Công ty này cũng sử dụng các sự kiện thể thao để thu hút sự chú ý của công chúng. Những thiết kế của Uniqlo thường đơn giản và thực tế hơn so với sản phẩm của Zara và H&M, và bởi vậy thu hút những đối tượng khách hàng khác.

Sản xuất

Cũng giống như nhiều hãng bán lẻ thời trang khác, H&M đem các thiết kế đi thuê sản xuất ở các nước như Campuchia và Bangladesh, nơi có chi phí nhân công rẻ. H&M không trực tiếp sở hữu bất kỳ nhà máy nào, mà thay vào đó hợp tác với 900 nhà cung cấp trên toàn cầu, chủ yếu nằm ở khu vực châu Âu và châu Á.

Để vận chuyển hàng hóa từ nhà máy tới cửa hiệu, H&M dùng đường sắt hoặc đường biển nhằm tăng cường tính hiệu quả của logistics nội bộ. Các nhà thiết kế của H&M cũng không làm việc tại văn phòng trụ sở của hãng ở Stockholm.

Zara có thể thiết kế, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng vì hãng này sở hữu nhiều khâu trong chuỗi cung cấp. Hãng này có một nhà máy sản xuất chính ở thành phố La Coruna của Tây Ban Nha, nơi hãng được thành lập.

Trong số sản phẩm của Zara, có 50% sản xuất ở Tây Ban Nha, và 24% được thuê sản xuất ở châu Á và châu Phi. Điểm khác biệt giữa cách tiếp cận với thời trang của Zara so với Uniqlo là Zara cố gắng dự báo nhu cầu tương lai của người tiêu dùng, thay vì “chạy theo” những xu hướng thời trang hiện có. Tốc độ quay vòng sản phẩm của Zara là rất cao. Trung bình, một sản phẩm của Zara chỉ có mặt trên kệ trong vòng 1 tháng.

Uniqlo chủ yếu sản xuất hàng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hãng này bắt đầu sử dụng nguồn lao động giá rẻ ở Trung Quốc khi Nhật rơi vào suy thoái hồi thập niên 1990. Uniqlo hiện có hợp đồng với 70 nhà sản xuất và cũng đã hợp tác với nhà sản xuất thời trang denim Nhật Kaihara.

VNeconomy