Tại một siêu thị chuyên bán đồ cũ ở vùng ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia), Koji Onazawa đứng lại nhìn những tấm ván lướt sóng đã qua sử dụng. Onazawa từng có hai mươi năm làm việc tại công ty Bookoff, một doanh nghiệp Nhật Bản có đến 832 cửa hàng bán đồ cũ khắp nước này nhưng lại hầu như không có tên tuổi gì ở nước ngoài. Giờ đây, Onazawa là người vận hành cửa hàng Jalan Jalan Japan, bước tiến ra nước ngoài đầu tiên của Bookoff.
“Chúng tôi không phải là đại diện của Bookoff ở đây. Chúng tôi đại diện cho các loại hàng hóa đã qua sử dụng của Nhật”, ông nói.
Theo số liệu của tạp chí Nhật Bản “Japan Re-use Business Journal”, hơn 20 công ty Nhật Bản đã thành lập ít nhất 62 cửa hàng hoặc nhà phân phối chuyên bán hàng Nhật đã qua sử dụng tại 8 nước Đông Nam Á trong những năm gần đây. Bookoff cũng lên kế hoạch mở hơn 4 cửa hàng lớn chỉ riêng tại Malaysia trong 3 năm tới. Giá trị đồ cũ nhập về hợp pháp của các cửa hàng này đã lên tới gần 1 tỷ USD trong năm 2015, trong khi giá trị nhập khẩu không qua đường chính ngạch ước tính cũng tương đương mức này.
Dù doanh thu từ đồ Nhật Bản đã qua sử dụng sẽ không bao giờ bằng được đồ mới, nhưng thị trường này lại có thể tăng trưởng nhanh chóng thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, tạo nên một trong những câu chuyện xuất khẩu bất ngờ nhất châu Á.
Ngành buôn bán đồ cũ đã xuất hiện từ rất lâu đời. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ, dẫn tới sản xuất hàng loạt và rút ngắn vòng đời của hàng tiêu dùng, thì đồ cũ bị mang tiếng xấu là chỉ dành cho người nghèo.
Tại Nhật Bản, nhận thức của công chúng đối với đồ cũ đã bị thay đổi từ những năm 1950 khi người tiêu dùng nước này bắt đầu giàu có hơn và có nhiều sản phẩm mới mẻ liên tục xuất hiện cho họ lựa chọn. Vào thời điểm Bookoff ra đời năm 1991, người Nhật liên tục chạy theo việc nâng cấp lên đồ mới, còn đồ cũ bị đánh đồng với hàng trong tiệm cầm đồ, còn các tiệm sách cũ bị coi là những nơi bẩn thỉu và tối tăm.
Sau khi bong bóng kinh tế Nhật Bản sụp đổ và người tiêu dùng chuyển sang tìm kiếm những món hời, Bookoff đã làm thay đổi hình ảnh của đồ cũ. Các cửa hàng Bookoff luôn sáng rực ánh đèn, có lối đi rộng rãi và các kệ sách được sắp xếp hợp lý với những quyển sách trông như mới (nhờ vào dàn máy cắt bỏ bớt các cạnh ố vàng và sờn).
Đối với một người Mỹ, các cửa hiệu này trông không khác gì các chuỗi siêu thị Target, Wal-Mart hay thậm chí là cửa hàng thời trang Uniqlo. Nhờ Bookoff và nhiều doanh nghiệp bắt chước theo họ, ngành bán lẻ đồ cũ giờ đã chiếm 4,36% tổng thị trường bán lẻ Nhật Bản. Đối với các thương hiệu xa xỉ, đồ cũ chiếm hơn 10% thị trường.
Bookoff không chỉ đã giúp loại bỏ lối suy nghĩ rằng mua đồ cũ là một sự xấu hổ, mà còn giúp cho việc bán những thứ không cần thiết trở nên dễ dàng hơn. Khẩu hiệu của hãng là “hãy bán cho chúng tôi đồ của bạn”, cộng thêm sự thân thiện, đặt khách hàng làm trung tâm đã giải quyết mối nghi ngại của những người Nhật trung lưu, vốn không muốn lại gần những tiệm cầm đồ.
Ngày nay, khả năng chọn lọc nguồn hàng chất lượng cao của các nhà quản lý Bookoff là lợi thế cạnh tranh lớn của công ty này. Năm 2015, công ty này đã mua lại 489 triệu món đồ, và bán ra được 331 triệu trong số này. Và một vấn đề lớn xuất hiện: trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện nay của Nhật, đồ cũ sẽ xuất hiện nhiều hơn trên thị trường nhưng lại có ít người mua hơn. Nói cách khác, Nhật Bản không phải là một nơi đầy triển vọng của thị trường đồ cũ.
Để giải quyết vấn đề này, Bookoff đã đi đến quyết định xuất khẩu. Đông Nam Á xem ra là một khu vực lý tưởng với mối quan hệ lâu dài với Nhật Bản và người tiêu dùng ở khu vực này cũng khá chuộng hàng Nhật. Cùng với đó, nhu cầu về hàng tiêu dùng trung lưu cũng đang trên đà gia tăng.
Tại cửa hàng đầu tiên của Bookoff tại Malaysia (mang tên Jalan Jalan Japan), có rất nhiều phụ nữ và trẻ em đến mua sắm. Hàng tháng cửa hàng này bán được 15.000 mặt hàng quần áo phụ nữ, trong khi 25% doanh thu lại đến từ hàng trẻ em. Dù các sản phẩm này có thể được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng điều đó cũng không thành vấn đề bởi theo Onazawa: “Người Nhật đã dùng chúng, vậy nên chúng là những loại hàng tốt trong mắt người Malaysia”.
Bán ra 15.000 mặt hàng quần áo phụ nữ mỗi tháng dĩ nhiên sẽ chỉ giải quyết được một phần lượng đồ dư thừa của Bookoff. Nhưng Jalan Jalan Japan chỉ mới bắt đầu hoạt động. Ngoài 4 cửa hàng theo kế hoạch đang có, Bookoff có thể sẽ mở một cơ sở logistics cho đồ cũ Nhật Bản ở Malaysia và thậm chí có thể bắt đầu mua bán đồ cũ của nước này. Đối với người Đông Nam Á, việc mua bán đồ cũ có thể sớm trở thành một trải nghiệm mua sắm mới mẻ.
Trường Văn – NCĐT
Nguồn Bloomberg