Tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với quyết tâm của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ của Trung ương đến địa phương, đây thực sự là thời cơ cần nắm bắt để các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành nghiên cứu đầu tư và xây dựng trung tâm logistics, nhằm tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics tại khu vực này.
Cảng khô logistics IDC Sóng Thần – Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN
Đầu tháng 6/2017, với việc thông qua báo cáo đề án thành lập Trung tâm logistics Hậu Giang, tỉnh này đang là một trong những địa phương đầu tiên vùng Tây Nam Bộ mạnh dạn xúc tiến làm logistics.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Hậu Giang cho rằng: Việc xây dựng trung tâm logistics Hậu Giang là cấp bách và phù hợp với xu thế phát triển vì vậy tỉnh giao cho Công ty Vinalines Hậu Giang xem xét thực hiện quy mô dự án phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh.
Theo ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ hàng hải Hậu Giang – Vinalines Hậu Giang, công ty đã thuê đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng Trung tâm logistics Hậu Giang tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Trung tâm logistics Hậu Giang được quy hoạch trên diện tích hơn 80 ha; phân kỳ giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư xây dựng trên 30 ha, gồm hệ thống cầu tàu, kho bãi, văn phòng phục vụ các hoạt động logistics.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Trường đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tại Đồng bằng sông Cửu Long lợi thế sẽ rất to lớn đối với đơn vị nào đi trước làm logistics vì dự báo về lượng hàng thông qua cảng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030 là rất lớn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, đến năm 2020 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 25-28 triệu tấn hàng hóa lưu chuyển/năm; trong đó hàng tổng hợp và hàng container từ 11,5 triệu đến 14 triệu tấn/năm; đến năm 2030 là từ 66,5 triệu đến 71,5 triệu tấn/năm; trong đó hàng tổng hợp và hàng container từ 21,7 triệu đến 26,2 triệu tấn/năm. Do đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistic cả về đầu tư cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa cũng chỉ ra rằng: Sau khi phân tích 8 yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định lựa chọn vị trí thành lập trung tâm logistics có thể thấy rằng 2 khu vực là Khu công nghiệp Hưng Phú (Cần Thơ) và Sông Hậu (Hậu Giang) đều có sự tương đồng về khả năng liên kết vùng, vị trí địa kinh tế, điều kiện giao thương để trở thành trung tâm logistics của vùng.
Sau khi xem xét đặc điểm cụ thể của từng yếu tố có thể thấy rằng khu đất của Vinalines Hậu Giang tại Khu công nghiệp Sông Hậu là địa điểm phù hợp cho việc hình thành trung tâm logistics bởi ưu thế về giá thuê đất, khả năng mở rộng quy mô trong tương lai, mật độ dân số thấp nên xung đột giao thông sẽ giảm bớt.
Cùng với đó, khu vực này còn có sự kết hợp với của nhiều công ty tạo thành một khu vực dịch vụ logistics tích hợp, trọn gói có sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau, phù hợp theo xu thế của thế giới. Hơn nữa, lại có chủ đầu tư sẵn sàng tham gia (Vinalines Hậu Giang) với toàn bộ quỹ đất sạch, không phải đền bù giải phóng mặt bằng, có thể triển khai ngay.
Đây là những đặc điểm góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hậu Giang thông qua giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, cũng như thu hút đầu tư từ các công ty logistics trong và ngoài nước vào thực hiện cung cấp dịch vụ tại trung tâm logistics.
Khu vực Tây Nam Bộ hiện có khoảng 50 khu công nghiệp, với tổng diện tích là hơn 11.000 ha, tỷ lệ lấp đầy là 38%. Riêng tỉnh Hậu Giang có khu công nghiệp Sông Hậu và Tân Phú Thạnh, có tổng diện tích gần 500ha, xếp thứ 3 về diện tích trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Long An và Tiền Giang. Trong đó, các khu công nghiệp của Hậu Giang đang trong giai đoạn xây dựng, tỷ lệ đất đã cho thuê là gần 300 ha, tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 50%.
Dự báo đến năm 2020, các khu công nghiệp của tỉnh Hậu Giang sẽ được lấp đầy và khi đi vào hoạt động, với lượng hàng trung bình 1.000T/ha/năm sẽ tạo nên một nguồn hàng hoá cần vận tải từ địa bàn khu vực là gần 0,5 triệu T/năm.
Các cảng địa phương, cảng khu công nghiệp khu vực sẽ là những đầu mối giao thông thuỷ chuyên chở hàng hoá hiệu quả bởi giá thành rẻ hơn, khối lượng vận tải được nhiều hơn so với đường bộ trong tương lai không xa. Vì thế, ngành dịch vụ thực hiện quá trình lưu thông phân phối hàng hoá, thông qua trung tâm logistics có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế.
Không chỉ vậy, việc xây dựng và đưa vào khai thác trung tâm logistics tại Khu công nghiệp sông Hậu của Vinalines Hậu Giang có ý nghĩa quan trọng và có lợi thế đi trước đối với Hậu Giang nói riêng, các tỉnh thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.
Phạm Duy Khương/TTXVN
Phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 1: Thiếu trung tâm vùng
Phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 2: Tiềm năng to lớn