(DĐDN)- Trước cuộc “Cách mạng mua sắm Đông Nam Á” của Lazada, có lo ngại rằng sẽ xảy ra tình trạng “sập sàn” như đã từng diễn ra với một vài website có các đợt bán hàng hấp dẫn trong khu vực. Đại diện Lazada bật mí rằng họ sẽ không để tình trạng đó xảy ra. Vì máy chủ của họ đang đặt tại VN.
Vì sao VN lại là điểm để Lazada đặt máy chủ? Một phần của cuộc đua đầu tư trên thị trường tiềm năng màu mỡ đã hé lộ…
Cuộc chơi chỉ dành cho nhà đầu tư lớn ?
Dù vậy, mức độ đầu tư mạnh tay cho cổng kinh doanh này vẫn không phải là câu chuyện của số đông. Phát biểu trong các sự kiện liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT), đại diện cơ quan quản lí Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công Thương) ghi nhận rằng đã và đang có hàng trăm triệu USD đổ vào lĩnh vực kinh doanh TMĐT, song con số chính xác được thì rất khó để thống kê. ( Cũng giống vậy, doanh số từ TMĐT ghi nhận được của các nhà quản lí công bố ra, cũng không hoàn toàn thuyết phục giới đi kinh doanh TMĐT).
Trên thông tin cụ thể, hiện cũng chỉ có một vài DN lớn và hướng đến phát triển chuyên nghiệp lĩnh vực TMĐT, mới công bố mức vốn hoặc ước tính sơ bộ mức vốn họ bỏ ra. Chẳng hạn với Lazada, DN đang dẫn đầu thị trường với 36,1% thị phần, số liệu tính đến năm 2014, qua nhiều nguồn thông tin cho biết họ đã gọi vốn đầu tư được khoảng 700 triệu USD. Nhưng 700 triệu này là dành cho “Amazon của Đông Nam Á”, bao gồm 7 quốc gia mà Lazada đang phát triển, không riêng hoặc cụ thể với Lazada VN. Khi được hỏi về tổng vốn đầu cho Lazada VN, ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada VN cũng nhấn mạnh đây là một bí mật kinh doanh và theo ông “tiền không phải là tất cả, nhưng Lazada VN cũng đã chi nhiều tiền để có được lượng khách hàng hiện nay”.
Như đã nói, điểm nhấn đáng chú là hiện tại, Lazada đang có chiến lược “phân phối” tổng lực cho hệ thống thị trường Đông Nam Á của mình thông qua tổng kho đặt tại Hồng Kong và máy chủ đặt tại VN. Từ đó xác nhận VN là một thị trường trọng điểm. Việc đầu tư công nghệ – khâu “đốt tiền” mạnh tay để các doanh nghiệp TMĐT có thể vượt lên – của Lazada cho VN, theo đó cũng được xem là tất yếu. Giới quan sát ước tính con số vốn đầu tư cho Lazada Việt Nam có thể đạt 1/3 hoặc thậm chí lên tới gần ½ tổng vốn đầu tư mà Lazada đang chi ở 6 quốc gia, tương đương trên 250 triệu USD. Chỉ riêng nội lực tài chính này cũng đã đủ để Lazada “trên cơ” các đối thủ nhỏ. Điều này lý giải tại sao Lazada không đặt mục tiêu “hạ” bớt các đối thủ nhỏ, mà họ hướng vào chiếm lĩnh nhiều hơn và nhiều hơn nữa thị trường.
Trong khi đó, một ông lớn khác, cũng đang đầu tư mạnh tay và hoạch định một chiến lược hỗ trợ cho lõi E-Commerce rất hoàn chỉnh là Tập đoàn Vingroup, thì lại không dấu nguồn vốn đầu tư sơ bộ ở VinEcom. Đây cũng là dự án thương mại điện tử được cho sẽ là đối trọng lớn nhất của DN trong nước với các đại gia ngoại ở VN. Hiện VinEcom đã nhận được tổng số vốn đầu 50 triệu USD (trên 1.000 tỷ đồng) vốn điều lệ và có thể chưa phải là con số cuối cùng, bởi những động thái đầu tư liên quan đến định hướng hỗ trợ và phát triển cho VinEcom đang ngày càng mở rộng hơn. Đó là những khoản đầu tư tài chính lớn và có tính “hậu cần” dài hạn. (Ngoài VinEco – mảng đầu tư nông nghiệp cũng đang là lĩnh vực ngốn những khoản đầu tư nhất định của tập đoàn BĐS có giá nhất VN). Và mũi nhọn này đã thể hiện tầm nhìn xa của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi đồng thời sẽ tạo lợi thế cho chuỗi bán lẻ, lẫn lợi thế bổ trợ cho kinh doanh TMĐT để có thêm nguồn phân phối thực phẩm sạch – giải bài toán tồn kho của sản phẩm/ hàng hóa không có thời hạn bảo quản lâu, nếu chỉ được phân phối E-commerce, đồng thời giúp tăng thu hút người tiêu dùng đến với TMĐT tại VinEcom, tiếp tục định hướng ban đầu mà VinEcom đặt ra.
Bên cạnh những khoản đầu tư trực tiếp cho cả mảng bán hàng thực (ở chuỗi VinMart), ở mảng bán hàng trực tuyến giao hàng thực (qua VinEcom), nhiều hạng mục khác đã phác thảo sơ bộ mạng đầu tư khổng lồ thể hiện tham vọng trong lĩnh vực TMĐT của Vingroup. VinEcom trong hình dung tương lai khi không còn ở dạng “thử nghiệm”, theo đó có thể sẽ là một hình ảnh doanh nghiệp TMĐT mới, được phủ sóng và thống nhất đa kênh, bởi sự phối hợp từ TMĐT (VinEcom), bán lẻ (VinMart)… Tất nhiên, Vingroup cũng đã không quên sẵn sàng cho các lĩnh vực khác như logistic, hậu cần – giao vận…
VinEcom liệu có trở thành Alibaba của VN hay không? Chắc chắn những đối thủ lớn trên thị trường về TMĐT, trước bức tranh đầu tư khủng từ Vingroup, cũng sẽ phải đặt một dấu hỏi và có tâm thế chuẩn bị cho sự cạnh tranh.
Cửa ra cho các DN nhỏ
Nếu không tính đến những trang TMĐT “cò con”, kinh doanh quy mô nhỏ, bán hàng phát sinh và thậm chí không đăng kí quản lí ở Cục Thương mại điện tử, với mạng lưới và mô hình đầu tư của những ông lớn như VinEcom hay Lazada, cơ hội cho các doanh nghiệp TMĐT quy mô nhỏ nếu muốn vươn lên dàn hàng ngang sẽ ngày càng hẹp lại.Bảng doanh số của top 10 website TMĐT Việt Nam, cũng đang thể hiện sự “lép vế” với khoảng cách rộng cùng Lazada. Chẳng hạn, website TMĐT đứng thứ 2 về doanh số sau Lazada, chỉ chiếm 14,4% sendo.vn. Zalora.vn đứng thứ ba với 7,2%. Tiki.vn ở vị trí số 4 chỉ chiếm 5,4% doanh số. Và DN đứng vị trí thứ 10, rongbay.vn, chỉ chiếm được 0,3% doanh số. Như vậy, những doanh nghiệp TMĐT không có tên trong top 10 sẽ có tỷ trọng doanh số thấp hơn 0,3% hoặc 0,00…% trên thị trường. Cơ hội để các DN nhỏ như vậy tồn tại và tiếp tục phát triển, theo các chuyên gia, sẽ phải đi vào xu hướng cộng sinh với doanh nghiệp TMĐT khác hoặc đi sâu vào phân khúc ngách, đầu tư vertical e-commerce – TMĐT ngành dọc.
Tiên phong cho sự cộng sinh giữa các DN tưởng chừng là đối thủ, Lazada đã mở cửa kết nối cungmua.vn. Trong đợt bán hàng “Cách mạng mua sắm Đông nam A” cuối năm 2015. Ông Alexandre Dardy nói với DĐDN rằng mục tiêu của sự kết hợp này, về phía Lazada là đa dạng hóa lượng hàng hóa, sản phẩm để có thể phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Còn cungmua.vn thì thông qua voucher được mua từ lazada.vn, sẽ có được lượng sản phẩm hàng hóa được bán tốt hơn, được hưởng lượt truy cập và lượng khách hàng biết đến họ nhiều hơn. Đây có lẽ là bài toán để giúp Lazada giải quyết tốt hơn nữa bài toán đầu vào, bên cạnh việc tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có ở mô hình Marketplace.
Trên con đường phát triển vertical e-commerce, chỗ đứng của Sendo hay Zalora hiện tại, ít nhất cũng đã biểu thị việc đi sâu vào một phân khúc ngách, ở quy mô tương đối và không quá nhỏ, là lựa chọn đúng cho các nhà bán lẻ Online.
Nhưng chốt lại, một thực tế khá phũ phàng trong thị trường đang nóng lên là lợi nhuận của DN đầu tư TMĐT hiện nay gần như chưa thể tính được. Từ trang cá nhân trên mạng xã hội của mình, ông Nguyễn Văn Tuấn – GĐ Khối Thương mại Điện tử VCCorp khẳng định, hiện chưa có nhà đầu tư TMĐT nào, trừ các DN vertical e-commerce thu được lãi. Bản thân Lazada cũng thừa nhận để khai thác tối đa đà phát triển hiện hữu và mô hình marketplace đang đúng hướng, với lộ trình thuận lợi, Lazada VN cũng sẽ bắt đầu có lời trong… 3 năm tới. Rõ là ngoài kinh nghiệm, lắm tiền và trường vốn sẽ tiếp tục là “từ khóa” quyết định thành bại của nhà đầu tư trên thị trường TMĐT Việt Nam. Những nhà đầu tư nào muốn “ăn xổi”, có lãi ngay trên thị trường, nói như ông Tuấn, có lẽ không nên nhìn vào TMĐT.
Ồ ạt phát triển website thương mại điện tửBáo cáo về thị trường TMĐT 2014 của Cục Thương mại Điện tử, sau hơn một năm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có hiệu lực, đã có 7.814 tài khoản doanh nghiệp và 3.418 tài khoản cá nhân được duyệt trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT. Gần như tương ứng, số lượng hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng được xử lý trong năm 2014 là 9.075 hồ sơ, trong đó số website được xác nhận thông báo tính đến cuối tháng 12/2014 là 5.082 website. Điều này nghĩa là đang có hơn 10.000 DN và cá nhân thuộc đối tượng “chính danh” điều chỉnh của Nghị định, với các hoạt động phát triển, ứng dụng, kinh doanh TMĐT.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số “chính danh” có đăng kí tài khoản, website thông báo đúng quy định. Số lượng DN, cá nhân kinh doanh TMĐT có tài khoản nhưng không đăng kí thực tế còn nhiều hơn. Bởi cũng theo cục này thì ghi nhận thông tin phản ánh của người dân tại Cổng thông tin quản lí hoạt động TMĐT, năm 2013 có đến 62,3% lỗi vi phạm thuộc tình trạng DN, cá nhân được phản ánh là hoạt động thiết lập website TMĐT mà không thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương. Tỷ lệ này tăng lên ở 2014 tới 87% – đồng nghĩa số DN, cá nhân hoạt động TMĐT “ngoài luồng” quản lí và khai báo cũng đã và đang không ngừng tăng. Các chuyên gia về E-Commerce đánh giá, tình trạng này có thể tiếp tục tái diễn và tăng lên cao hơn trong năm nay.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, dự tính năm 2015, có khoảng 150.000/300.000 DN có website được truy cập hàng ngày. Trong số đó, có tới 60% website có hoạt động TMĐT (có tính năng đặt hàng). Như vậy, nếu tính theo “phổ rộng” các DN bán hàng qua website đặt hàng nói chung và “phổ hẹp” các DN chuyên doanh TMĐT, ước đang có khoảng 90.000 DN quan tâm đến phương thức kinh doanh qua cổng trực tuyến – kinh doanh TMĐT.
Lê Mỹ