Ngành logistics toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch trọng tâm sang các thị trường đang phát triển tại châu Á, tạo động lực thúc đẩy các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này diễn ra mạnh hơn tại Việt Nam.
“Cú bắt tay” của các ông lớn
Thông tin Samsung SDS, công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), sẽ thành lập một liên doanh với Công ty Minh Phương Logistics nhằm mở rộng hoạt động tại Việt Nam đã đánh động thị trường logistics.
Để lấn sâu vào thị trường logistics nội địa, nơi vận tải đường bộ chiếm tới 65% thị phần ở Việt Nam, có lẽ, Samsung không có cách đi nào nhanh hơn là liên doanh với Minh Phương.
Với chuyên môn của một nhà vận hành hệ thống hậu cần công nghệ cao trên toàn cầu, việc hợp tác với Minh Phương sẽ giúp các dịch vụ công nghệ thông tin và hậu cần của Samsung SDS thâm nhập vào ngành công nghiệp vận tải hàng hóa của Việt Nam. Trong khi đó, Minh Phương là một trong những doanh nghiệp giao nhận vận tải đường bộ hàng đầu tại Việt Nam và đang có tham vọng mở hệ thống văn phòng trên khắp thế giới, trước mắt, tập trung vào khu vực Đông Nam Á.
Thương vụ này xuất hiện giữa lúc Việt Nam nổi lên là một trung tâm sản xuất mới với chi phí thấp, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhờ tiềm năng tăng trưởng tốt.
Samsung SDS kỳ vọng việc hợp tác này sẽ giúp mở rộng hoạt động trong ngành dịch vụ hậu cần ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ vận tải khác cho các sản phẩm như hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Theo ông Kim Hyung Tae, Phó chủ tịch bộ phận kinh doanh dịch vụ hậu cần thông minh của Samsung SDS, liên doanh trên sẽ giúp Công ty có động lực thúc đẩy mở rộng hoạt động trong ngành logistics tại Việt Nam. Thực tế, việc bắt tay với Minh Phương là bước đi thứ hai của Samsung trên thị trường logistics Việt Nam. Trước đó, tập đoàn này đã thành lập một liên doanh với Công ty cổ phần Logistics hàng không (ALS) để quản lý nhà ga hàng hóa tại Sân bay Nội Bài – một trong 2 sân bay đón nhận lượng lưu chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam (cùng với Sân bay Tân Sơn Nhất).
Tuy nhiên, Samsung không phải là nhà đầu tư ngoại duy nhất của Hàn Quốc lập liên doanh logistics ở Việt Nam để có được thị phần trong nước. Tháng 5/2017, Tae Kwang Industrial Co. Ltd, một công ty dệt may và hóa chất dầu khí Hàn Quốc cũng muốn mua lại cổ phần chi phối của “ông lớn” trong ngành vận tải biển và logistics là Công ty cổ phần Gemadept (GMD).
Ngành logistics được dự báo sẽ chiếm 8 – 10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025.
Doanh nghiệp thuộc các nước đang đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp… sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Tae Kwang Industry Co. Ltd đã hoạt động tại Việt Nam trong hơn 23 năm qua. Trong đó, Tae Kwang Vina Industrial (Tae Kwang Industry Co. Ltd sở hữu 100%) là công ty giày dép lớn thứ hai tại Việt Nam. Nếu thương vụ thành công, GMD sẽ được nhận chuyển giao toàn bộ yêu cầu về logistics hiện tại của Tae Kwang Vina Industrial.
Hiện tại, room cho khối ngoại của GMD là 49% do mảng kinh doanh bốc dỡ hàng hóa, vận tải nội địa và vận tải đường bộ của Công ty là ngành nghề kinh doanh bị hạn chế sở hữu nước ngoài tại mức 49%.
GMD sở hữu một loạt cảng biển, như cảng Nam Hải, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Phước Long, cảng Nam Đình Vũ, cảng Dung Quất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật Bản cũng “khát” doanh nghiệp logistics Việt Nam. Năm 2014, The Shibusawa Warehouse Ltd. chuyên về logistics của Nhật Bản đã chi 9,2 triệu USD mua cổ phần Vận tải biển Vinafco và hiện đã nắm tới 44,87% cổ phần của Vinafco.
Liên minh để né cuộc chiến về giá
Các doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh cao. Ước tính, Việt Nam hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics, trong đó, doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 3% về số lượng, nhưng lại nắm giữ 70 – 80% thị phần của ngành.
Nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam yếu thế so doanh nghiệp nước ngoài đã được ông Pieter Pennings, Giám đốc tư vấn của CEL Consulting chỉ ra.
Thứ nhất, nguyên nhân chính là doanh nghiệp Việt gặp nhiều giới hạn về tiềm lực và khả năng quản lý, trong khi thị trường quá phân mảnh.
Thứ hai, chất lượng dịch vụ giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài cũng rất chênh lệch, vì vậy, nhiều tập đoàn lớn trong nước vẫn sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, các doanh nghiệp logistics nước ngoài có thể hợp tác với tập đoàn lớn vì họ có thể cung cấp trọn gói dịch vụ logistics, trong khi doanh nghiệp Việt lại cung cấp dịch vụ rời rạc. Thực tế này tạo lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp nước ngoài chọn làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, họ có thể phải cùng lúc quản lý 3 – 4 bên riêng biệt cho các dịch vụ vận chuyển, kho bãi, thủ tục hải quan… Trong khi đó, một doanh nghiệp cung cấp logistics trọn gói bên thứ 3 (3PL) nước ngoài có thể bao quát toàn bộ các hoạt động này với một gói dịch vụ giá trị cao hơn.
Thứ tư, rất ít doanh nghiệp logistics trong nước có được hệ thống công nghệ thông tin hiệu quả như các đối thủ nước ngoài.
Khi các ông lớn trong ngành logistics toàn cầu có xu hướng chuyển dịch trọng tâm sang thị trường các nước đang phát triển châu Á, thì chính sự yếu thế của doanh nghiệp Việt Nam là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nước ngoài, biến Việt Nam thành mảnh đất màu mỡ cho các thương vụ M&A.
Xu hướng M&A trong ngành logistics đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2015 trên toàn thế giới. Theo thống kê của CEL Consulting, chỉ trong quý II/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A trong ngành logistics tại châu Á đạt 12 tỷ USD, ở châu Âu đạt khoảng 30 tỷ USD.
Trong trường hợp của Việt Nam, M&A là một lựa chọn hợp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì những giới hạn trong tỷ lệ cổ phần sở hữu mà những năm trước đây, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn hình thức liên doanh hoặc hợp tác chiến lược.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều phân ngành cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu cổ phần với tỷ lệ cao hơn, nên họ không ngại bỏ tiền đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng. Ngay cả đối với những phân ngành còn giới hạn tỷ lệ sở hữu, với xu hướng kinh tế mở cửa như hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài cũng vẫn có thể đầu tư với kỳ vọng dễ dàng tăng vốn đầu tư trong tương lai.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp Việt Nam, M&A cung cấp nguồn vốn lớn, tạo cơ hội chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý. Bằng việc đầu tư vào những doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động tốt, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Điều này giúp họ giảm được nhiều chi phí gia nhập thị trường so với việc bắt đầu xây dựng từ đầu.
Theo ông Pieter Pennings, các thương vụ M&A sẽ đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu, giúp giảm phân mảnh thị trường. Song về lâu về dài, việc đầu tư vào công nghệ và con người mới là yếu tố quyết định, giúp các doanh nghiệp sống tốt.
Thực tế cho thấy, các ông lớn ngành logistics đang nỗ lực thực hiện M&A để né cuộc chiến về giá. Hiện các hãng tàu biển đang đối mặt với tình trạng thiếu phương tiện, trong khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải biển giảm. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đi theo hướng liên minh và hợp tác với nhau để né các cuộc chiến về giá. Các hãng vận tải đường bộ có xu hướng M&A những nhà xe nhỏ lẻ để giảm độ phân mảnh của phân khúc này.
Tuy nhiên, để tránh đổ vỡ hậu M&A, ông Pieter Pennings cho rằng, quan trọng nhất là nhà đầu tư nước ngoài phải rõ ràng về chiến lược kinh doanh và chiến lược hợp tác.
Theo ông, khi bắt đầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy có rất nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh cả theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Theo chiều ngang là mở rộng mạng lướng địa lý. Còn theo chiều dọc là mở rộng gói dịch vụ, tăng năng lực cung cấp trọn gói dịch vụ logistics. Tuy nhiên, thực tế vận hành và đặc thù của Việt Nam có thể sẽ khác biệt so với kinh nghiệm của nhà đầu tư và đây chính là phần mà đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ.
Ngoài ra, vì ngành logistics rất phân mảnh và nhiều đặc thù, nên việc tìm hiểu và nghiên cứu thị trường một cách toàn diện và thấu đáo sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đồng thời giúp xác định chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
Theo BaoDauTu