Năm 2014, tổng giá trị của thị trường này đã đạt khoảng 40 tỷ USD và sẽ tăng sau khi gia nhập TPP nhưng để giành thị phần với các DN ngoại cũng là một bài toán khó.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, một loạt các hiệp định thương mại tự do ở khu vực và trên thế giới sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các nước chắc chắn sẽ rất lớn. Và có lẽ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hậu cần, kho bãi hay còn gọi là logistics sẽ là người mừng nhất khi mà họ sẽ có thêm nhiều công việc. Khi mức thuế suất về 0% trong thời gian tới, hứa hẹn thị trường xuất nhập khẩu sẽ phát triển sôi động.
Mặc dù cơ hội lớn như vậy nhưng các doanh nghiệp logistics Việt đã sẵn sàng hay chưa? Bởi hiện tại, đại đa số các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực hậu cần mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và còn bỏ ngỏ cả một thị trường dịch vụ lớn nhiều giá trị gia tăng như lưu kho bãi, đóng gói và phân phối sản phẩm. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp logistics Việt chỉ đang làm đại lý cấp 2, cấp 3 cho các công ty toàn cầu.
Không chỉ có ít dịch vụ mà với những dịch vụ đang cung cấp, các thủ tục còn phức tạp kèm theo chi phí cao. Theo số liệu thống kê, chi phí kho vận/GDP của Việt Nam đang ở mức 25%, trong khi đó, mức trung bình của thế giới chỉ là 15%.
Trên thực tế, thị trường logistics Việt Nam đã phát triển và có tới hơn 1.300 doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ấy chỉ nắm giữ vỏn vẹn 20% thị trường logistics, 80% còn lại thuộc về doanh nghiệp ngoại.
Đến thời điểm này, chắc chắn các doanh nghiệp cũng nhận ra đây là một thị trường rất màu mỡ. Nhưng tại sao thị phần của doanh nghiệp Việt vẫn khiêm tốn như vậy?
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển của trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay có tới 80% nhân lực chỉ được đào tạo qua công việc hàng ngày trong khi logistics là một ngành nghề phức tạp cần am hiểu cả xuất nhập khẩu, kế toán, luật… thì nhiều trường chỉ coi như là một môn học lý thuyết. Còn về phía hiệp hội, mỗi năm cũng chỉ tổ chức 1-2 khóa nghiệp vụ mang tính nội bộ, chưa bài bản.
Ngoài ra, tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam trích ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc phải liên kết các đơn vị lại với nhau bao gồm từ doanh nghiệp logistic Việt, doanh nghiệp vận tải biển , doanh nghiệp bảo hiểm hay ngân hàng… để có một vòng dịch vụ khép kín với tính cạnh tranh cao.