Việt Nam – Điểm đến cho các nhà sản xuất

Theo bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất” của Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman&Wakefield (C&W), Việt Nam được xếp ở vị trí thứ nhất, đồng nghĩa với việc Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn nhất đối với các nhà sản xuất nước ngoài đang tìm kiếm địa điểm sản xuất.

121219landjobstrongcompetition1024x768_VWMA

Lựa chọn hấp dẫn

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Công ty C&W Việt Nam cho biết, bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam xét trên phương diện chi phí cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam tiếp tục đem lại nhiều cơ hội cho những nhà bán lẻ và các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng, khiến cho năng lực cạnh tranh giảm mạnh, đồng nghĩa với việc làm tăng sức hấp dẫn hơn tại các quốc gia có giá lao động rẻ như Việt Nam.

Trên thực tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Cụ thể, FDI vào ngành sản xuất và chế biến đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012 – 2014, đạt 11 tỷ USD, tương đương 71% tổng số vốn FDI đăng ký. Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia như Samsung, Intel, LG, Microsoft, Canon… đã và đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử của thế giới. Nhiều dự báo cho rằng, trong năm 2015 hoặc 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ thực sự trở thành điểm sản xuất của các tập đoàn công nghệ cao.

C&W đánh giá môi trường sản xuất của một quốc gia dựa trên 3 tiêu chí: Điều kiện (tỷ trọng 40%), rủi ro (tỷ trọng 20%) và chi phí (tỷ trọng 40%). Trong đó, điều kiện bao gồm các yếu tố lực lượng lao động, logistics, tiếp cận thị trường, môi trường kinh doanh, thời gian cung ứng, trách nhiệm của doanh nghiệp; rủi ro bao gồm các yếu tố như thảm họa thiên nhiên, rủi ro kinh tế, rủi ro doanh nghiệp và rủi ro năng lượng; chi phí bao gồm các yếu tố như chi phí lao động, sử dụng điện năng, chi phí xây dựng nhà xưởng, chi phí đăng ký tài sản.

Sản xuất tăng trưởng tốt

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây cũng là một dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất đang gia tăng. Theo Báo cáo của Nikkei và Markit Economics, PMI ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ mức 52,2 điểm của tháng 6/2015 lên 52,6 điểm trong tháng 7/2015, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, với tốc độ tăng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới nhanh hơn, khiến các nhà sản xuất gia tăng sản lượng, đánh dấu tháng tăng trưởng sản lượng thứ 22 liên tiếp.

Sản xuất công nghiệp, một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế Việt Nam đã và đang có nhiều cải thiện. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2015 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2014 nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục duy trì mức tăng trưởng tốt (tăng 10,4% so với cùng kỳ, đóng góp 7 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành).

Sản xuất của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi nhiều lý do. Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế so sánh về chi phí lao động để thu hút các hoạt động sản xuất cần nhiều sức lao động; Thứ hai, Việt Nam mới kết thúc cơ bản đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU) và ký kết FTA với Hàn Quốc, cũng như đang trong quá trình bàn thảo để đi đến vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Thị phần sản xuất sẽ tiếp tục tăng

Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ngay trên tuyến đường thương mại trên biển nhộn nhịp nhất thế giới, Việt Nam còn có thị trường rộng lớn với dân số trên 90 triệu người, phần lớn là dân số trẻ với nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Lực lượng lao động trẻ của Việt Nam khá đông đảo với chi phí lao động tương đối rẻ cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã và đang có nhiều cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn. Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất – kinh doanh.

Theo HSBC, thị phần của Việt Nam đã tăng từ mức 0,7% tổng thương mại toàn cầu trong năm 2013 lên 0,8% năm 2014. Việt Nam có hoạt động giao thương lớn nhất với Mỹ và châu Âu – hai khu vực có đà tăng trưởng đang cải thiện. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được tiếp tục thúc đẩy bởi những nỗ lực tăng cường hợp tác thương mại song phương và đa phương. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi thu hút FDI vào ngành sản xuất thông qua những ưu đãi về thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng.

Ngân hàng ANZ từng nhận định, Đông Nam Á sẽ chiếm mất vị thế “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc trong 10 – 15 năm tới. Là thành viên ASEAN và là một trong những điểm đến hấp dẫn của FDI, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành một trong những công xưởng của khu vực và thế giới. Hãng tin Bloomberg cũng có chung quan điểm khi cho rằng, kết cấu dân số trẻ và chi phí nhân công thấp đang là những “điểm cộng” giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của châu Á.

Tuy nhiên, động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong tháng 8/2015 cũng đồng nghĩa với giá hàng hóa và nhân công của Trung Quốc rẻ đi tương đối, làm tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư cũng như cạnh tranh về xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.

Theo Thông tin Tài chính