Đường sắt chính thức “bắt tay” với tư nhân

TPO – Lần đầu tiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) chính thức cho thuê hạ tầng nhà ga, kho bãi hàng hóa; mở đường cho quá trình mời gọi tư nhân tham gia vào vận tải, xây dựng hạ tầng đường sắt.
 Phối cảnh Trung tâm dịch vụ hàng hóa Yên Viên Phối cảnh Trung tâm dịch vụ hàng hóa Yên Viên

Sau 1 năm đàm phán, sáng 16/9, Tổng công ty ĐSVN và Tập đoàn Indo Trans Logistics (ITL) ký kết hợp đồng thực hiện “Dự án xã hội hóa Trung tâm Đường sắt logistics tại ga Yên Viên” (Hà Nội). Mức độ quan trọng phần nào thể hiện qua việc, lần đầu tiên, một sự kiện của ngành đường sắt được tổ chức tại một trong những khách sạn sang trọng nhất Thủ đô.

Theo bản hợp đồng, ITL được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Đường sắt logistics tại ga Yên Viên với thời hạn 23 năm. Trong thời hạn khai thác, doanh nghiệp này được quyền thu phí nâng, hạ container và các dịch vụ giá trị gia tăng, nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.

Dự án chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn I: Từ tháng 10/2015 – 6/2016, xây dựng bãi hàng phía Nam ga Yên Viên với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng 18.984 m2, trong đó xây dựng nhà điều hành (400 m2), đầu tư mới nhánh đường sắt xếp dỡ H3 (280 m), đầu tư mới hệ thống bãi hàng và đường nội bộ 18.500 m2. Giai đoạn này còn tiến hành đầu tư hệ thống cẩu chuyên dụng RTG, cẩu nâng container.

Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch TLC Việt Nam cho biết: Ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân và nơi giao nhận hàng hóa từ nhiều khu vực khác, thậm chí hàng hóa từ miền Nam ra Hà Nội. Khách hàng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và khai báo hải quan tại Yên Viên thay vì làm thủ tục tại các cảng ở xa.

Cùng với đó, TLC tổ chức chạy tăng thêm 5-6 đôi tàu mới; trước hết, tuyến Yên Viên – Hải Phòng chạy thêm 2-3 đôi tàu/ngày; tuyến Yên Viên – Cái Lân chạy thêm một đôi tàu/ngày, tuyến Yên Viên – Sóng Thần chạy thêm hai đôi tàu/ngày.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc ĐSVN cho biết, bản hợp đồng có những điều kiện đi kèm để ngăn việc TLC độc quyền, cạnh tranh với các đối thủ vận tải khác; sử dụng đất vào các mục đích kinh doanh cho thuê bất động sản (Yên Viên gần với Trung tâm Hà Nội). “Với công nghệ bốc xếp hiện đại, quản trị tốt, thời gian và chi phí vận tải hàng hóa bằng đường sắt đi đến Yên Viên sẽ giảm” – ông Tùng khẳng định.

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá: Dù giá trị bản hợp đồng nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong việc mở ra thời kỳ xã hội hóa, thu hút tư nhân vào lĩnh vực vận tải, đầu tư hạ tầng đường sắt.

Tại đây, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch ĐSVN cũng thông báo mở cửa, chào đón tất cả các nhà đầu tư đến với ngành đường sắt. Riêng lĩnh vực kho hàng, ĐSVN đang mời gọi nhà đầu tư tham gia vào bãi hàng ga Sóng Thần, ga Lào Cai và nhiều bãi hàng hóa đường sắt khác.