Việt Nam phát triển tàu liên vận: Tính lợi ích lâu dài

(Tin tức thời sự) – Không có gì nghịch lý nếu Việt Nam phát triển đường sắt liên vận bởi ngoài vận tải hành khách, các tuyến này có thể vận tải hàng hoá.

TS Phạm Sanh, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trao đổi với Đất Việt về một số dự án tàu liên vận Việt Nam-Trung Quốc sắp hình thành.

PV: – Mới đây, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã xin đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai, nằm trong tuyến liên vận Hải Phòng – ga Yên Viên – Lào Cai – Côn Minh theo hình thức BLT (Xây dựng – Cho thuê – Chuyển giao). Một số tuyến tàu liên vận khác được dự kiến hình thành như Hạ Long-Hà Nội-Nam Ninh-Quế Lâm, Hạ Long-Hà Nội-Côn Minh và Côn Minh-Lào Cai-Sapa. Ông có thể lý giải, tại sao Việt Nam lại tập trung phát triển các tuyến đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc nói trên? Chúng ta có thể kỳ vọng thấy được lợi ích từ những tuyến đường sắt liên vận này như thế nào?

TS Phạm Sanh: – Về mặt giao thông, đặc biệt là giao thông hàng hoá thường có kết hợp nhiều phương thức vận chuyển: đường bộ, đường biển, đường sắt… Từ xưa đến nay, đường sắt quốc gia thường nối kết với các bến cảng hoặc những nơi tập trung hàng. Một thời gian dài ở Việt Nam, những tuyến đường sắt liên vận, từ vận tải hàng hóa đến vận tải hành khách, không được tập trung đầu tư. Khi kinh tế phát triển, đặc biệt ngày nay trong xu hướng mang toàn cầu hoá, giao thông đa phương tiện nhiều, bức tranh giao thông ở Việt Nam thiếu những tuyến đường sắt nối kết điểm đi và điểm đến của hàng hoá. Vì thế, những tuyến đường sắt ngắn, mang lại hiệu quả cao trong nối kết những luồng hàng trong nước, ngoài nước một cách nhanh chóng được quan tâm.

Nếu những nhà đầu tư đặt ra các dự án đường sắt liên vận, thậm chí đường sắt nối kết với đường sắt quốc tế thì đó cũng là xu hướng chung, tất yếu.

viet-nam-phat-trien-tau-lien-van-tinh-loi-ich-lau-dai_81358288

Về đầu tư, trên thế giới các dự án PPP rất phổ biến. Nếu các nhà đầu tư có đề nghị hay nghiên cứu các dự án đường sắt liên vận thì cũng nên ủng hộ, coi họ làm kết hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… của mình ra sao. Phải nhìn cái lợi của mình và cái lợi toàn cục chung, Việt Nam đã hội nhập khu vực, còn nhiều vấn đề chưa nhìn thấy hết.

Ngay ở trong phía Nam, có những cảng như cảng Cát Lái dày đặc hàng nhưng không có tuyến đường sắt nào đi xuống, nếu chỉ có container chạy không thì các tuyến đường bộ chịu sao nổi?! Trong tương lai, các cảng có thể nối kết với cả khu vực, do đó đã đến lúc ngành giao thông nghĩ đến vận tải đa phương thức, logistics, chiến lược hàng đi từ một điểm đến một điểm làm sao hiệu quả nhất. Còn nếu cứ sử dụng một loại phương thức vận tải thì không hiệu quả, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến giá cước, sản xuất xã hội. Vì thế, không những đường sắt phía Bắc mà cả đường sắt phía Nam, cụm miền Trung phải tập trung nghiên cứu.

PV: – Thực tế là theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, lượng khách đi tàu liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục giảm trong vài năm gần đây, nghĩa là hiệu quả vận chuyển khách, thúc đẩy kết nối du lịch còn xa mới được như kỳ vọng. Có phải là nghịch lý không khi chúng ta vẫn tiếp tục phát triển các tuyến liên vận? Việt Nam tính toán lợi ích như thế nào khi tập trung đầu tư các tuyến đường sắt này?

TS Phạm Sanh: – Phải thấy rằng tại sao đường sắt Việt Nam người ta ít đi? Tại vì giá vé cao quá, giá vé đường sắt Việt Nam cao xấp xỉ giá vé máy bay và gấp 3-4 lần đường bộ. Nếu giá vé đường sắt giảm thì không chỉ đường sắt vận tải hàng hoá mà cả vận tải hành khách người ta sẽ đi rất nhiều. Hiện nay nhu cầu hành khách đi đường sắt rất lớn nhưng giá vé lại quá cao, chỉ phù hợp với một số đối tượng. Tôi cho rằng lãnh đạo giao thông nên đi thực tế thì sẽ hiểu được cần cải  tổ chỗ nào.

Không có gì là nghịch lý nếu Việt Nam tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt liên vận bởi ngoài vận tải hành khách, các tuyến này có thể vận tải hàng hoá. Nếu để các container hàng hoá đi đường bộ sẽ phá đường sá, giá cước lại cao. Trên thế giới, bất cứ cảng nào, chỗ nào là đầu mối giao thông đều phải có đường sắt. Còn riêng vận tải hành khách không phải họ không muốn đi mà nhu cầu rất lớn, có điều giá cao nên người ta lựa chọn xe đò hoặc máy bay. Nếu đường sắt bỏ đi cách quản lý bao cấp, lãng phí thì có thể phát triển.