Trung Quốc toan tính kết nối các cảng nước sâu tại Campuchia với dự án kênh đào Kra tại Thái Lan để kiểm soát toàn bộ hoạt động hàng hải thế giới.
Trung Quốc thực hiện di dân, chiếm đất
Tờ báo Mỹ American Thinker hôm 1/12 đăng bài viết cho hay, Campuchia đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, mới đây nhất là việc xây dựng một cảng nước sâu ngay vùng biển trong Vịnh Thái Lan.
Một công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội nước này đã xây dựng sắp xong một cảng nước sâu trải dài 90 km trên bờ biển Campuchia.
Dự án xây dựng cảng nước sâu này tổng trị giá 3,8 tỉ USD, trải dài trên 90 km bờ biển, chiếm 20% tổng chiều dài bờ biển Campuchia được Trung Quốc thuê lại trong 99 năm.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng, đây là một trong những cách để Trung Quốc khiến các nước khác phụ thuộc vào mình chặt chẽ hơn cũng như thực hiện triệt để toan tính làm bá chủ thế giới về đường biển.
Theo Ths Hoàng Việt, Campuchia có lợi thế về bờ biển dài, đẹp, có cảng nước sâu tự nhiên nằm ở vị trí quan trọng ngay trong biển Đông. Tuy nhiên nước này không có khả năng để phát triển các hoạt động hàng hải. Vì vậy để thu lợi nhuận, Campuchia đã đồng ý cho Trung Quốc thuê để xây dựng cảng nước sâu trong thời gian dài lên tới 99 năm.
“Trung Quốc đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. Ngoài các nước châu Phi thì hiện nay Lào và Campuchia cũng đang nằm trong chiến lược của Trung Quốc.
Đặc biệt, xưa nay Trung Quốc vẫn muốn trở thành một cường quốc biển. Để làm được điều này thì họ không chỉ cần phát triển về hải quân mà còn cần phát triển về các hạng mục khác trong đó có thương mại biển, xây dựng biển”, Ths Việt nói.
Theo đánh giá của Ths Hoàng Việt, mục tiêu thuê bờ biển xây cảng nước sâu của Trung Quốc cũng nằm trong toan tính di dân, chiếm đất mà nước này đang muốn triển khai ở khắp các nơi, trong đó có Campuchia.
Trung Quốc toan tính kết nối các cảng nước sâu tại Campuchia với dự án kênh đào Kra tại Thái Lan để kiểm soát toàn bộ hoạt động hàng hải thế giới. |
“Khi xây dựng cảng nước sâu Trung Quốc sẽ đưa công nhân từ trong nước tới Campuchia. Những công nhân này sẽ lấy vợ, sinh con và lập thành những cộng đồng ở ngay đất Campuchia. Đó là cách di dân, tạo công ăn việc làm cho công nhân trong nước. Thứ hai là việc điều hành cảng nước sâu sau khi hoàn thiện sẽ thuộc về Trung Quốc. Họ xây dựng những hạng mục như thế nào thì Campuchia không thể can thiệp được và khó có năng lực để quản lý.
Giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM đánh giá, khi cảng nước sâu đi vào hoạt động, chắc chắn Trung Quốc sẽ khẳng định chủ yếu phục vụ hoạt động kinh tế, thông thương với các nước. Tuy nhiên, theo Ths Việt, bao giờ Trung Quốc cũng ẩn giấu những toan tính quân sự, chính trị đằng sau.Việc này sẽ có lợi cho Trung Quốc. Một mặt họ gia tăng được giá trị thương mại bằng cách vận chuyển hàng hóa tới Campuchia. Và sức mạnh hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thì rất nhiều quốc gia trên thế giới này lo ngại không cạnh tranh nổi. Và chắc chắn thị trường Campuchia sẽ tràn ngập hàng hóa Trung Quốc”, Ths Việt nhấn mạnh.
Vị chuyên gia dẫn chứng: “Trung Quốc luôn nói rằng các hoạt động của họ tại khu vực biển Đông chỉ nhằm mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ năm 2014 ra các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã thể hiện điều này.
Chi phí một ngày để duy trì hệ thống giàn khoan này tốn cả vài triệu USD chi phí nhưng giá trị kinh tế không rõ ràng. Vì vậy tôi cho rằng khả năng nước sâu đang xây dựng ở Campuchia cũng là vấn đề về kinh tế nhưng đằng sau đó là ẩn giấu mục đích chiến lược và chính trị của Trung Quốc”.
Kiểm soát hàng hóa trên thế giới
Một vấn đề khác được Ths Hoàng Việt nhắc đến đó là những đầu tư lớn của Trung Quốc hiện nay đều tập trung vào các cảng biển, kênh đào mang giá trị vận tải, giao lưu thương mại.
Ở Campuchia, ngoài cảng nước sâu đang xây dựng, Trung Quốc còn đẩy mạnh vào cảng Sihanoukville vốn bị bỏ hoang trước kia. Cùng với đó, họ cũng đang gia tăng nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến Một vành đai – Một con đường. Một trong những mắt xích chủ chốt của sáng kiến này là xây dựng kênh đào Kra cắt ngang qua Thái Lan để kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương.
“Trung Quốc đã công khai chiến lược “Một vành đai, một con đường”, tức là không chỉ biến Campuchia mà sẽ làm cho nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á trong đó có Thái Lan, Lào… phát triển dưới sự ảnh hưởng của nước này. Việc các cảng biển nước sâu ở Campuchia kết nối với cảng Sihanoukville hay kênh đào Kra có thể được triển khai xây dựng tại Thái Lan sẽ giúp Trung Quốc thuận lợi hơn khi tiếp tế hậu cần logistics, bảo vệ an ninh hàng hải, kiểm soát hàng hóa trên thế giới”, Ths Việt nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia lưu ý, Singapore sẽ là quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu các cảng nước sâu của Trung Quốc được phát triển mạnh tại Campuchia.
“Singapore sẽ bị mất thị phần hàng hóa và không thể cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Bởi lẽ con đường biển vòng qua eo biển Malacca đến Singapore hiện nay khá xa và không thật sự an toàn. Trong khi nếu đi qua Kra thì ngắn hơn rất nhiều, dự kiến rút ngắn hơn 1.000km so với tuyến đường đi qua eo Malacca. Vì vậy thời gian qua, Singapore được đánh giá là quốc gia rất tích cực đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông và quan hệ quốc tế”, Ths Việt lưu ý.