Chủ động ứng phó với giá dịch vụ “rập rình” tăng

Mùa cao điểm cuối năm, khi khối lượng hàng hóa cung ứng nhiều hơn ra thị trường, hoạt động của DN nhộn nhịp hơn, cũng là lúc không ít DN cung ứng dịch vụ vận tải, hậu cần… “mượn cớ” để có sự điều chỉnh giá một cách bất hợp lý. Tuy vậy, đây không phải điều mới xảy ra nên các DN bị ảnh hưởng bởi giá cả điều chỉnh đã chủ động ứng phó.

Nhiều dịch vụ liên quan đến vận tải, hậu cần… tăng giá vào dịp cuối năm . Ảnh: Trần Việt.

Quy luật mùa cao điểm

Trong số các dịch vụ liên quan đến DN, giá cả dịch vụ liên quan đến vận chuyển, hậu cần, logistics… là tăng giá nhiều nhất. Nguyên nhân do hàng hóa nhiều, nhu cầu của DN tăng cao khiến “cung” không đủ “cầu”, dẫn đến tất yếu là giá dịch vụ tăng. Đại diện một DN vận tải cho biết, giá cước có thể tăng từ 10-20%, thậm chí, càng cận Tết, giá sẽ càng tăng, có khi lên tới 50% nhưng nhiều khi vẫn không đủ cung ứng cho DN.

Không những thế, năm nay, giá dịch vụ vận tải, nhất là vận tải đường biển được dự báo sẽ càng tăng cao do ảnh hưởng từ vụ hãng tàu Hanjin phá sản. Bởi ngay từ tháng cuối tháng 8, nhiều DN đã “than trời” vì khó thuê tàu, cước phí vận tải đường biển quốc tế tăng nên khó khăn vào thời điểm này sẽ càng tăng lên theo cấp số nhân.

Chia sẻ về việc tăng giá dịch vụ, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc cung ứng toàn quốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc (DN chuyên sản xuất, phân phối các mặt hàng tiêu dùng như mỳ tôm, bia, rượu, nước giải khát…) cho hay, cứ đến khoảng tháng 10, các hãng tàu quốc tế sẽ rục rịch tăng giá, nhưng họ sẽ không tăng đột ngột mà thường ra thông báo trước để DN chuẩn bị. Nghĩa là nếu DN đặt hàng trước tháng 10 thì giá cả sẽ ổn định, còn nếu đặt hàng sau thời điểm này phải chấp nhận chi phí tăng cao. Bởi đã bước vào mùa cao điểm, lượng container thiếu do hàng hóa nhiều hoặc bị tồn dư tại các cảng lớn, do đó các hãng tàu phải cộng thêm phí để bù vào.

Trái ngược với dịch vụ vận tải nước ngoài, các DN trong nước thường tăng không báo trước nhưng lại tăng dần, tăng từ từ. Theo ông Nguyễn Đức Chính, càng cận thời điểm Tết, giá cả càng tăng. Vì thế, chi phí xăng dầu, phí bốc xếp, vận chuyển, lái xe… đều tăng khiến hàng hóa bắt buộc phải tăng theo. Điều này đã trở thành quy luật dịp cuối năm, vấn đề là tăng ít hay tăng nhiều và phù thuộc vào sự điều chỉnh giá cả của Nhà nước.

Mặc dù vậy, có một bất cập được các DN nhận thấy nhưng “không làm gì được” là sự bất hợp lý của một số DN cung ứng dịch vụ vận tải hay logistics. Một phần nguyên nhân là ít người, ít xe thì DN chấp nhận được, nhưng với lý do giá xăng tăng thì nguyên nhân này được các DN cho rằng không thỏa đáng. Bởi với sự điều hành của Nhà nước, giá xăng nếu tăng cũng khá nhỏ giọt, nhưng tỷ lệ tăng giá vận tải lại thường vượt quá số tiền tăng của giá xăng. Nhưng cuối năm thiếu xe, thiếu người… nên các DN phải “ngậm ngùi” chấp nhận và buộc phải đẩy giá hàng hóa lên để bù lại.

Chủ động thương thảo theo hợp đồng

Trước tình hình trên, đa phần DN đều chấp nhận bởi khi đã thành quy luật, DN nếu không dùng thì chỉ chịu thiệt, hàng hóa không có điều kiện để luân chuyển.

Do vậy, để ứng phó với tình huống trên, bà Phạm Thị Hương Giang, Phó phòng XNK, Công ty Cổ phần may Mỹ Hưng cho biết, DN XK hàng FOB nên các chi phí về vận tải biển quốc tế được phía đối tác chi trả. Tuy nhiên, DN phải tự trả chi phí vận chuyển từ nhà máy đến cảng, các chi phí bốc xếp, logistics trong nước… Do đó, DN đã ký hợp đồng 1 năm với DN cung ứng dịch vụ, trong đó thỏa thuận nếu giá xăng tăng, DN sẽ chịu thêm một phần chi phí, nếu không thì cứ theo giá đã ký trong hợp đồng.

“Nếu DN cung ứng muốn tăng giá thì phải đợi đến khi hợp đồng kết thúc và phải báo trước cho DN để có sự chuẩn bị và thỏa thuận giá cả hợp lý cho cả đôi bên. Nếu không đạt được thỏa thuận thì sẽ không tiếp tục hợp tác. Nên dù ở thời điểm nào DN cung ứng cũng phải cung cấp dịch vụ cho công ty với giá cả cố định như cam kết”, bà Giang chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Chính cho hay, DN ký hợp đồng theo năm sẽ giúp giá cả ít có sự biến động, nhưng nếu là hàng đột xuất, hàng lẻ thì phải chấp nhận sự biến động. Từ đó, DN phải chấp nhận điều chỉnh nâng chi phí bán hàng, hạ chi phí khuyến mãi… để bù lỗ.

Bên cạnh sự chủ động của các DN sản xuất, thương mại, các công ty cung ứng cũng phải có sự chuẩn bị. Bởi xét về lâu dài, nếu cứ “đến hẹn lại lên” cao điểm là tăng giá thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DN với khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam với giá thành rẻ, trang thiết bị hiện đại, đầy đủ phương tiện cung ứng cho khách hàng bất kể mùa vụ nào. Chính vì thế, không ít chuyên gia đã cho rằng, đã đến lúc DN phải thay đổi cách tư duy và làm việc để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Hương Dịu
HQ Online