Chuyên gia WB khuyến cáo Việt Nam cần định vị thương hiệu gạo

Ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Thái Lan họ tiếp thị rất giỏi về thương hiệu của họ. Thái Lan gạo có thể bán với giá 800 USD trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn. Việt Nam cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam.

xuat-khau-gao1-vmea-1465263138004-crop-1465263325281

Chiều 5/12, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã điểm lại tình hình kinh tế trong năm qua. Theo WB, tăng trưởng GDP dự kiến năm nay ở mức 6%.

Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng của Việt Nam giảm nhẹ xuống 5,9% do ảnh hưởng của hạn hán khiến sản lượng nông nghiệp thấp. Sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại cũng khiến tăng trưởng kinh tế có chậm lại.

Bù lại, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng về đầu tư. Cụ thể, nguồn FDI vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của Việt Nam với gần 10% trong 9 tháng đầu năm.

“Lạm phát có tăng do tác động của tăng giá dịch vụ và y tế, chiếm tới 70% trượt giá trong thời gian vừa qua. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì rất tốt so với mức độ chung của thế giới. Tuy nhiên, do suy giảm về giá xuất khẩu nên nhiều mặt hàng của Việt Nam cũng chịu chung sự giảm giá. Tuy nhiên, đi kèm với giá xuất khẩu, giá nhập khẩu nhiều loại mặt hàng cũng giảm theo”, đại diện WB tại Việt Nam nhận định.

Theo ông Sebastian, về điều hành kinh tế vĩ mô và tỷ giá, theo đánh giá của WB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành tốt dự trữ tăng để giảm áp lực đối với tiền đồng và việc cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng đã góp phần giúp nền kinh tế duy trì sự ổn định. Vấn đề đáng lưu ý chính là bội chi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Cùng đó, tỷ lệ nợ trên GDP cũng đang tăng lên. Chính phủ đã đặt mục tiêu về trung hạn dần giảm tỷ lệ nợ và bội chi. Thực tế cho thấy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và biện pháp để giảm tỷ lệ nợ công trên GDP để tạo dự phòng cho những “cú sốc” từ bên ngoài. Chuyển đổi cơ cấu, giải quyết nợ xấu, và tái cơ cấu ngành ngân hàng tiếp tục phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Về tăng trưởng, dự báo tăng trưởng nửa cuối năm 2016 sẽ ở mức 6% và tăng lên 6,3% trong năm 2017. Chỉ số lạm phát được dự kiến ở mức vừa phải, tăng khoảng 4,9%  trong năm nay và giảm xuống còn 3,7% trong năm tới.

Theo ông Sebastian, tăng trưởng tín dụng hiện có một số quan ngại. Tỷ lệ tăng trưởng hiện đang cao so với thu nhập của Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi so với GDP thì đặt ra tín dụng chảy đi đâu. Tín dụng có tốt cho nền kinh tế hay không. Thực tế cho thấy tín dụng đang chảy vào những kênh mang tính đầu cơ nhiều hơn là sản xuất, cụ thể là đang chảy nhiều vào bất động sản. Lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kỳ vọng.

“Vào thời điểm hiện tại, không có mối nguy trước mắt nào đáng lo ngại với kinh tế Việt Nam. Việc Chính phủ đang tìm mọi cách để nâng hiệu quả chi tiêu, kìm chế bội chi sẽ là những bước đi tốt để hạn chế bội chi ngân sách của Việt Nam”, ông Sebastian nói.

Nông nghiệp Việt ở giữa ngã ba đường

Ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của WB cho rằng , ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều cạnh tranh với các ngành khác trong nước về lao động, đất đai và tài nguyên nước. Chi phí lao động tăng bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành với lợi thế sản xuất chi phí thấp các mặt hàng nông sản đại trà.

“Dân số trẻ nông thôn của quốc gia đang khao khát có được mức sống cao hơn. Tầng lớp tiêu dùng đang phát triển ở Việt Nam cũng như các đối tác thương mại quốc tế cũng đang đặt ra kỳ vọng cao hơn về tiêu chuẩn sản phẩm và biện pháp sản xuất. Trong thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam cần tăng giá trị, giảm đầu vào, nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế – nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng và nông dân. Cùng đó phải có giải pháp để sử dụng ít tài nguyên và nhân lực, đồng thời không gây suy thoái môi trường. Chính phủ cần “giảm chỉ đạo và tăng hỗ trợ” trong bước đi nhằm chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống thực phẩm – nông nghiệp của Việt Nam”, ông Zorya khuyến nghị.

Cũng theo ông ông Zorya, lúa gạo là sản phẩm quan trọng của Việt Nam nên cần có cơ  chế đặc biệt cho sản phẩm này. Như ở Thái Lan, họ có 5-6 loại giống lúa tạo thương hiệu xuất khẩu trong khi ở Việt Nam có quá nhiều loại giống lúa khác nhau. Vì vậy rất khó để có thể canh tác và chế biến quy mô lớn.

“Việt Nam nổi tiếng về xuất khẩu nông sản thô. Tôi đi rất nhiều nước và thấy như Thái Lan họ tiếp thị rất giỏi về thương hiệu của họ. Thái Lan gạo có thể bán với giá 800 USD trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn. Việt Nam cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam”, ông Sergut Zorya, chuyên gia của WB cho hay.

Theo TPO