Các doanh nghiệp logistics Việt Nam bị cạnh tranh mạnh ngay trên sân nhà

Là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, hoạt động logistics giúp hàng hóa đến được với tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Dù vậy, theo VDSC năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, dưới tác động từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài, hiện nay không cao.

Theo VDSC, đa số các doanh nghiệp logsitics nội địa đang hoạt động có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL và cụ thể ở đây là dịch vụ vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI hay sản xuất hàng tiêu dùng nhanh thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) vốn không đơn thuần chỉ là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác (thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm).

Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, những yếu tố khách quan bên ngoài cũng cản trở sự phát triển của ngành logistics ở Việt Nam bao gồm: (1) hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ, (2) quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa, (3) vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ và (4) sự phát triển thiếu quy hoạch và liên kết của các các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics và (5) việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics.

Đây là những nguyên nhân cản trở sự phát triển một cách hiệu quả của doanh nghiệp logistics nội địa và đẩy chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao.

Những thay đổi về chính sách đem lại triển vọng tích cực cho ngành logsitics nội địa

Mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ các đối thủ ngoại, VDSC vẫn đánh giá cao triển vọng tương lai của các doanh nghiệp logistics nội địa do: (1) các Hiệp định thương mại tự do (FTAs, TPP) thúc đẩy mạnh dòng vốn FDI rót vào ngành sản xuất Việt Nam, (2) cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện tăng tính kết nối cơ sở logistics và khu sản xuất, (3) các quy hoạch và yếu tô hỗ trợ ngành từ Nhà Nước, (4) thủ tục hải quan đang dần cải tiến theo hướng.

Trong hai năm gần đây, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đã được khởi công và hoàn thành như cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành và Quốc lộ 51 kết nối KCN với các cảng và công trình nạo vét Luồng Soài Rạp (vào cảng Hiệp Phước) và luồng Thị Vải – Cái Mép. VDSC cho biết, Báo cáo Xúc tiến thương mại toàn cầu thế giới của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014 đã nâng xếp hạng về chất lượng cơ sở hạ tầng và tính kết nối của Việt Nam lên 16 bậc so với 2012.

Ngoài ra, Chính Phủ và Bộ GTVT cũng phối hợp đưa ra nhiều chính sách nhằm định hướng, hỗ trợ và kích thích sự phát triển bền vững của ngành logistics nội địa như: chính sách kiểm soát tải trọng đường bộ vào Q2/2014, chính sách ưu tiên tàu Việt Nam trên tuyến nội địa, dự thảo thành lập chính quyền cảng nhằm phát triển cảng và dịch vụ hậu cảng có định hướng và hiệu quả hơn, Quyết định số 1037/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2020.

Ở mức chỉ khoảng 8x, P/E bình quân của các doanh nghiệp Logistics Việt Nam đang ở mức thấp hơn hẳn so với khu vực (bảng dưới). Với các yếu tố hỗ trợ chủ quan và khách quan ở trên, VDSC cho rằng tiềm năng của ngành logistics Việt Nam còn rất lớn và trong dài hạn P/E bình quân ngành sẽ tiến về mức cân bằng với các doanh nghiệp trong khu vực. Do vậy, các cổ phiếu logistics vẫn còn khá hấp dẫn để đầu tư.

Minh Quân

Theo VDSC