“Chúng ta chưa thực hiện nhiều lắm cam kết với WTO, nhưng với TPP chỉ có 11 nước tập trung soi VN thì chắc chắn họ sẽ thúc đẩy VN thực hiện cam kết nhanh hơn, đầy đủ hơn”.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), xin giới thiệu bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về câu chuyện doanh nghiệp Việt trước những cơ hội và thách thức hội nhập, với các “sân chơi” như TPP, AEC…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Phạm Hải
Thúc đẩy cải cách thể chế
TPP đã được hoàn tất. Theo bà, cái lợi nhất cho VN có phải là xuất khẩu như các chuyên gia Mỹ vẫn nói không?
Theo tôi cái lợi nhất là nó sẽ thúc đẩy VN cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của mình, theo chuẩn chung mà TPP đang áp dụng với nhau, có nghĩa là chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, như Mỹ, Nhật, Úc, hay Canada. Thể chế này bao gồm môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, hay thể chế cho việc phát triển một quốc gia.
Đây không chỉ đơn thuần là thể chế trong kinh tế nữa, mà còn là trong quản trị nhà nước, ví dụ như đòi hỏi về minh bạch, về mua sắm công (đưa ra cạnh tranh)… Những qui định như quyền khiếu kiện giữa DN và Nhà nước buộc các nhà nước phải hành xử đúng chức năng, đúng cam kết của mình để không bị kiện. Điều đó gây sức ép buộc VN phải đẩy mạnh cải cách thể chế.
Trong cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại?” của James A. Robinson, Daron Acemoglu, các tác giả cho thấy thể chế là nhân tố quyết định nhất cho việc nước nào thành công hay thất bại. Thời gian vừa qua VN đã có những thành công nhất định, nhưng thể chế đó chỉ đủ cho thành công trước đây thôi. Khi VN ra khỏi ngưỡng nghèo thì thể chế đó đang là bất cập, vì thế nó làm cho kinh tế VN bị giảm tăng trưởng trong thời gian vừa qua, năng suất lao động cũng góp phần giảm mức tăng trưởng, buộc VN phải thúc đẩy hệ thống thế chế của mình để vượt lên.
VN tham gia rất nhiều FTA, nhưng chỉ có TPP với FTA với EU là thuộc thế hệ mới, đòi hỏi những nền tảng cao hơn về thể chế. Những FTA khác chủ yếu tạo điều kiện về mặt thì trường.
Các chuyên gia cũng nói là sẽ có dòng đầu tư lớn vào VN sau khi có TPP? Theo bà, dòng đầu tư này có gì khác so với dòng đầu tư trước đây?
Cái khác ở đây là dòng đầu tư tốt hơn, có chất lượng cao hơn, từ các nền kinh tế hiện đại hơn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc… Các vị lãnh đạo VN khi đi thăm Hoa Kỳ đã nói rất rõ rằng khi có TPP thì Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 ở VN.
Tại sao chúng ta mong dòng đầu tư từ Mỹ? Vì đó là dòng đầu tư có thể tin là có chất lượng cao, có độ chuyển giao công nghệ và có khả năng lan toả.
Tôi không mong VN có những đầu tư giá rẻ, mong VN phải biết nói không với dòng đầu tư đó, và chấp nhận những dòng đầu tư đòi hỏi khắc nghiệt hơn về thể chế, về nguồn nhân lực, nhưng kết quả là nâng tầm của VN lên.
Cơ hội giảm nhập siêu từ TQ
Nói về lợi ích tăng xuất khẩu, liệu VN có thể kỳ vọng vào những mặt hàng gì?
Các nghiên cứu đều nói rằng VN có khả tăng cường được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác với mức độ rất cao, vì họ ngay lập tức giảm thuế xuống rất mạnh, thậm chí về 0%, đối với một loạt các sản phẩm mà VN đang có lợi thế như dệt may, da giày… Khả năng đó hoàn toàn có được khi bản thân các DN của các thành viên TPP cũng tham gia vào đầu tư ở VN để có các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Tôi cũng mong rằng những xuất khẩu này đồng thời cũng tạo nhiều giá trị gia tăng hơn, chứ không phải là xuất khẩu mà lợi ích chủ yếu lại nằm ở tay người khác, và VN chỉ bán được giọt mồ hôi của người lao động hoặc cho thuê được ít đất đai, hạ tầng…
Liệu VN có thể chờ đợi nhập khẩu từ TPP sẽ thay thế tình trạng nhập siêu từ TQ hay không?
VN có thể thay đổi cấu trúc nhập khẩu của mình, giảm tình trạng nhập siêu chủ yếu từ các nước xung quanh, như TQ, với giá rẻ nhưng trình độ công nghệ không cao. Thậm chí chúng ta đang tự biến mình thành cái “bãi rác thải công nghệ” của một số nền kinh tế, như TQ. Giá trị nhập khẩu lớn nhất là nâng cấp nền kinh tế, nâng cấp các ngành làm cho các ngành hiện đại hơn.
Vào TPP những ngành nào được lợi nhiều nhất?
Dệt may, da giày, đồ gỗ và những ngành mà VN đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ khá mạnh hiện nay.
Một số ngành có cũng có khả năng phát triển như điện – điện tử của Samsung và một số hãng khác nằm ở VN. Chúng ta cũng hy vọng có thể có thêm những hãng từ Mỹ vào VN. Intel, hoặc IBM, có thể mở rộng hoạt động tại VN. Tôi hy vọng điều này vì cho đến nay VN được đánh giá là một cứ điểm khá tốt trong ASEAN trong việc thu hút đầu tư vào điện điện tử và công nghệ thông tin. Và đi cùng với nó là ngành phần mềm có giá trị rất lớn trong công nghệ thông tin.
Về nông sản Việt Nam cũng có lợi thế về nông sản nhiệt đới mà các nước thành viên TPP khác không có, biến VN thành vườn rau, hoặc nhà bếp (cung cấp thực phẩm) cho các thành viên TPP. Điều quan trọng là VN có thực hiện được hiện đại hoá nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp vốn đang cố gắng thúc đẩy rất mạnh, hay không. Về lâu dài tôi tin nó vẫn là một lợi thế quan trọng của VN.
Đi cùng với nông nghiệp sẽ là các ngành công nghiệp và dịch vụ cung cấp đầu vào cho nông nghiệp và đầu ra, gồm các ngành chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống…
Một số ngành dịch vụ như du lịch, giáo dục đào tạo, logistics sẽ phát triển. Vì hội nhập hiện nay là sự kết nối về hạ tầng, cho nên VN phải phát triển về logistics, đường xá, cảng biển, cảng hàng không, phương tiện vận tải…
Đàm phán TPP đã kết thúc thành công tại Atlanta (Mỹ)
Doanh nghiệp Nhà nước sẽ ‘ngại’ TPP
Những thách thức lớn nhất từ TPP là gì, thưa bà?
Thách thức số 1 cũng vẫn nằm ở thể chế, vì cải cách thể chế hoàn toàn không dễ dàng. Ví dụ như chúng ta đưa vào trong chiến lược 10 năm (từ 2011) coi như đột phá chiến lược, nhưng về thể chế chúng ta đã đột phá được bao nhiêu, hay hiện nay vẫn là mối đau đầu lớn nhất của nền kinh tế, trở ngại lớn nhất cho nền kinh tế VN vượt lên?
Nếu thể chế không thay đổi nhanh sẽ làm cho VN không nắm được cơ hội của TPP, không vượt lên được, mà lại hứng chịu nhiều hơn những thách thức của TPP, như mở cửa thị trường của VN cho hàng hoá bên ngoài vào, mang thách thức cạnh tranh về nhà mình.
Về dòng đầu tư cũng vậy, cũng như VN, một số nước ASEAN cũng nhờ TPP mà có dòng đầu tư nước ngoài, như Malaysia, Singapore, hay Brunei, và kể cả AEC vì nó khá hấp dẫn với các thành viên khác của TPP. Nên không có gì đảm bảo rằng VN là thành viên TPP thì dòng đầu tư từ TPP sẽ đổ vào VN.
Về xuất khẩu thì khi các nền kinh tế ASEAN khác cạnh tranh hơn, hàng hoá tốt hơn, dù thuế có cao hơn một chút, họ vẫn chiếm được thị trường.
Rồi khi nền kinh tế èo uột, khả năng xuất khẩu không bao nhiêu, thì hạn chế khả năng nhập khẩu, và lại đẩy người VN vào cái vòng luẩn quẩn là ít tiền lại đi mua hàng, công nghệ giá rẻ, chất lượng thấp, như lâu nay.
Có khu vực DN nào lại sợ TPP không? Chẳng hạn như TPP có chương riêng về DNNN?
Tôi nghĩ rằng các DNNN sẽ e ngại. TPP có đòi hỏi cũng khá rõ về DNNN, có thể với VN cho một lộ trình dài hơn. Nhưng các thành viên TPP đòi hỏi VN phải thực hiện cam kết ngay với WTO là đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN khác.
Trong TPP họ đòi hỏi cao hơn ở minh bạch hoá hoạt động của DNNN và mua sắm của chính phủ, và chấp nhận cạnh tranh theo kiểu mở. Mua sắm và đầu tư của Chính phủ lâu nay là thị trường cực kỳ lớn với DNNN, thì chắc chắn các DNNN sẽ e ngại khi phần này của họ sẽ mất đi. Hơn nữa sự bảo trợ, hỗ trợ của nhà nước với DNNN chắc chắn sẽ giảm đi rất đáng kể.
Chúng ta chưa thực hiện nhiều lắm cam kết với WTO, nhưng với TPP chỉ có 11 nước tập trung soi VN thì chắc chắn họ sẽ thúc đẩy VN thực hiện cam kết nhanh hơn, đầy đủ hơn.
Như tôi nói lúc đầu, là tôi e ngại sự chèn ép của các DNNN với DNTN, thì TPP sẽ giúp giảm bớt sự chèn ép này, đồng thời lại giúp cho DNNN cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Cái mong muốn lớn nhất khi tái cơ cấu DNNN không phải là xoá bỏ DNNN đi, mà để cho nó mạnh lên. Những nền kinh tế như VN trong một thời gian nhất định vẫn cần có DNNN, nhưng phải là DNNN có khả năng cạnh tranh, có hiệu quả, chứ không cần một khu vực DNNN sử dụng rất nhiều tài nguyên của đất nước mà kém hiệu quả, và không có khả năng cạnh tranh, và hệ quả của nó làm năng lực cạnh tranh và hiệu quả của cả nền kinh tế tụt xuống, và gây hiệu ứng chèn ép cho khu vực hiệu quả hơn là khu vực tư nhân.
Tôi nghĩ với TPP, DNNN có thể vượt lên được, nhìn vào hình ảnh của Viettel thấy rất rõ. Họ đã cạnh tranh với VNPT là doanh nghiệp lớn hình thành trước, với thị phần áp đảo họ. Ra ngoài họ cũng cạnh tranh và cũng thắng được ở những nước nghèo, theo chiến lược của họ. Tôi tin sẽ đến bước đó, khi Viettel đi vào các thị trường mạnh, và cạnh tranh trực diện với các hãng viễn thông mạnh trên toàn cầu.
Xin cảm ơn bà.