Thị trường hàng không Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần khốc liệt giữa các hãng hàng không. Điều này buộc các hãng phải nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ và giá cả để khẳng định thương hiệu và cạnh tranh thị phần vận tải.
Theo các chuyên gia hàng không, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả để đưa ra mức giá vé hợp lý và dịch vụ tốt nhất. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Tại thị trường trong nước, Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) chỉ còn nắm giữ khoảng 57% thị phần, các hàng hàng không giá rẻ như VietjetAir vươn lên nắm khoảng 26%, Jetstar Pacific Airlines chiếm 15%. Như vậy, riêng thị phần hàng không giá rẻ nội địa đã chiếm tới trên 41%. Dự báo, hàng không giá rẻ sẽ tiếp tục tăng thị phần lên chiếm tới mức 60% nhờ tính cạnh tranh cao nhất là về giá dịch vụ.
Chính lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận, sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi giá siêu rẻ, khiến hãng mất đi một lượng khách rất lớn. Bay vé giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn gần đây. Điều này buộc các hãng hàng không khác phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé.
Tàu bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air |
Thực tế, cuộc đua giành thị phần của các hãng hàng không nội địa cũng được thể hiện rõ nhất trong các kế hoạch nâng cấp đội tàu bay. Năm 2015, cùng vớibổ sung các loại máy bay thân rộng, hiện đại nhất thế giới như A350, Boing 787-9, Vietnam Airlines đã khai thác thêm 3 chiếc A321 và bốn chiếc B787. Không kém cạnh trong cuộc đua nâng cấp đội tàu bay, 6 tháng qua, đội tàu bay của Vietjet đã tăng từ 6 chiếc lên 26 chiếc. Con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên đến hết năm 2015, nhằm tăng cường cơ hội bay với giá phù hợp với túi tiền của đông đảo người dân. Không quá ồn ào như Vietnam Airlines hay Vietjet Air, song Jetstar cũng “âm thầm” nâng cấp đội tàu bay của mình. Đại diện hãng này cho biết, vừa nhận thêm hai máy bay hiện đại Airbus A320, nâng tổng số tàu bay lên 11 chiếc.
Cùng với nâng cấp đội tàu bay, việc nâng chất lượng dịch vụ cũng là một trong những giải pháp quan trọng để các hãng hàng không cải thiện hình ảnh của mình trong mắt hành khách. Theo đánh giá của Tổ chức đánh giá độc lập SkyTrax, phần lớn các tiêu chí dịch vụ mặt đất và dịch vụ trên không của Vietnam Airlines được đánh giá đạt 4-5 sao. Còn với Vietjet Air, mặc dù mới khai thác từ cuối năm 2011 nhưng đến nay đã tạo được ấn tượng tốt với hành khách. Từ năm 2013 đến nay, VietJet đã triển khai hàng loạt chương trình nâng cấp chất lượng dịch vụ như: Chương trình “4 Your Smile” mang lại nụ cười đến với hành khách; dịch vụ “Courtesy service” nhằm hỗ trợ cho hành khách là người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ cần ưu tiên trợ giúp; dịch vụ cao cấp Skyboss nhằm vào những hành khách có thu nhập cao hơn, đa dạng hóa các sản phẩm của VietJet cung cấp cho thị trường… Cùng đó, VietJet Air cũng không ngừng mở rộng hệ thống tổng đài phục vụ khách hàng 24/7, tăng cường kênh giao tiếp thông tin với khách hàng thông qua website, facebook, tin nhắn…
Cũng như Vietjet Air, cùng khai thác mô hình hàng không chi phí thấp, nhưng Jetstar Pacific cũng đặt mục tiêu phục vụ hành khách và nâng cao chất lượng dịch vụ lên hàng đầu. Jetstar Pacific đã có những cố gắng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Cuối tháng 5/2015, hãng này chính thức triển khai giá trị mới, trở thành hãng hàng không tiên phong công bố giá trị hướng tới khách hàng, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng và sự hài lòng của khách hàng với slogan mới “Giá rẻ hàng ngày – Hài lòng khi bay”…
Nhiều giải pháp giữ chân hành khách
Một điều không thể phủ nhận là nếu không có những thay đổi mang tính đột phá, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phải chia sẻ một phần không nhỏ thị phần cho các hãng hàng không khác.
Trong 9 tháng năm 2015, thị phần khách quốc tế của Vietnam Airlines giảm tiếp 1,9 điểm; thị phần khách nội địa giảm 9,5 điểm so với cùng kỳ 2014. Mức giảm điểm này đã vượt kế hoạch cả năm 2015, buộc Vietnam Airlines phải triển khai các kế hoạch mới để có thể giữ và giành lại thị phần hãng hàng không quốc gia, cũng như các hãng hàng không thành viên cổ đông.
Nhiều chuyên gia về hàng không cho biết: Dự kiến trong năm 2016, thị trường vận chuyển hàng không nội địa sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giành thị phần hành khách giữa Vietnam Airlines và VietJet Air.
Vietnam Airlines ngoài việc là cổ đông lớn tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, còn sở hữu lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang cho lợi nhuận cao. Hãng cũng đang tái cơ cấu quyết liệt để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Trong khi đó, VietJet Air, ngoài chú trọng để đưa ra giá dịch vụ hợp lý, sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ để giữ chân hành khách là doanh nhân, công chức, những người có yêu cầu cao về thời gian di chuyển.