GẬP GHỀNH CHUỖI CUNG ỨNG DỆT MAY

(DĐDN) – Chiếm gần 33% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, song tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn quá thấp.

CHUỖI CUNG ỨNG DỆT MAY

Câu chuyện này được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này, ngành công nghiệp dệt may vẫn chưa tìm được lối thoát khả thi. Suốt một thời gian dài, chúng ta không có quy hoạch cụ thể phát triển vùng nguyên liệu cho ngành, còn doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung may sản phẩm để kinh doanh và xuất khẩu.

Hụt chân

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dệt may là một ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam với hơn 5.000 doanh nghiệp và sử dụng 2,5 triệu lao động. Trong nhiều năm, ngành dệt may luôn nằm trong số các ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng chỉ tham gia nhiều nhất là các công đoạn cắt và may, tức là gia công. “Vai trò của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu gần như không có”, bà Dung khẳng định.

Đại diện một công ty may tại TP.HCM cũng cho biết, hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào phần thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp, gia công, cung cấp phụ tùng thay thế, chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Bà Dung cho biết: “Phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào là một trong những lý do yếu kém của ngành công nghiệp dệt và may”. Hiện nay, khoảng 90 – 95% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất được thực hiện bằng các chuỗi cung ứng bao gồm: nguyên liệu đầu vào, thiết kế, sản xuất, nghiên cứu… Tuy vậy, chỉ có gần 10% các nguyên liệu đầu vào cung cấp cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam sử dụng là có nguồn gốc trong nước.

Đơn cử, Việt Nam hiện sử dụng khoảng 400.000 tấn bông mỗi năm, tuy nhiên, chỉ có 3.000 tấn nguyên liệu này được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, phần còn lại là nhập khẩu. Phần lớn máy móc, hóa chất và thuốc nhuộm mà ngành dệt và may mặc của Việt Nam sử dụng cũng đều phải nhập khẩu. Điều đó cho thấy, chuỗi cung ứng vẫn là yếu điểm của ngành dệt may Việt Nam.

Ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cũng cho rằng, Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng rất bị động, chỉ tập trung vào những phần dễ làm, có thế mạnh chứ chưa thực sự hướng đến nhu cầu và sự thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất để tìm cách tự đáp ứng thay vì trông chờ vào nhập khẩu.

Lấy ví dụ tại May Sài Gòn 2, mỗi năm công ty phải nhập khẩu tới 70% vải nguyên liệu, trong nước chỉ cung cấp được 30% còn lại. Các phụ liệu đơn giản như dây kéo, nút áo, chỉ… thì không thiếu, nhưng những phụ kiện cao cấp, cầu kỳ thì vẫn phải nhập. Ông Ngô Trung Kiên nhấn mạnh thêm, tình trạng mất cân đối về nguyên liệu trong ngành dệt may cần phải được giải quyết sớm.

Mịt mờ lối ra

Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông mỗi năm, tuy nhiên chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước

Một trong những bất cập của ngành dệt may Việt Nam nói chung được nhiều doanh nghiệp trong nước thừa nhận, đó là việc phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm gần 50%). Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may trong nước nếu có những biến động bất lợi. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành còn yếu. Ví dụ, có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để đảm nhiệm vai trò là nhà sản xuất phụ trợ cho một số doanh nghiệp ngành dệt may, nhưng doanh nghiệp dệt may lại không đảm bảo được việc tiêu thụ sản phẩm lâu dài do khó khăn trong việc tìm bạn hàng và hợp đồng dài hạn nên doanh nghiệp phụ trợ gặp cảnh “dở khóc, dở cười”. Điều này cho thấy, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn lâu mới đạt được sự ổn định, bền vững.

Ông Paul Hulme, Chủ tịch Công ty Huntsman Textile Effects cho biết, thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam là tình trạng lệ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Đáng nói hơn, hiện nay sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, nhựa cài, chỉ dây, khóa kéo… còn các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu.

Theo bà Đặng Phương Dung, muốn làm tăng giá trị gia tăng, các doanh nghiệp dệt may cần tập trung phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, thay đổi phương thức sản xuất. Đây chính là giải pháp nâng “chất” cho sản phẩm dệt may xuất khẩu và tăng cường sự gắn kết, phối hợp với nhau để tranh thủ được lợi thế của từng doanh nghiệp, tạo ra chuỗi cung ứng trong nước một cách chủ động và có hiệu quả hơn, bà Dung kiến nghị.

Ông Ngô Trung Kiên cho rằng, hiện tại rất cần có sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước cho khâu nhuộm sợi, vì lĩnh vực này đòi hỏi vốn rất lớn. Hơn nữa, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu TP.HCM và các tỉnh thành không muốn có sự hiện diện của các doanh nghiệp này thì họ sẽ làm ở đâu? Cụ thể, để xây dựng một nhà máy sợi, dệt cần từ 3-5 năm, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với nguồn vốn hạn chế, làm cách nào để doanh nghiệp Việt Nam giải bài toán nan giải này?

Như Ý