Startup phần mềm Onfleet hiện đang cung cấp nền tảng logistics cho hàng trăm ứng dụng giao nhận được ưa chuộng.
Nếu bạn cần nội thất cho căn hộ của mình, có một ứng dụng cho việc đó. Khi bạn muốn rượu được chuyển đến tận cửa nhà, có khoảng 10 ứng dụng cho việc đó. Và nếu bạn cần giao nhận đồ giặt ủi, tủ đồ mùa đông của bạn cần được đưa vào kho bảo quản, hay giao thuốc tận nhà, có hàng chục ứng dụng cung cấp những dịch vụ đó.
Thực vậy, nền kinh tế theo yêu cầu đã sản sinh ra hàng trăm công ty đem đến sự dễ dàng và tiện lợi cho những thứ bạn quá lười để đi mua hay tự mình làm. Nhưng làm thế nào tất cả những công ty này kiểm soát khâu hậu cần của sản phẩm/ dịch vụ từ nhà cung cấp đến khách hàng đang đợi ở nhà?
Sau này, họ phát hiện có một dịch vụ đáp ứng được nhu cầu này: nhà cung cấp phần mềm quản lý giao nhận Onfleet có trụ sở ở San Francisco, Mỹ.
Được sáng lập bởi một sinh viên trường kinh doanh Stanford, một sinh viên bỏ học ngành khoa học máy tính của Stanford, và một người tốt nghiệp ngành khoa học máy tính Đại học New Brunswick, Onfleet cung cấp hàng ngàn đơn hàng giao nhận mỗi ngày cho các ứng dụng như HelloFresh, ứng dụng giao công thức nấu ăn và nguyên liệu được chuẩn bị sẵn theo yêu cầu; TopShelf, dịch vụ giao nhận bia, rượu và chất có cồn ở Austin; Meadow và Canary, ứng dụng giao nhận thuốc y tế, và Lugg, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển (người và đồ vật) theo yêu cầu.
Phần mềm của Onfleet kết nối nhà cung cấp địa phương và các ứng dụng giao nhận với mạng lưới của những người giao hàng và các tài xế; quản lý các đơn hàng, vốn là xương sống của nền kinh tế theo yêu cầu.
Được tích hợp vào những dạng ứng dụng theo yêu cầu, phần mềm giúp các công ty ủy quyền công việc tới đội ngũ giao hàng của họ hay tới các dịch vụ giao hàng bên thứ 3, giao tiếp với các khách hàng của họ khi một tài xế đang trên đường, và theo dõi đơn hàng theo thời gian thực.
Công ty, được sáng lập bởi David Vetrano, Mikel Carmenes và Khaled Naim vào năm 2012, vốn rất kín tiếng trước khi công bố nhận được nguồn vốn 2 triệu USD từ Winklevoss Capital, CrunchFund và Quỹ Stanford-StartX, cũng như là một vài các nhà đầu tư khác.
Các khách hàng ở 25 quốc gia đã dùng phiên bản Onfleet beta kể từ thàng 1/2014. Với hàng ngàn tài xế hiện đang sử dụng phần mềm của công ty, Onfleet tuy vẫn chưa sinh lời nhưng đang có doanh thu từ việc quản lý hàng trăm ngàn đơn hàng giao nhận mỗi ngày. “Các doanh nghiệp dùng đội ngũ của họ để giao hàng, nhưng chính phần mềm của chúng tôi kết nối các điểm lại và xóa bỏ rào cản giữa các đội ngũ giao nhận tư nhân”, Naim – CEO của Onfleet, cho biết.
Phần mềm dịch vụ của Onfleet tính phí các công ty mỗi tháng trên cơ sở số lượng đơn giao nhận họ thực hiện và miễn phí cho các công ty thực hiện ít hơn 75 đơn hàng giao nhận một tháng, nhưng rất nhiều công ty có số lượng giao nhận cao hơn thế. Hiện khách hàng lớn nhất của Onfleet thực hiện hơn 100 ngàn đơn hàng giao nhận mỗi tháng.
Naim sinh ra ở Mỹ, nhưng gia đình anh chuyển đến London từ khi anh còn nhỏ và sau đó định cư ở Dubai. Do cha mẹ làm trong ngành bất động sản và dầu khí, anh có dịp chứng kiến được mức độ mở rộng quy mô thương mại trong khu vực.
Anh nói khi dịch vụ giao nhận trở nên phổ biến, nó làm cho hệ thống bưu điện trở nên lỗi thời. “Địa chỉ đường ở Trung Đông một là không tồn tại hay rất khó để truyền đạt”, anh nói. “Nếu bạn đặt đồ ăn, bạn cung cấp số điện thoại của bạn và người tài xế gọi bạn khi anh ta đang trên đường đến. Nó không có hiệu quả lắm”.
Sau khi Naim quay về Mỹ để lấy bằng thạc sĩ tại Stanford, anh gọi Vetrano và được đưa tới gặp Cavia, người anh biết từ hồi phổ thông. Vào năm 2012, bộ ba làm ra Addy – startup cho phép người dùng chia sẻ địa chỉ chính xác của họ bằng một đường dẫn URL đơn giản liên kết với một bản đồ kèm hướng dẫn và chú thích – theo chương trình chương trình ươm mầm khởi nghiệp của Stanford, StartX. Lúc ấy Addy chỉ là sản phẩm thô, nhưng ngay lập tức có khách hàng muốn trả phí sử dụng dịch vụ.
Vào tháng 12/2013, họ quyết định chuyển đổi và nâng cấp khả năng của Addy để đáp ứng nhu cầu đang cần được đáp ứng của khách hàng, và Onfleet ra đời. “Chúng tôi quyết định dùng chung giao diện chương trình cho tất cả các công ty sử dụng dịch vụ”, Naim nói. “Bằng cách đó họ có thể mở quy mô dịch vụ của họ nhanh hơn mà không cần phải tùy biến lại ứng dụng”.
Mô hình dịch vụ B2B của Onfleet được tạo dụng với phương châm giúp các nhà cung cấp vừa và nhỏ của địa phương tiếp cận được không gian nền kinh tế giao nhận theo yêu cầu. Bằng việc cung cấp một phần mềm dịch vụ giúp quản lý việc giao nhận dễ dàng hơn, Onfleet được nhận định có khả năng trở nên lớn mạnh như Uber.
“Cực kỳ tốn kém nếu muốn tự mình thực hiện giao nhận – bạn phải thuê tài xế, quản lý đơn giao nhận, và phân tích số liệu. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một công ty tỷ USD. Chúng tôi muốn trở thành mạng lưới giao nhận của thế giới”, Naim đúc kết.
Theo Trí Thức Trẻ/Inc.