Cục Hàng hải VN vừa đề xuất Bộ GTVT xây dựng Đề án quản lý hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển để triệt tiêu các khâu trung gian nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng hóa.
Giao dịch trực tuyến, loại bỏ trung gian
Nói rõ hơn về mô hình hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, Sàn giao dịch vận tải biển là khái niệm khá mới mẻ ở VN song lại rất phổ biến trong giao thương hàng hải thế giới.
Để dễ hình dung, ông Cường dẫn giải hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển cũng tương tự như mô hình dịch vụ taxi Uber hiện nay. Tức là thông qua không gian điện tử trực tuyến, chủ tàu và chủ hàng có thể “gặp nhau” để giao dịch, không cần thông qua Forwarder (dịch vụ giao nhận trung gian, cầu nối giữa khách hàng và các công ty vận tải) như hiện nay.
“Nếu được Bộ GTVT phê duyệt, Cục Hàng hải VN đề xuất lộ trình cụ thể: Xây dựng Đề án quản lý hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển từ đầu năm 2016, trình Bộ GTVT vào quý IV/2016 và bắt đầu thí điểm triển khai từ quý I/2017”.
Ông Bùi Thiên Thu |
“Trên sàn giao dịch này, người tham gia được cấp các mã giao dịch. Chủ tàu/đại lý vận tải trực tiếp cập nhật thông tin về năng lực vận tải của mình lên. Những chủ hàng có nhu cầu sẽ liên hệ trực tiếp để thương thảo, ký kết hợp đồng”, ông Cường nói và dẫn ví dụ, một DN vận tải tham gia sàn giao dịch có con tàu A hành trình từ Malaysia sang Việt Nam. Hành trình vận tải của con tàu này liên tục được cập nhật lên sàn giao dịch điện tử. Tại Việt Nam, người có hàng hóa B muốn vận chuyển về Malaysia cũng sẽ đưa thông tin của mình lên sàn. Sàn giao dịch sẽ có phần mềm tự động tìm kiếm, lựa chọn, khớp nối cho hai bên chủ tàu/chủ hàng có năng lực và nhu cầu phù hợp nhất gặp nhau. Kết quả, tàu A khi cập bến Việt Nam sẽ nhận hàng hóa B và hành trình quay lại Malaysia vào thời điểm phù hợp với kế hoạch của chủ hàng B.
Ông Cường cũng cho biết thêm khi chủ tàu, chủ hàng đưa thông tin lên mạng, thông tin được cập nhật lập tức và liên tục được định vị (thông suốt). Khi chủ hàng B chọn chủ tàu A, coi như đã chào hàng hoàn tất. Thực tế giao dịch có thành công hay không, phụ thuộc vào hai bên tiếp tục làm việc với nhau. Hiện các tàu vận tải biển đều có trang bị các thiết bị định vị, do đó rất thuận lợi, chỉ cần kết nối là có thể tham gia sàn giao dịch.
Liên quan đến hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, Vinalines thường xuyên phải tổ chức rất nhiều hình thức marketing tìm kiếm khách hàng. Nhu cầu của các doanh nghiệp chủ tàu/chủ hàng tìm kiếm, kết nối với đối tác phù hợp hiện rất lớn.
“Thực hiện kinh doanh vận tải biển thực hiện qua sàn giao dịch điện tử sẽ giảm bớt khâu trung gian môi giới, chắc chắn giao dịch sẽ nhanh chóng hơn, thời gian vận tải của cả tàu và hàng sẽ rút ngắn, tăng vận chuyển hai chiều, dịch vụ sẽ hiệu quả hơn”, ông Hải nói và khẳng định, sàn giao dịch vận tải biển, mà tương tự như mô hình vận hành của dịch vụ taxi Uber, chắc chắn sẽ được các hãng vận tải đón nhận.
Kinh doanh vận tải biển thực hiện qua sàn giao dịch sẽ giảm bớt khâu trung gian môi giới, thời gian vận tải ngắn, tăng vận chuyển hai chiều… – Ảnh: Khánh Linh |
Giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Khẳng định việc thành lập sàn giao dịch vận tải biển là rất cần thiết để nâng cao hiệu suất vận tải biển, giảm chi phí trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết, khách hàng tham gia sàn giao dịch sẽ có nhiều lựa chọn hơn, giúp cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Thu, sàn giao dịch vận tải biển sẽ tạo tiền đề phát triển ngày càng quy mô, hiện đại và tận dụng được sự tối ưu hóa của ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng, là cơ sở để phát triển logistics, gia tăng kết nối giữa các dịch vụ vận tải biển cũng như doanh nghiệp chủ hàng, kết nối với hệ thống sàn giao dịch đường bộ và hệ thống các ngành GTVT khác.
Đi sâu vào hiệu quả của việc thành lập sàn giao dịch vận tải biển, Tiến sỹ Lý Bách Chấn, Đại học GTVT TP HCM cho rằng, cước vận tải chiếm tới 30 – 40% chi phí logistics. Vì vậy, việc tìm xem có biện pháp nào để giảm chi phí này luôn là câu hỏi được đặt ra.
“Cước vận tải phụ thuộc vào hai yếu tố chính là chi phí vận tải và quan hệ cung – cầu. Tạo điều kiện để cho cầu gặp cung ở trong một lựa chọn tối ưu nhất cho cả hai phía, tôi tin rằng cước vận tải biển khi đó sẽ hợp lý nhất”, TS. Chấn nói.
Phương Dung