Sự phát triển mạnh mẽ của Grab, Uber không chỉ thay đổi ngành vận tải bằng cách kết nối cung và cầu xe hơi một cách hiệu quả và ít tốn kém, mà còn có thể khiến sản lượng ô tô được sản xuất hàng năm của ngành công nghiệp ô tô suy giảm đáng kể.
Chia sẻ tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Tác động tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam” tổ chức sáng 18.8, TS. Cấn Văn Lực cho rằng ngành giao thông vận tải, logistics, công nghiệp ô tô sẽ chịu tác động mạnh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Lựa chọn Uber là ví dụ cho những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới đời sống con người. Ông Lực chia sẻ thông tin, Grab và Uber có mặt tại Việt Nam từ năm 2014, đã được thông qua đề án thí điểm. Hiện đang triển khai thực hiện các dịch vụ GrabCar, GrabTaxi, GrabBike, Uber, UberMOTO… ở Việt Nam. Sau 1 năm thực hiện, đã có hơn 20.000 người đăng ký tham gia làm tài xế xe ôm cho Uber tại Việt Nam.
Dự đoán về tương lai phát triển của ngành giao thông vận tải, logistics, TS. Cấn Văn Lực đưa ra dự báo, tới năm 2025, nhiều chuyến đi sẽ được thực hiện qua các phương tiện chia sẻ hơn là bằng các phương tiện cá nhân như hiện nay.
Theo các chuyên gia, việc sở hữu dây chuyền sản xuất có khả năng xuất xưởng hàng triệu chiếc xe sẽ không còn là một loại quyền lực mà chỉ còn là một tài sản. Thay vào đó, quyền lực thực sự sẽ rơi vào tay các công ty có khả năng mang đến cho người dùng những sản phẩm công nghệ với trải nghiệm thông minh chưa từng có.
Những công ty như Uber, Grab không chỉ tác động tới ngành công nghiệp ô tô mà còn đang trực tiếp tạo ra những thay đổi đáng kể. Bởi Uber không chỉ là một ứng dụng gọi xe mà còn là hiện tượng điển hình của việc thay đổi ngành vận tải bằng cách kết nối cung và cầu xe hơi một cách hiệu quả và ít tốn kém. Thêm vào đó, Uber, Grab cũng không phải là những cái tên duy nhất phát triển ứng dụng này, mà còn những cái tên khác như Lyft.
Trước những thông tin trên, ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ, Công ty Cổ phần FPT phân tích, hiện nhiều người đã biết tới khái niệm “Uber economy”, một mô hình của “sharing economy” – kinh tế chia sẻ. Khách hàng khi tham gia vào mô hình này sẽ được trải nghiệm những dịch vụ, tiện ích công nghệ tiên tiến nhất từ nhà cung cấp. Ngược lại, nhà cung cấp cũng tìm được những người sử dụng dịch vụ phù hợp với mình.
“Một chiếc ô tô khi được mua về, người dùng chỉ sử dụng được khoảng 6% năng lực của chiếc ô tô thôi. Nhưng nếu sử dụng chiếc ô tô để chạy taxi, chúng ta sẽ tận dụng được 25% năng lực của chiếc ô tô. Tới khi đưa chiếc ô tô vào mô hình sharing economy, chúng ta sẽ tận dụng được 70% năng lực của chiếc ô tô.
Lúc này, ngành nghề phải lo lắng không phải là ngành logistics, mà là ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Bởi từ việc mỗi chiếc ô tô sau khi xuất xưởng chỉ khai thác được 6% năng lực, thì với mô hình sharing economy, mỗi chiếc ô tô có thể được khai thác tới 70% năng lực, gấp gần 12 lần. Điều này có thể khiến sản lượng ô tô được sản xuất hàng năm suy giảm đáng kể”.
Hoàng Nhật
Dân Việt