Khi nói về cuộc chiến với Uber, CEO của Grab tin rằng: “Chỉ cần sẵn sàng lăn xả vào chiến trường, bạn đã thắng rồi”.
Trên một chuyến bay muộn vào tháng 7 từ nhà tới Singapore, CEO ứng dụng gọi xe Grab là Anthony Tan hiểu rõ những tai ương phía trước đang chờ đón anh và công ty khi nghe được thông tin đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Grab là Didi Chuxing đã mua lại chi nhánh Uber tại Trung Quốc.
Phút “choáng váng” của CEO Grab thực ra cũng là điều dễ hiểu. Không bị kìm kẹp bởi cuộc chiến tốn kém tại thị trường Trung Quốc, Uber – công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới hiện nay sẽ chuyển toàn bộ sự tập trung của họ sang thị trường Đông Nam Á. Ngoài ra, việc này cũng khiến liên minh toàn cầu mà Grab ấp ủ sẽ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với Uber.
Quá hoảng loạn, Tan đã lấy laptop và dành một giờ sau đó để phác thảo ra những lời cảnh báo cao độ với 1.500 nhân viên của mình về sự việc này. Chắc chắn rằng không lâu sau khi thỏa thuận kết thúc, Uber sẽ bắt đầu tái phát triển lại nguồn lực, bổ sung kỹ sư cho hàng loạt thị trường từ Ấn Độ tới châu Mỹ Latin. Cùng lúc đó, họ cũng đưa ra những tính năng và dịch vụ mới cho những thị trường từ Singapore cho tới Hà Nội.
“Đôi lúc chỉ cần thong thả mà đi thôi, nhưng tôi cho rằng đây là lúc cần phải bứt phá”, vị CEO 34 tuổi của Grab khẳng định khi nói về cuộc chiến của công ty với “gã khổng lồ” Uber. “Chỉ cần sẵn sàng lăn xả vào chiến trường, bạn đã thắng rồi”.
Theo bạn bè của CEO Tan thì tuyên bố sứ mệnh của Grab thể hiện rõ tham vọng cạnh tranh máu lửa ẩn sau một người đàn ông có vẻ ngoài hoàn toàn điềm đạm.
Để đáp lại thỏa thuận giữa Uber và Didi, CEO Tan đã tuyên bố thu hút được thêm 750 triệu USD từ các nhà đầu tư mà dẫn đầu là SoftBank Group – một thương vụ giá trị cao kỷ lục tại thị trường công nghệ Đông Nam Á. Số tiền đó là bàn đạp để hỗ trợ cho tham vọng mới nhất của CEO Tan đó là GRABPAY – một dịch vụ thanh toán di động nhắm tới phục vụ khu vực có tới 90% giao dịch vẫn được dùng bằng tiền mặt.
“Anthony ghét là kẻ thua cuộc”, Chua Kee Lock – CEO của Vertec Ventures – một chi nhánh của công ty thuộc sở hữu nhà nước Singapore là Temasek Holdings Pte – nhà đầu tư tổ chức đầu tiên của Grab nói.
Hiện tại liên minh giữa Grab, Didi, Lyft và Ola vẫn chưa biết sẽ tiến hành như thế nào. Tuy nhiên Jean Liu – Chủ tịch Didi nói trong một hội nghị diễn ra tại San Francisco rằng công ty “có niềm tin vững chắc” và đòn bẩy là sự hiểu hiểu và điểm mạnh của những đối tác còn lại trong liên minh. Bản thân Didi hiện cũng đang chuẩn bị tham gia vào vòng huy động vốn cuối cùng của Grab.
Được biết cho tới thời điểm này không ai trong nhóm 4 công ty kể trên có ý định rời khỏi liên minh: Một số thậm chí đã hình thành những thỏa thuận không giới hạn để cho khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của công ty khác ở nước ngoài. Tan thì nói rằng 4 nhà sáng lập vẫn chia sẻ các thông tin nhưng chưa ngay lập tức lên kế hoạch tạo ra mạng lưới toàn cầu của họ trên toàn cầu.
“Có lẽ là chúng tôi sẽ chưa ra mắt vội. Việc trước mắt đối với cả 4 công ty là tập trung vào thị trường địa phương của chính mình”, CEO Tan nói.
Grab đã đánh bại hàng loạt đối thủ và mở rộng sang 31 thành phố tại 6 quốc gia kể từ khi được cấp phép hoạt động tại Kuala Lumpur vào năm 2012. Uber hiện chỉ hoạt động tại 16 thành phố ở các quốc gia Đông Nam Á. Theo App Annie, trong quý 3, Grab hiện là ứng dụng được tải nhiều nhất tại Indoneisa, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Uber thì đang đẫn đầu tại thị trường Singapore, Malaysia – quê nhà của Grab.
“Chúng tôi tự vẽ nên hành trình của mình. Didi đã làm mọi thứ để giành chiến thắng. Trong trường hợp của Grab, chúng tôi cũng sẽ làm mọi thứ để có thể chiến thắng”.
Vấn đề là Tan hiện đối mặt với gã khổng lồ Uber được định giá tới 69 tỉ USD vừa huy động được trên 16 tỷ USD. Grab thì ngược lại, chỉ trị giá 3 tỉ USD sau khi huy động được tổng cộng 1,45 tỷ USD. “Uber đang tăng trưởng mạnh và bền vững tại khu vực Đông Nam Á – thị trường chính của công ty”, Uber nói trong một email gửi cho Bloomberg.
Có người ông từng là lái xe taxi, CEO Tan đã lấy cảm hứng từ đó để thành lập nên Grab trong những ngày còn học tại Harvard sau khi từ chối nối nghiệp kinh doanh của gia đình tại tập đoàn lắp ráp và sản xuất xe ô tô Tan Chong Motor Holdings Bhd. Đến năm 2012, Tan khởi nghiệp công ty dịch vụ gọi xe được biết đến ban đầu với cái tên MyTeksi cùng người bạn cùng lớp ở Harvard là Tan Hooi Ling.
Trong một buổi chiều mới đây tại văn phòng Grab ở Singapore, Tan đã chia sẻ với Bloomberg về tầm nhìn của anh và tốc độ khủng khiếp mà anh đang duy trì.
Tan trở nên tràn đầy năng lượng khi nói về tương lai của Grab. Việc ưu tiên hàng đầu của Tan hiện nay là xây dựng GrabPay thành dịch vụ ví điện tử của khu vực để thu hút người dùng và lái xe mà không cần thẻ tín dụng. “Chúng tôi thật sự tin rằng GrabPay sẽ thay đổi cuộc chơi”.
Năm nay, Grab đã hợp tác cùng Ant Financial – chi nhánh tài chính của tập đoàn Alibaba để cho phép khách du lịch Trung Quốc ghé thăm Singapore và Thái Lan có thể thanh toán cho hành trình của họ thông qua dịch vụ Alipay. Khách hàng hiện có thể dùng GrabPay để thanh toán cho những chuyến xe mà họ sử dụng.
Tại Indonesia, Grab đã hợp tác với PT Bank Mandiri để cung cấp dịch vụ ví điện tử và họ đã đạt được thỏa thuận với Lippo Group để cho phép khách hàng sử dụng ứng dụng của mình thanh toán tại những cửa hàng tạp hóa lớn, rạp phim và quán cà phê. Tất cả những điều đó chỉ ra tham vọng khổng lồ trở thành công ty Internet tiêu dùng trong tương lai của Grab.
“Chúng tôi đang tạo ra thế BAT ở Đông Nam Á”, CEO Tan so sánh mình với nhóm BAT gồm Baidu, Alibaba và Tencent ở Trung Quốc. “Thế hệ tiếp theo của những công ty Internet khổng lồ ở Đông Nam Á sẽ bắt đầu từ Grab nếu chúng tôi đi đúng hướng”.
Tan không đơn độc trong cuộc chiến chống tại Uber. Anh còn những nhà đầu tư chống lưng cho công ty bao gồm những quỹ đầu tư nhà nước như Temasek của Trung Quốc cũng như Tiger Global Management. Con cháu trong gia tộc sở hữu đế chế lắp ráp và bán ô tô khổng lồ của Malaysia đang khao khát tạo dựng nên đế chế của riêng mình.
Jixun Foo – đối tác quản lý tại GGV Capital vẫn còn nhớ cách Tan dám chịu trách nhiệm cho quyết định tuyển người sai lầm của mình.
“Bạn có thể luôn đổ lỗi cho người khác nhưng anh ấy lại dám nhận trách nhiệm về mình”, theo Foo – người đang ngồi trong hội đồng quản trị của Grab. “Anh ấy có khát vọng rất mãnh liệt để chứng minh bản thân”.
Hiện tại, Grab đang hoạt động trên khắp Đông Nam Á, phục vụ hơn 620 triệu khách, tham vọng nâng giá trị tăng hơn 5 lần lên con số 13 tỉ USD đến năm 2025. Tuy nhiên, đó rõ ràng là hành trình khó khăn, nhất là khi phải cạnh tranh với những đối thủ lớn như Uber.
“Đây giống như một bộ phim lãng mạn Hàn Quốc”, Tan nói đùa. Anh nhớ lại lời Jack Ma – ông chủ Alibaba nói với mình: “Anh biết đấy Anthony, cuộc sống là một cơn sóng thần. Khi đang ở tâm cơn bão, hãy đón nhận nó. Khi qua rồi, hãy sẵn sàng đón nhận những đợt sóng tiếp theo”.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg