Dệt may hiện là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước và đưa Việt Nam đứng Top 5 các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới.
Hội thảo “Tăng cường năng lực chuỗi cung ứng trong khối dệt may ASEAN nhằm hướng tới sự phát triển bền vững”. Ảnh: Thúy Hằng/BNEWS/TTXVN
Trong khuôn khổ Hội nghị Liên đoàn Dệt May các nước Đông Nam Á (AFTEX) 2016 tổ chức tại Việt Nam, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tăng cường năng lực chuỗi cung ứng trong khối dệt may ASEAN nhằm hướng tới sự phát triển bền vững”.
Tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng ở tầm chiến lược trong khối nhà chung Đông Nam Á (ASEAN) và tới đây, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam sẽ đứng Top đầu các nước ASEAN.
Bởi, trong khối ASEAN, về lực hút và tỷ trọng xuất khẩu thì Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới đã tạo điều kiện cho ngành dệt may Việt Nam phát triển.
Từ một ngành chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước, dệt may đã trở thành một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước và đưa Việt Nam đứng Top 5 các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 27 tỷ USD. Hiện, ngành dệt may đã có trên 6.000 doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho hơn 2,5 triệu lao động. Dự kiến, năm nay ngành này sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 29 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Liên đoàn Dệt May các nước Đông Nam Á được thành lập từ năm 1977 đến nay đã được 39 năm. Hiệp hội Dệt May Việt Nam tham gia là thành viên của Liên đoàn từ năm 2001.
Trong quá trình hoạt động, AFTEX đã có những đóng góp quan trọng vào sự hợp tác, phát triển giữa các nước ASEAN. AFTEX đã góp phần vào việc hình thành khu vực thương mại tự do giữa các quốc gia Đông Nam Á; cũng như quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Đặc biệt, AFTEX đã đề xướng hai chương trình lớn là: Liên minh chuỗi cung ứng dệt may Đông Nam Á và chuẩn tay nghề dệt may ASEAN mang lại nhiều lợi ích thiết thực tại các quốc gia thành viên.
Tăng năng lực cho dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng khối ASEAN. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, các nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar thì sự liên kết, hợp tác để tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may chưa được như mong muốn.
Cụ thể, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước ASEAN tăng từ 15 tỷ USD (năm 2005) lên 42 tỷ USD (2015), song kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam với các nước ASEAN lại tăng rất khiêm tốn, chỉ từ 451 triệu USD (năm 2005) tăng lên 1,73 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 965 triệu USD và nhập khẩu 767 triệu USD.
Hiện tại, đã có sự thay đổi lớn môi trường kinh doanh và sự dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu do tác động của các hiệp định thương mại tự do.
Cộng Đồng kinh tế ASEAN và cơ chế một cửa ASEAN được áp dụng từ năm 2017 cũng sẽ tạo ra những cơ hội và cả những thách thức mới.
Vì vậy, các hoạt động của AFTEX trong tương lai, sẽ tạo điều kiện để mỗi thành viên trong khối ASEAN tham gia tốt hơn vào việc phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may khu vực ASEAN và toàn cầu.
“Để đạt được mục tiêu là mái nhà chung trong khối ASEAN, Việt Nam cần tập trung phát triển dệt may như mục tiêu trong chiến lược dài hạn quy hoạch chiến lược dệt may đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2040.
Bên cạnh đó, bản thân ngành công nghiệp dệt may Việt Nam cũng phải tạo ra động lực, sức hút các nhà đầu tư nước ngoài…, đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra yếu tố riêng để xây dựng những dòng thương hiệu cho riêng mình.”- ông Vũ Đức Giang nói./.
Hằng Trần/BNEWS/TTXVN