Khó làm ốc vít cho Samsung, Toyota vì nằm sát Trung Quốc

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã yếu nay còn bị “át vía” khi nằm cạnh Trung Quốc, một đại công xưởng linh kiện giá rẻ của thế giới.

20150108173255sanxuatjpg1-1480068846768-crop-1480069048323

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chỉ cung ứng được những linh kiện công kềnh khó vận chuyển. Ảnh: PLO.

Chia sẻ tại hội thảo về phát triển ngành CNHT tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì Việt Nam vẫn chưa khởi động xong CNHT. Nguyên nhân khiến cho Việt Nam khó phát triển ngành này là nằm ngay cạnh Trung Quốc và không thể vượt qua cái bóng quá lớn của quốc gia này.

Ít doanh nghiệp Việt tự sản xuất được bu-lông, ốc vít

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết muốn phát triển CNHT cần phải tư duy lại con đường mình đi. Theo ông, lịch sử phát triển CNHT của Việt Nam “đang có vấn đề”, nếu không giải quyết được thì tương lai của ngành rất khó khăn và chìm sâu trong khủng hoảng.

“15 năm qua, chúng ta miệt mài bàn luận để phát triển ngành này nhưng cái quan trọng nhất là nhìn nhận cơ hội để tìm hướng đi đúng thì lại không nhắc đến. Bây giờ khoa học công nghệ thay đổi nhiều, cần phải nhìn ra cơ hội và tập trung bàn về tầm nhìn chứ không nên mổ xẻ những vấn đề manh mún, chắp vá. Cần phải gạt bỏ và làm lại còn cứ nhận thức sai thì rất dễ dồn đất nước vào con đường bế tắc”, ông Thiên cho biết.

Người đứng đầu Viện Kinh tế Việt Nam cho hay hiện nay, có những doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa rất cao. Họ tự sản xuất được các linh kiện bu-lông, ốc vít đến các chi tiết công nghệ phức tạp nhưng số lượng này là rất ít.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cách đo lường hỗ trợ công nghiệp của chúng ta sai lầm. “Cần phải nhìn nhận sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo chiều ngang chứ không phải đơn thuần theo chiều dọc. Sản xuất được con ốc vít sử dụng trong ô tô thì cũng có thể làm con ốc vít trong tủ lạnh… chứ không chăm chăm làm một thứ”, ông nói.

Khó vì cạnh “đại công xưởng” của thế giới

Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, điểm khó nhất của Việt Nam là nằm bên cạnh Trung Quốc – “đại công xưởng” của thế giới. Quốc gia này, với công nghệ hơn hẳn, giá thành rẻ hơn, thị trường rộng lớn đang phủ bóng quá lớn lên CNHT Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% trong các ngành công nghiệp chế tạo đang thực sự là thách thức với Việt Nam.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng phòng Toyota Việt Nam, trong nhiều năm qua do hạn chế về CNHT, các doanh nghiệp chế tạo phải nhập khẩu linh kiện quá nhiều. Chi phí sản xuất tại Việt Nam vì thế cũng cao hơn khoảng 20% so với các thị trường lân cận gây khó bài toán sản xuất trong nước.

“Thực sự, doanh nghiệp nội chỉ chiếm lợi thế với các linh kiện cồng kềnh khó vận chuyển như thân xe, phần cứng còn lại hầu như chưa đáp ứng được. Như vậy, muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa như mục tiêu đề ra cũng khó vì bị hạn chế về nhiều mặt từ khách quan đến chủ quan”, ông Tuấn chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế khuyến khích các ngành sản xuất giá rẻ, dựa vào nhân công, nguồn vốn đã không còn phù hợp. Việt Nam cần xem lại chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI không thể dễ dãi như hiện tại.

Theo ông Trần Đình Thiên, việc thu hút đầu tư phải sàng lọc và chỉ chấp nhận doanh nghiệp FDI lớn có công nghệ hiện đại, năng lực chất lượng vào đầu tư. Trong khi đó đối với những DN nhỏ “nhanh tay, nhanh mắt” vào trục lợi cần phải loại bỏ nếu không muốn thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường.

“Nếu để doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa vào ồ ạt được ưu đãi, cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt không có cửa phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phải tạo đoạn dẹp sạch và tạo không gian cho doanh nghiệp Việt phát triển lúc đó các doanh nghiệp FDI lớn mới phát huy được chức năng hỗ trợ doanh nghiệp nội phát triển CNHT”, ông Thiên phân tích.

Không chỉ gia công mãi

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Việt Nam liên tục duy trì được đà tăng tưởng trung bình 7% năm, quy mô nền kinh tế mở rộng hơn. Tuy nhiên, chất lượng nền kinh tế còn thấp, thiếu hiệu quả. Do đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Các yếu tố này là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta nỗ lực năng cao năng lực cạnh tranh nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn do mô hình kinh tế dựa vào nguồn vốn, khai thác tài nguyên, lao động nhân công giá rẻ. Cơ cấu nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp còn thấp, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị cao phần lớn là gia công”.

“DN Việt Nam không thể chấp nhận là ‘xưởng gia công’ mãi thế này được. Cần nghiên cứu, phát triển các ý tưởng thời trang, công tác quản lý sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta phải tạo thương hiệu Made in Vietnam chứ không thể mãi với những sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu cạnh tranh”, Phó thủ tướng kết luận.

Zing