Ngành logistics: Dư địa phát triển còn nhiều

Ngành logistics Việt Nam hiện mới ở giai đoạn cung cấp các dịch vụ logistics với nền sản xuất cổ điển. Vì vậy, tới đây Việt Nam cần hướng đến sản xuất dựa trên hệ thống logistics hiện đại.

Ngành logistics
Ảnh minh họa

Các DN chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng

Theo ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, chúng ta có thể xem xét vai trò và vị trí logistics từ góc cạnh khác trên ngôn ngữ của công nghệ thông tin. Ví như, nếu xem cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng (cảng biển, đường, giao thông, đường sắt, sân bay…) là phần cứng của hệ thống, là điều kiện cần thì hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng này lại nằm trong ngành logistics (khung thể chế, kho bãi, vận tải…) như là phần mềm, là hệ điều hành của hệ thống, là điều kiện đủ để đánh giá và phát huy toàn diện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư không ít để phát triển hạ tầng kỹ thuật (phần cứng), song hiệu quả mang lại chưa cao như mong muốn, đặc biệt là chưa được lượng hóa chính xác. Kết quả, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp – một phần quan trọng là do Việt Nam chưa phát triển hệ thống logistics một cách chuyên nghiệp (phần mềm), nhận thức về logistics chưa cao trong xã hội, trình độ phát triển logistics còn thấp, nhất là các DN chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng.

“Thị trường logistics Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 25% GDP, trong đó vận tải chiếm khoảng 50 – 60%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lượng hàng xuất nhập khẩu khá cao, 20%/năm. Đây là tỷ lệ tương đối cao và là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tăng giá sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tề nói chung và hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế nói riêng”, ông Bùi Quốc Nghĩa nhấn mạnh và cho biết thêm, tại Việt Nam nhiều công ty nước ngoài đã vận hành những hệ thống logistics rất hiện đại nhưng chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, hiệu quả của họ nằm ở chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần hàng chục tỷ USD trong vòng 20 năm tới

Mặc dù trong những năm qua ngành logistics phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Vì vậy, Nhà nước cần tiến hành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics quốc gia càng sớm càng tốt. Trên cơ sở đó xây dựng cách chính sách phát triển phù hợp, các quy hoạch, kế hoạch bài bản. Trước mắt cần xây dựng ngay cơ sở dữ liệu ngành logistics và xây dựng các chỉ tiêu định lượng.

Theo ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA), xét về tổng quan của ngành logistic Việt Nam, từ khung pháp lý, cảng biển, trung tâm logistics, phương tiện, công nghệ, nhân lực, hạ tầng, DN vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Ngoài ra, về phía DN, hiện có khoảng gần 2.000 DN tại Việt Nam đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics với khoảng 300.000 DN khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, tất cả đều là các DN logistics vừa và nhỏ, và chỉ đủ lực tham gia cung ứng một phần trong chuỗi logistics. Các DN này không những không liên kết với nhau mà còn cạnh tranh lẫn nhau theo hướng giảm giá.

Các chuyên gia và những DN trong lĩnh vực này cho biết, dù khó khăn chồng chất, nhưng phải thừa nhận dư địa phát triển ngành logistics Việt Nam còn rất lớn. Bởi, ngoài việc gia nhập vào WTO, TPP, EVFTA, AEC, Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm chế tác lớn của thế giới. Trong khi đó nguồn vốn dành cho lĩnh vực này còn hạn chế, và thực tế đòi hỏi phải đầu tư hàng chục tỷ USD trong vòng 15 – 20 năm tới.

“Mặc dù trong những năm qua ngành logistics phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Vì vậy, Nhà nước cần tiến hành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics quốc gia càng sớm càng tốt. Trên cơ sở đó xây dựng cách chính sách phát triển phù hợp, các quy hoạch, kế hoạch bài bản. Trước mắt cần xây dựng ngay cơ sở dữ liệu ngành logistics và xây dựng các chỉ tiêu định lượng.“, ông Bùi Quốc Nghĩa kiến nghị.

Ngô Ngãi

Báo Đấu Thầu