Xuất nhập khẩu bớt 1 ngày thủ tục, lợi 1 tỉ USD

Thủ tục xuất nhập khẩu rườm rà, nhiều tiêu cực trong việc kiểm tra hoạt động, cách quản lý thiếu thân thiện… đang cản trở hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Bớt 1 ngày thủ tục, lợi 1 tỉ USD

Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất – kinh doanh do thủ tục quá rườm rà, nhiều tiêu cực Ảnh: TẤN THẠNH

Ngày 18-5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại đây, cộng đồng doanh nghiệp đã bức xúc kiến nghị bỏ những rào cản làm đình trệ sản xuất – kinh doanh.

“Sợ hãi”, “kinh hoàng”

Nghị quyết 19/2016 có nội dung rất lớn về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu giảm được 1 ngày làm thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN), nền kinh tế sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỉ USD. Song đây lại đang là nút thắt lớn đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của cộng đồng DN, có những vấn đề DN kêu nhiều năm nhưng vẫn không được giải quyết.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam – cho biết từ năm 2009, DN dệt may nhập vải nguyên liệu đều phải giám định formaldehyde với mức phí 2,035 triệu đồng/lần (Thông tư 32).

Sau rất nhiều kiến nghị, năm 2015, Bộ Công Thương sửa đổi quy định này nhưng lại theo hướng gây khó khăn hơn khi yêu cầu kể cả lô hàng nhỏ, lẻ cũng phải giám định (Thông tư 37). Cho nên, khi nhập súc vải mẫu chỉ 5 m, có giá 5-10 USD, DN cũng phải trả phí kiểm định gấp 10 lần giá trị lô hàng.

Bức xúc không kém, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cũng cho biết mỗi container bông nguyên liệu nhập khẩu đều phải kiểm dịch thực vật với chi phí 1 triệu đồng/mẫu, thời gian kéo dài khoảng 2,5 ngày, có khi lên đến 7-8 ngày. Chỉ tính riêng chi phí cho kiểm dịch thực vật, DN bông sợi đã phải trả 17-18 tỉ đồng.

“Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự thảo quy định bông nhập về phải chịu kiểm tra thêm về nguy cơ dịch hại. Kiểm dịch như hiện nay, chúng tôi đã thấy sợ hãi, nếu áp dụng như dự thảo thì thực sự kinh hoàng” – ông Sơn nói.

Trước phản ánh của DN, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng “các bộ hiện nay đang “nghiện” kiểm tra, kiểm dịch vì việc này hấp dẫn lắm! Mà đã nghiện rồi thì khó cai”. Từng giữ chức cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết để cải thiện tình trạng này, cần có quyết tâm rất lớn của người đứng đầu.

Phải dọn đường cho doanh nghiệp đi

Theo ông Nguyễn Đình Cung, rào cản đối với DN tại Việt Nam nằm ở các bộ, nếu bộ trưởng không thay đổi thì không giải quyết được. “Cách quản lý hiện nay không thân thiện với DN, đầy rẫy tiền kiểm, xin – cho. DN kiến nghị, các bộ có sửa thông tư nhưng sửa “nhỏ giọt” để sau đó báo cáo là có sửa. Như thế cũng không thể nói là các bộ không tiếp thu nhưng cũng chẳng giải quyết được vấn đề” – ông Cung bình luận.

Người đứng đầu CIEM cũng đánh giá sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19, nhìn chung các bộ – ngành, địa phương thực hiện chưa tích cực. Khác biệt của Nghị quyết 19/2016 thể hiện ngay ở khâu tổ chức thực hiện có sự đồng hành tham gia đánh giá trực tiếp của Văn phòng Chính phủ.

Cơ quan này sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 19 với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm, không phải định kỳ hằng quý báo cáo Thủ tướng như trước đây. Đặc biệt, khi các bộ ngành gửi kế hoạch hành động về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu nhận thấy chưa bám sát tinh thần nghị quyết thì bộ sẽ trả về, yêu cầu làm lại.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Lê Mạnh Hà – nhấn mạnh: Nghị quyết 19 đã được thực hiện 2 năm, có nhiều kinh nghiệm về thành công cũng như thất bại. Giảm thời gian cho 1 thủ tục rất quan trọng nhưng thà rằng thời gian dài gấp đôi mà không nhũng nhiễu, hối lộ… còn quan trọng hơn.

Nếu thời gian rút ngắn mà vẫn còn nhũng nhiễu, vẫn còn chung chi, hối lộ, vẫn phải gặp hết “ông nọ, bà kia” thì mục tiêu đặt ra chưa đạt. “Đường phải bằng phẳng chứ không thể chông gai, toàn cạm bẫy. Không có Chính phủ điện tử, không công khai, không có người dân giám sát thì bao giờ cũng nảy sinh tiêu cực” – ông Hà nói.

Kiến nghị 2 năm chưa được giải quyết

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nêu bức xúc: Ngành hàng này liên quan thường xuyên đến 6 bộ – ngành, có những vấn đề được đặt ra rất cụ thể nhưng các cơ quan giải quyết rất chậm chạp. DN gửi kiến nghị lên bộ trưởng, bộ gửi đến cục, vụ chức năng đến 2 năm nhưng chưa được giải quyết. “DN thủy sản chủ yếu tập trung ở phía Nam nhưng thủ tục giải quyết phải gọi điện, gửi ra Hà Nội vòng vèo cả tháng, như thế có cần thiết không?” – ông Nam bày tỏ.

Được đánh giá là bộ thực hiện tốt nhất Nghị quyết 19 song Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng tỏ ra băn khoăn về những nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo ông Tuấn, riêng về vấn đề thông quan hàng hóa là chỉ tiêu tổng hợp của 14 bộ – ngành. Nếu không có sự phối hợp tốt hơn thì đến năm… 2019 chờ sửa luật mới đạt được mục tiêu giảm thủ tục xuống còn một nửa so với hiện nay.

NLĐ