Nhiều dự án XHH Logistics đường sắt triển khai ngay trong năm 2015

Khoảng một tháng nữa, Trung tâm Logistics đường sắt – ga Yên Viên sẽ được khởi công theo sự thỏa thuận giữa VNR và ITL.

Logistics đường sắt

Trung tâm Logistics đường sắt – ga Yên Viên khi đi vào hoạt động sẽ đánh dấu bước chuyển mới trong việc kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào đường sắt – Ảnh: Ngô Vinh

Khoảng một tháng nữa, Trung tâm Logistics đường sắt – ga Yên Viên (Hà Nội) sẽ được khởi công theo sự thỏa thuận giữa TCT Đường sắt VN (VNR) và Tập đoàn ITL. Đây cũng là dự án xã hội hóa (XHH) đường sắt đầu tiên được thực hiện, đánh dấu một trang mới trong huy động các nguồn lực đầu tư vào đường sắt.

Khởi đầu thành công

Còn nhớ cách đây gần một năm, việc kêu gọi XHH đầu tư vào đường sắt được đưa ra mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư ngoài ngành rất mong muốn được đầu tư vào các tuyến đường sắt, các bãi hàng tại các ga đầu mối… Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn có phần e ngại về cơ chế XHH đầu tư chưa rõ ràng và minh bạch; Bên cạnh đó là hạ tầng đường sắt đang yếu, thời gian tàu lưu hành dài, sự ưu tiên đối với doanh nghiệp (DN) đầu tư chưa rõ ràng, tính chất pháp lý như đất, kho bãi thế nào, khả năng khai thác đầu kéo ra sao, vẫn là những băn khoăn lớn của các nhà đầu tư.

Ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt (trực thuộc Tập đoàn ITL – đơn vị vừa đạt được thỏa thuận đầu tư Dự án Trung tâm Logistics đường sắt – ga Yên Viên, Hà Nội) cho biết: “Khi bắt tay vào nghiên cứu các dự án đường sắt cách đây hơn một năm, chúng tôi lo lắng nhất về cơ chế quản lý và tư duy của ngành Đường sắt. Nếu các thông tin và cơ chế, chính sách được minh bạch hơn, tôi tin rằng các khó khăn sẽ được tháo gỡ”.

Sau hơn một năm đàm phán tích cực và cùng tháo gỡ các vướng mắc, đến nay ITL đã đạt được thỏa thuận đầu tư thuê bãi hàng ga Yên Viên trong 23 năm với tham vọng biến nơi đây thành một trung tâm logistics đường sắt lớn với những công nghệ bốc xếp tiên tiến và hiện đại, kết nối với hệ thống cảng biển phía Bắc, từ đó tăng thị phần vận tải đường sắt. Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL cho biết, sẽ tăng cường khai thác đường sắt đi các tuyến, để mang lại lợi ích lớn cho các khách hàng. Đó là việc thông quan hàng hóa sẽ được tiến hành ngay tại Hà Nội thay vì tại các cảng biển.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR ví von, Trung tâm Logictics đường sắt – ga Yên Viên chỉ là “một ngọn đèn chưa thắp sáng được bóng đêm”. Đây là bước thí điểm cơ chế để thực hiện kêu gọi XHH đầu tư.

“Chúng tôi đã đề xuất được một cơ chế cho thuê kết cấu hạ tầng có điều kiện, không giống bất cứ một cơ chế nào để thu hút nhà đầu tư, nhưng vẫn phải đúng luật”, ông Thành nói và cho biết, điều kiện cho thuê là VNR vẫn có quyền điều hành chạy tàu, dồn tàu, lập tàu, cắt móc và tập kết xe hàng trong khu ga và tại bãi hàng. Bên thuê sẽ xây dựng đơn giá các loại dịch vụ liên quan đến công tác bốc, xếp dỡ, lưu kho bãi và các loại giá dịch vụ khác. VNR thẩm định và thống nhất nhằm tạo môi trường bình đẳng kinh doanh đối với các doanh nghiệp…

Sẽ xã hội hóa cả đầu máy, toa xe

Cũng theo ông Trần Ngọc Thành, tới đây một loạt các dự án XHH đường sắt khác sẽ được thực hiện. Trước mắt là bãi hàng ga Đồng Đăng, bãi hàng ga Sóng Thần, ga Lào Cai và nhiều bãi hàng khác để kết nối tất cả các hệ thống. Dự kiến bãi hàng ga Đồng Đăng triển khai trong tháng 10/2015, Sóng Thần trong năm 2015 sẽ xong hồ sơ thiết kế. “Chúng tôi mở cửa mời gọi tất cả các nhà đầu tư để đầu tư XHH mạnh mẽ đường sắt”, ông Thành nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mục tiêu từ nay đến năm 2020 thị phần vận tải hàng hóa đường sắt tăng từ 1–2% và đến năm 2030 đạt từ 3–4% (hiện nay chưa đạt được 1%). Với hạ tầng hiện có, việc đạt được từ 1- 2% cũng rất khó nếu như không có sự kêu gọi đầu tư phù hợp. Các nhà đầu tư bên ngoài ngành đầu tư vào đường sắt là hướng đi đúng để sớm có được hệ thống đường sắt hiện đại và phù hợp, giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Cùng đó, tới đây ngành Đường sắt sẽ cho thuê hoặc nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (tuyến, đoạn tuyến đường sắt, nhà ga, bãi hàng…) theo hướng cho phép các thành phần kinh tế được thuê lại quyền khai thác kết cấu hạ tầng để tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Cụ thể, Nhà nước cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định cho tổ chức, đơn vị, cá nhân. Tổ chức, đơn vị, cá nhân được thuê có quyền khai thác, đồng thời, thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo hợp đồng đã ký kết.

Thiện Anh