(TBKTSG) – Với quy định tỷ lệ linh phụ kiện có xuất xứ nội khối lắp trên xe sản xuất tại một nước thành viên để được miễn phí thuế nhập vào thị trường thành viên khác là 45%, kết quả đàm phán TPP có thể là một tia hy vọng lóe lên cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội này.
Trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuộc thảo luận về ngành ô tô đã rất căng thẳng, xoáy quanh hai vấn đề thuế quan và quy tắc xuất xứ, nghĩa là quy định tỷ lệ linh phụ kiện có xuất xứ nội khối lắp trên xe sản xuất tại một nước thành viên để được miễn phí thuế nhập vào thị trường thành viên khác.
Sự căng thẳng kéo dài này thể hiện những mâu thuẫn quyền lợi quan trọng giữa các nước sản xuất ô tô. Một bên là Mexico và Canada, xuất khẩu linh kiện vào thị trường Mỹ, muốn tỷ lệ nội khối ở mức cao 62,5%, như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tỷ lệ cao của NAFTA đã tạo ra làn sóng đầu tư vào Mexico từ những năm 1990 và giúp nước này trở thành nhà cung cấp ô tô và linh kiện ô tô chính cho thị trường Mỹ. Ngược lại, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Mỹ và Nhật muốn tỷ lệ thấp hơn, ở mức 50% và 32,5% để có thể cho phép các hãng xe linh hoạt hơn khi mua linh kiện giá rẻ từ các hãng sản xuất châu Á. Đầu tháng 10 vừa qua, bốn nước này đã thống nhất trên tỷ lệ nội khối 45% và đã được thông qua bởi toàn thể các thành viên…
Đề nghị tỷ lệ thấp vì phần lớn phụ tùng và xe của Nhật sản xuất tại những nước ngoài TPP như Thái Lan và Indonesia. Để được hưởng miễn thuế của một thị trường lớn nhất thế giới, chiếm 40% kinh tế toàn cầu, các công ty Nhật phải tìm các đối tác là thành viên của khối. Với thực tế 12 nước đang tham gia đàm phán là Úc, Brunei, Canada, Chile, Peru, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, có thể một tia hy vọng lóe lên cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội này.
Việt Nam nắm được cơ hội không?
Trong bối cảnh mới, Việt Nam sẽ có sức thu hút đầu tư cao như thời Mexico ở thập niên 1990, khi vừa được tham gia NAFTA, do đó vấn đề không phải là tìm vốn đầu tư ban đầu nhưng quan trọng là tạo được nền công nghiệp phát triển năng động để gây tin tưởng và thu hút các đầu tư công nghệ cao, các thiết bị hiện đại để nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn ô tô. Bốn tiêu chuẩn không thể thiếu để vào thế giới ô tô là: chất lượng – giá – thời hạn giao hàng – sáng tạo và phát triển.
Nếu không là thành viên của TPP, công nghiệp ô tô Việt Nam khó tồn tại sau năm 2018, khi phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, Indonesia.
Chất lượng. Ngoài việc các sản phẩm phải đáp ứng đúng những yêu cầu kỹ thuật của khách hàng, khó khăn chính là sản xuất phải có tỷ lệ phế phẩm rất thấp, chỉ một phần triệu cho các bộ phận cơ khí như hệ thống truyền động, động cơ, hoặc hệ thống an toàn… và phần chục ngàn cho các bộ phận trong nội thất hay thùng xe. Để đạt tới những tỷ lệ này, các thiết bị phải thật tốt và hệ thống quản lý dây chuyền sản xuất phải thật chặt chẽ. Nếu không đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ bị tổn thất cao về tài chính, thương hiệu và có thể bị loại ra khỏi danh sách nhà cung cấp của tập đoàn.
Thời hạn giao hàng. Để giảm tối đa số lượng tích lũy trong kho hàng hoặc không có kho hàng theo cách quản lý “đúng lúc”, các linh kiện chỉ được giao đúng lúc và đúng số lượng vừa đủ cho một thời gian nhất định sinh hoạt của dây chuyền lắp ráp xe. Không tôn trọng thời gian giao hàng sẽ gây tổn hại tài chính vì phải ngưng hoạt động sản xuất nhà máy, chậm trễ giao xe cho khách hàng. Yếu tố quyết định là không có biến cố bất ngờ xảy ra ở tất cả mọi giai đoạn của dây chuyền sản xuất, từ tiếp tế nguyên vật liệu qua khâu sản xuất đến dịch vụ logistics. Những biến cố bất ngờ thường xảy ra ngoài tầm quản lý của nhà máy là nguồn cung cấp nguyên vật liệu và logistics. Đây là hai điểm yếu của công nghiệp Việt Nam.
Giá. Ba yếu tố căn bản ảnh hưởng trên giá thành là quản lý, số lượng sản xuất và giá lao động; nhưng quản lý càng ngày càng quan trọng so với giá lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam có thuận lợi là giá lao động thấp nhưng làm ăn còn nhỏ lẻ và quản lý yếu. Do đó, khi vừa bước vào thị trường quốc tế, dù giá lao động thấp các cơ sở sản xuất ở Việt Nam phải được quản lý rất chặt chẽ tối ưu hóa quy trình và tinh thần kỷ luật phải rất cao: không phí phạm – không phế phẩm.
Sáng tạo và phát triển. Sự lựa chọn một nhà cung cấp không chỉ dựa vào sức cạnh tranh hiện tại mà còn dựa vào hướng phát triển của doanh nghiệp, vì chọn hôm nay, để cung cấp cho mẫu xe sẽ ra thị trường trong nhiều năm tới. Do đó, những khảo sát và đánh giá của các tập đoàn ô tô đối với các nhà cung cấp rất chú trọng về khả năng sáng tạo và tiềm năng phát triển qua đào tạo nhân lực và đầu tư thiết bị. Chúng ta đang sống trong kinh tế cạnh tranh, không tiến là bị đào thải.
Gia nhập TPP là một thành công lớn về chính trị và ngoại giao, nhưng chuyển nó qua thành công kinh tế và công nghiệp đòi hỏi chúng ta phải đi thẳng vào “phần cứng” của vấn đề, nghĩa là xây dựng những kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Bài toán đã đảo ngược để mở lối thoát cho công nghiệp ô tô Việt Nam
TPP có tiềm năng đưa công nghiệp ô tô Việt Nam ra khỏi tình trạng khó khăn khi thuế nhập giữa các nước ASEAN được xóa bỏ năm 2018, theo Hiệp định AFTA. Bài toán sẽ đảo ngược để mở lối thoát cho công nghiệp ô tô Việt Nam.
Khởi đầu, cần vận dụng lợi thế TPP, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất phụ tùng cung cấp cho các mẫu xe lắp ráp tại các nước thành viên TPP. Những đầu tư này về công nghệ, thiết bị cùng với phương pháp quản lý sản xuất rất cần thiết để Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có cơ hội thực tiễn đào tạo tác phong công nghiệp cho các đội ngũ quản lý và nhân công.
Con đường phát triển tiếp theo là nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở như logistics, nguyên vật liệu… và đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật để tăng sức cạnh tranh quốc tế, củng cố sự hợp tác lâu dài, tạo sự tin tưởng thuận lợi cho đầu tư các công nghệ cao và thiết bị hiện đại. Trong bối cảnh thế giới và điều kiện hiện tại của Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ với công nghiệp quốc tế và tiềm năng tiếp thu thành công chuyển giao công nghệ là con đường khả thi nhất để phát triển công nghiệp quốc gia.
Đầu tư phát triển công nghiệp lắp ráp ô tô là kết quả hiển nhiên của sự lớn mạnh của thị trường ô tô nội địa và sức cạnh tranh cao của công nghiệp linh phụ kiện. Với thuận lợi của TPP, Việt Nam sẽ hấp dẫn các tập đoàn ô tô của các quốc gia trong và ngoài TPP.
Thật ra, nếu không là thành viên của TPP, công nghiệp ô tô Việt Nam khó tồn tại sau năm 2018, khi phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, Indonesia. Nếu nắm bắt và bước lên được “chuyến tàu cao tốc TPP”, Việt Nam sẽ không còn phải đứng nhìn tàu chạy qua.
Đừng bỏ lỡ cơ hội.