Xe buýt “chết” dần?

Rất nhiều lý do làm giảm hiệu quả trợ giá xe buýt và chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng trong khi giải pháp khắc phục chưa rõ ràng

Ngày 12-11, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP HCM đã làm việc với Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (Sài Gòn Bus) và HTX Vận tải 19-5 về hiệu quả trợ giá xe buýt và chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn năm 2015.

Mỗi năm mỗi “xuống”

Ông Đoàn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sài Gòn Bus, cho rằng vấn đề luồng tuyến hiện nay còn nhiều khó khăn do mạng lưới xe buýt của TP chưa được quy hoạch chính thức và đang thiếu các bãi hậu cần, bến trung chuyển…; cơ sở hạ tầng cho các tuyến xe (trạm dừng, nhà chờ, thông tin tuyến…) chưa hợp lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản lượng của toàn bộ hệ thống xe buýt trên địa bàn TP giảm theo từng năm. Riêng Sài Gòn Bus, hầu hết các phương tiện hoạt động buýt hiện đều xuống cấp trầm trọng do đã khai thác hơn 9 năm. Tuy nhiên, nguồn thu lại rất hạn hẹp dẫn đến công tác duy tu, sửa chữa chỉ cầm chừng chứ chưa nói đến việc đầu tư mới. Mức trợ giá hằng năm của Sài Gòn Bus cũng không ổn định và liên tục giảm từ năm 2013 đến nay, dẫn đến tình trạng thu không bù chi. Vì vậy, công ty không đủ kinh phí để tăng lương cho người lao động (mức lương cho tài xế hiện là 8 triệu đồng/tháng), dẫn đến tình trạng thiếu hụt người có tay nghề và việc tuyển dụng tài xế cũng gặp nhiều khó khăn.

Xe buýt hoạt động trong khu Đại học Quốc gia TP HCM Ảnh: GIA MINH
Xe buýt hoạt động trong khu Đại học Quốc gia TP HCM Ảnh: GIA MINH

 

“Hiện nay, chúng tôi rất khó tuyển được tài xế nên những người đang trực tiếp làm việc phải tăng ca, tăng chuyến dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó có vấn đề an toàn giao thông. Đó là chưa kể phương tiện xuống cấp, đường sá chật hẹp khiến thời gian đi của mỗi chuyến xe ngày càng kéo dài. Điều này hiển nhiên làm chất lượng xe buýt giảm sút” – ông Tâm nói.

Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19-5, sản lượng tại HTX này cũng giảm: Năm 2014, chỉ đạt 86%, còn 6 tháng đầu năm 2015 đạt 84% so với kế hoạch. Sản lượng giảm là do nhiều nguyên nhân như chất lượng phục vụ chưa tốt, đa phần các xe đã hơn 10 năm sử dụng, nhất là vì ùn tắc giao thông… “Kẹt xe, khách không lên – xuống được, không biết bao giờ mới tới nơi. Còn tài xế thì ăn theo tuyến nhưng kẹt xe thì tuyến giảm dẫn đến thu nhập giảm. Một là tài xế bỏ việc, hai là HTX tăng lương. Tăng lương trong điều kiện giảm hành khách, giảm trợ giá thì vô cùng khó khăn. Xe buýt chạy giờ cao điểm nhưng đây là thời gian dễ ùn tắc nhất. Điều này sẽ “giết” xe buýt” – ông Triệu nêu thực trạng. Một khó khăn nữa mà ông Triệu đưa ra là trợ giá hằng năm cho xe buýt chưa ổn định làm xã viên băn khoăn, cân nhắc đầu tư phương tiện mới.

Còn ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ – Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho rằng việc duy tu, sửa chữa xe buýt có phần hạn chế cũng là nguyên nhân làm sản lượng giảm. Theo ông Giao, có nhiều giải pháp nhưng trước mắt cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ. “Vừa qua, Sở GTVT đã tổ chức đấu thầu được 6 tuyến nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, các xe buýt hoạt động có trợ giá niên hạn sử dụng chỉ 10 năm. Với tình hình chung như hiện nay là rất khó để thay mới” – ông Giao nói.

Làm ăn không hiệu quả thì giảm trợ giá

Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP HCM, muốn nâng cao sản lượng các tuyến xe buýt thì đơn vị cần thống kê từng chuyến xe có lượng khách cao và đối tượng cụ thể để áp dụng trợ giá chứ không nên trợ giá tràn lan. “Phải lựa chọn tuyến nào nên trợ giá, tuyến nào không và đối tượng là ai để từ đó phân tích và lên phương án cụ thể. Đối tượng trợ cấp liệu họ có được tiếp cận mức trợ giá đó hay không? Theo tôi, nên giới hạn lại vấn đề trợ giá cho những tuyến xe có lượng khách đông” – bà Cành nêu quan điểm. Đồng tình, ông Nguyễn Anh Phong, Trưởng Bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho biết: “Có xe lượng khách rất cao nhưng cũng nhiều xe vắng người. Do vậy, việc trợ giá cho nhiều xe hầu như không hiệu quả vì không đánh giá được đối với những xe rỗng, ít khách. Cần thống kê luồng tuyến để có số liệu cụ thể”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, khẳng định mục tiêu trợ giá xe buýt là để động viên người dân đi vận tải hành khách công cộng. Nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả thì nhà nước giảm trợ giá. Ông Lâm cho rằng trong hoạt động vận tải hành khách công cộng cần có những cải cách và nhanh chóng thay đổi nhận thức. Trong đó, việc đổi mới không phải phụ thuộc vào nguồn trợ giá mà bản thân các đơn vị nên chủ động.

“Trong giai đoạn này, trợ giá đang thông qua nhà xe nhưng sắp tới sẽ trực tiếp cho người đi xe. Các đơn vị phải tự đổi mới theo cơ chế thị trường thì mới nâng cao được sản lượng” – ông Lâm nhìn nhận.

Đối với việc quản lý lao động, ông Lâm yêu cầu đặc biệt chú trọng vì nếu họ không được bảo đảm sức khỏe, quyền lợi thì chất lượng phục vụ, mức độ an toàn không cao.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh, cơ quan này đang tính toán việc trợ giá. Sắp tới, Sở GTVT sẽ làm thẻ thông minh khi đi xe buýt.

Thà chịu phạt chứ không đón khách!

Thông tin từ HTX vận tải 19-5 cho thấy trong năm 2014, trung tâm bị phạt gần 300 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2015 là gần 130 triệu đồng, trong đó lỗi không vào trạm đón khách chiếm 17%. “Có tình trạng này là vì đường kẹt, việc ghé trạm rất khó khăn nên nhiều tài xế thà chịu bị phạt chứ không ghé vào đón khách. Còn chủ quan là tài xế không chịu vào đón khách vì có thể là sinh viên, đi vé tháng” – ông Nguyễn Văn Triệu lý giải.

 

Gia Minh – Phan Anh