Các doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM, vào cuối tuần qua, đã thống nhất kiến nghị đến Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp vận tải cho rằng, nhiều quy định hiện hành đối với xe đầu kéo sơ mi rơ moóc (SMRM) đang gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm lãng phí lớn nguồn đầu tư. Trong khi, một số quy định liên quan đến giải pháp chống xe chở hàng quá tải, gồm có giải pháp về điều chỉnh kỹ thuật SMRM, di chuyển cụm trục xe, hoặc chốt kéo là không phù hợp với thực tế hoạt động vận tải và đặc thù của phương tiện xe tổ hợp đầu kéo kéo SMRM.
Đơn cử, phải điều chỉnh tăng khối lượng cho phép tham gia giao thông không nhỏ hơn khối lượng thiết kế 33.000 kg đối với SMRM 2 trục chở container, không nhỏ hơn khối lượng toàn bộ thiết kế 38.000 kg đối với SMRM 3 trục chở container. Điều chỉnh thay đổi vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của SMRM nêu trên để đảm bảo phương tiện không còn vi phạm tải trọng trục khi chở một container theo tiêu chuẩn quốc tế (30.480 kg) lưu hành trên trên các tuyến đường đã được nâng cấp, cải tạo đồng bộ.
Theo kiến nghị: “Hiện toàn Thành phố có 3.465 xe đầu kéo SMRM 2 trục chở container và 3.640 xe đầu kéo SMRM 3 trục chở container. Trong hơn 2 năm tiến hành cải tạo SMRM, hàng ngàn SMRM 20 feet, 2 trục, 3 trục bị biến thành phế liệu, gây tốn kém hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp vận tải”.
Theo các doanh nghiệp, với toàn bộ số SMRM loại 3 trục phải điều chỉnh, cải tạo với những thủ tục rườm rà, khó khăn, bất tiện, tốn kém cho doanh nghiệp. Thêm nữa, với toàn bộ số SMRM 2 trục bị loại bỏ thành phế liệu, nếu tạm tính, đã lãng phí gần 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc đưa các SMRM vào cải tạo (điều chỉnh chốt kéo hoặc cụm trục) vừa mất nhiều thời gian, do nhiều doanh nghiệp không có năng lực cải tạo được phương tiện SMRM. Số ít doanh nghiệp còn lại có khả năng cải tạo SMRM, luôn nằm trong tình trạng quá tải, doanh nghiệp vận tải phải đăng ký trước, xếp hàng chờ đợi để được đưa phương tiện đi điều chỉnh, cải tạo.
Cũng theo các doanh nghiệp vận tải, điều vô lý là, quy định mới ban hành đã khiến không chỉ các phương tiện SMRM cũ phải điều chỉnh, mà ngay cả các SMRM được đầu tư mới hoàn toàn cũng phải đưa vào điều chỉnh, cải tạo lại mới đủ điều kiện để chở một container có trọng lượng theo tiểu chuẩn quốc tế (30.480kg). Điều đáng tiếc nữa, do các quy định thay đổi quá nhanh và đột ngột, nên các nhà sản xuất SMRM trong nước không kịp sản xuất để cung ứng cho thị trường. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng ngàn thiết bị SMRM từ chủ yếu từ Trung Quốc thay thế cho hàng ngàn SMRM 3 trục, 2 trục buộc phải loại bỏ ngoài mong muốn.
Sức ép từ khách hàng về thời gian giao nhận hàng theo các hợp đồng đã ký buộc các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng kịp thời đầu tư mới loại SMRM 40 feet, 3 trục để vận chuyển các container hàng xuất nhập khẩu đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng.
Các doanh nghiệp vận tải kiến nghị, Bộ Giao thông – Vận tải cần ban hành quyết định dừng cải tạo SMRM, đồng thời, thay đổi cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo kéo SMRM, để vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Bởi thực tế, sau hơn 2 năm tiến hành cải tạo, điều chỉnh phương tiện, thời gian Bộ Giao thông -Vận tải gia hạn lần thứ hai cũng đã hết, nhưng ngành chức năng vẫn đang loay hoay chưa tìm được giải pháp nào phù hợp để cải tạo, điều chỉnh SMRM loại 40 feet chở container 20 feet tiêu chuẩn mà không vi phạm tải trọng trục xe.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải còn đề xuất thay đổi quy định về vé tháng giao thông đường bộ, rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu đường bộ gắn biển báo tải trọng thấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời, có giải pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động…