Rủi ro cạnh tranh của nhà phân phối và bán lẻ

Thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh, tuy nhiên trong giai đoạn này đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa nhà bán buôn và bán lẻ”. Đó là nhận định của ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCP Chứng khoán VietinBank (VietinBankSC).

24-1659

Bán lẻ lấn át bán sỉ

Theo báo cáo của Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam, năm 2015, thị trường công nghệ Việt Nam đã đạt quy mô 154.700 tỷ đồng (tăng 22,6% so với năm 2014). Trong đó, mặt hàng di động có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt 30%. Chỉ số tăng trưởng của ngành phân phối công nghệ trong 5 năm trở lại đây cũng được đánh giá là khá tốt, với mức tăng 15,02%.

Chuỗi giá trị truyền thống ngành phân phối công nghệ tại Việt Nam bao gồm 4 đơn vị chính: Nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và khách hàng. Hàng hóa sẽ được lưu chuyển từ nhà sản xuất tới khách hàng thông qua 2 đơn vị trung gian là nhà bán buôn và bán lẻ.

Tại thị trường Việt Nam, hai nhà bán buôn lớn chính là CTCP Thế Giới Số (DGW) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) cùng sự góp mặt của các nhà bán lẻ đó là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Shop), CTCP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Viễn Thông A… Mặc dù cùng hoạt động trong lĩnh vực phân phối công nghệ, tuy nhiên, vai trò của nhà bán buôn và bán lẻ hoàn toàn khác nhau. Theo ông Đăng, hiện nay các nhà bán lẻ đang bắt đầu tham gia nhập khẩu để phân phối hàng mà không thông qua các nhà phân phối như trước.

Được biết, vào giai đoạn 2005-2006, các doanh nghiệp phân phối có vị thế thị trường rất mạnh. Đặc biệt là Tập đoàn FPT khi tiếp cận được tài chính từ ngân hàng. Với tiềm lực tài chính mạnh, FPT nhập lượng hàng lớn với giá chiết khấu tốt, sau đó xây dựng chiến lược tín dụng thương mại rồi phân phối qua tổng đại lý và các nhà bán lẻ. Với chính sách giá rõ ràng, FPT đã xây dựng từng kênh bán hàng một và đạt được thành công rõ rệt. Tại thời điểm đấy, mô hình công ty phân phối bao trùm thị trường, chiếm lĩnh tương đối trọn vẹn thị trường công nghệ từ các mặt hàng Samsung, Nokia, Motorola…

Tuy nhiên, đến năm 2010 trở lại đây, sức ép bị cạnh tranh tăng lên do các chuỗi bán lẻ. Sự thành công của các chuỗi bán lẻ rất đáng được ghi nhận, mô hình dịch vụ được đóng gói tốt: Tiếp cận khách hàng, gói dịch vụ, trực tiếp làm việc với hãng, tất cả điều này tạo ra sức ép ngược lại với nhà phân phối về giá tốt hơn nữa để tạo biên lợi nhuận gộp tốt hơn. Điều này cũng thể hiện bằng con số khi biên lợi nhuận gộp nhà bán buôn rơi vào khoảng 5%, trong khi nhà bán lẻ là 15% (2010-2015).

Và câu hỏi được đặt ra, điều gì sẽ xảy ra khi các đơn vị trong chuỗi cung ứng lấn sân vai trò của nhau?

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi…thách thức

Mặc dù giữa nhà phân phối và nhà bán lẻ đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt, thế nhưng, thách thức vẫn luôn đặt ra cho cả hai nhà này.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc DGW, cho biết nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đều gặp phải những khó khăn nhất định ở cả hai nhóm sản phẩm. Cụ thể, với nhóm sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường tiêu dùng, nhà bán lẻ có thể phân phối trực tiếp hàng từ hãng, tuy nhiên thời gian nhập hàng sẽ kéo dài dẫn đến khó khăn. Bởi, không phải nhà sản xuất nào cũng có thể phân phối hàng trong một thời gian ngắn. Ngoài việc tốn thời gian, nhà bán lẻ còn chịu nhiều rủi ro khi không thể bán hết hàng cho một khoảng thời gian xác định. Đối với những sản phẩm đặc thù, khó bán hoặc chưa nổi tiếng trên thị trường thì nhà bán buôn lại có vai trò lớn hơn nhà bán lẻ, bởi hàng hóa đến tay người tiêu dùng cần được nghiên cứu thị trường, tổ chức marketing.

Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ gặp nhiều rủi ro về biến động giá, về thay đổi công nghệ, khó xử lý hàng tồn kho khi không thể phân phối cho các chuỗi bán lẻ khác trong khi nhà bán buôn có thể làm được điều này. Nhà bán lẻ ít có khả năng phân phối được các mặt hàng mới trên thị trường do năng lực marketing các nhãn hàng mới thấp.

Ngược lại, khi nhà bán buôn tham gia bán lẻ họ cũng sẽ phải chịu nhiều rủi ro như: Chịu tính cạnh tranh cao, phát triển chuỗi bán lẻ để mở rộng thị phần hay phải chuyển đổi từ mô hình quản lý tập trung sang mô hình quản lý phân tán, đáp ứng yêu cầu quản lý đông số lượng nhân viên và chuỗi cửa hàng.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Phước Cường, Chuyên gia nghiên cứu thị trường công nghệ nhấn mạnh, các mô hình cạnh tranh là tồn tại song song nhau và mãi mãi như thế. Từng giai đoạn, sẽ có sự trội lên của mô hình này thay cho mô hình khác, nhưng sự cạnh tranh vận động lẫn nhau tạo nên sự phát triển. Đồng thời, đối với thị trường công nghệ các nhà kinh doanh nhận thấy cơ hội còn lớn, tốc độ tăng trưởng cao. Do đó, sự cạnh tranh vẫn đang xảy ra là điều tất yếu.

Vai trò của nhà bán buôn vẫn không thể thay thế được do nhà bán buôn đóng vai trò như một nhà tạo lập thị trường kết nối nhà sản xuất và bán lẻ khi tham gia phân phối.

Ánh Hoa
NTD