Ngoài những tập đoàn sản xuất đa quốc gia tại Việt Nam như Samsung, Lotte, LG… xem Việt Nam là thị trường lớn, không ngừng tăng đầu tư mở rộng sản xuất, hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc còn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận dụng lợi thế Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) một cách hiệu quả nhất. Từ đó, một làn sóng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang tăng hiện diện tại Việt Nam, với mục tiêu mở rộng đầu tư sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Đánh giá của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho thấy, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc tăng trưởng mạnh qua từng năm. Và sau gần một năm thực thi VKFTA, dự báo đến cuối năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt trên 40 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, hiện nay Chính phủ Hàn Quốc đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ DN sản xuất trong nước một mặt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thế mạnh (nguyên liệu, linh kiện chất bán dẫn, máy móc, màn hình phẳng, nhựa tổng hợp…).
Mặt khác, tăng cường xuất khẩu hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng (may mặc, gia dụng, thực phẩm chế biến…) của đối tượng DNNVV sản xuất, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ tại Việt Nam. Bởi khi thực thi VKFTA, hai nước đang tối đa hóa đặc quyền kinh tế cho DN hai bên.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), thực hiện cam kết trong VKFTA, phía Hàn Quốc xóa bỏ 11.679 dòng thuế, chiếm tỷ lệ 95,44% trong biểu thuế và chiếm 97,22% tỷ lệ về kim ngạch nhập khẩu. Rất nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được cắt giảm và ưu đãi thuế quan như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới, hàng dệt may, đồng thời cũng mở cửa thị trường cho những sản phẩm “nhạy cảm” (theo phía Hàn Quốc) là tỏi, gừng, mật ong, đậu…
Phía ngược lại, Việt Nam xóa bỏ 8.521 dòng thuế nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 89,15% trong biểu thuế và chiếm 92,72% tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể là nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị điện, điện gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm và hàng hóa khác.
Các tác động kinh tế vi mô của VKFTA là DN hai nước có thêm cơ hội kinh doanh, liên kết, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ. Người dân hai nước có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa, dịch vụ đa dạng, tăng chất lượng cuộc sống. Và các tác động này đã thấy được sau một năm VKFTA đi vào thực thi.
Ghi nhận thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, qua 11 tháng/2016 đã có trên 20 sự kiện xúc tiến thương mại vừa quy mô quốc gia vừa địa phương đã được Chính phủ và các bộ ngành của Hàn Quốc tổ chức, nhằm hỗ trợ DN tiếp cận thị trường Việt Nam.
Theo ông Byun Sang Hyun, chuyên viên Cơ quan Thương mại Kotra Hồ Chí Minh, ngay khi VKFTA có hiệu lực, Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã lên tiếng khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để các DN có thể tận dụng FTA. Và Trung tâm hỗ trợ FTA đã được thành lập với chức năng chính là, xúc tiến vận dụng FTA (xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ DN xuất nhập khẩu, giải quyết các vướng mắc cho DN hai nước.
Ở trong nước, DN Hàn Quốc được hỗ trợ tập trung vào việc quản lý xuất xứ sản xuất của DN (cung cấp miễn phí hệ thống quản lý xuất xứ, xác nhận với bên thứ ba về xuất xứ sản phẩm, tăng uy tín DN), tư vấn FTA phù hợp với từng DN.
Những chính sách hỗ trợ này của Chính phủ Hàn Quốc đã giúp DN (nhất là DNNVV) đạt tỷ lệ vận dụng FTA để xuất khẩu tăng trưởng mạnh (năm 2015 tăng đến 65%, là mức cao nhất trong vòng 15 năm qua).
Các DN Hàn Quốc cũng liên tục đến Việt Nam tìm kiếm thị trường, thông qua hội chợ triển lãm, nhượng quyền thương hiệu, hợp tác kinh doanh… Có thể thấy, DN Hàn Quốc dù là rất nhỏ, sản phẩm sản xuất mang tính truyền thống gia đình (ngành mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm…), hay sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại, quy mô lớn (gia dụng, điện tử, điện máy…) đều được khẳng định về chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng.
Người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng hàng hóa Hàn Quốc. Điều này cho thấy, VKFTA thật sự đã mang đến cho DN Hàn Quốc nhiều cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam.