(TBKTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc ngày 6-2 đã ra thông báo nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm và sản phẩm từ tôm chưa luộc chín hoặc nấu chín, theo Bộ Công Thương.
Theo đó, các sản phẩm được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bao gồm tôm khô và thực phẩm bảo quản lâu dài – tức sản phẩm được cất giữ trong thùng, ngăn, tủ lạnh để sử dụng lâu dài;
Mồi ăn sử dụng trong ngành thủy sản đã được chiếu xạ, thức ăn cho vật nuôi được chế biến từ thủy sản và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản;
Tôm chưa luộc chín hoặc nấu chín được khai thác từ vùng đặc quyền kinh tế của Úc (theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982), nhưng không bao gồm tôm từ vùng này đã được xuất khẩu và được nhập khẩu trở lại Úc sau khi đã được chế biến.
Các sản phẩm nêu trên được dỡ bỏ lệnh cấm là do Bộ nghiệp và Tài nguyên nước Úc cho rằng nguy cơ lây lan virus đốm trắng từ các sản phẩm này là thấp hoặc không có nguy cơ gây nên lây lan.
Lệnh cấm nhập khẩu tôm càng xanh được đưa ra sau khi bùng phát dịch đốm trắng tại các trang trại nuôi tôm phía Đông Nam bang Queensland vào tháng 12-2016. Những người nông dân đã đổ lỗi cho các sản phẩm nhập khẩu chính là nguồn gốc của sự lây lan bệnh dịch này, tuy nhiên chính quyền vẫn chưa xác định được điều đó có đúng hay không. Lệnh cấm có hiệu lực thi hành ngày 9-1-2017. Theo đó, tất cả các lô hàng tôm nhập khẩu mới sẽ bị đình chỉ (rời cảng ở nước ngoài vào hoặc sau ngày 9-1-2017) khi đến Úc sẽ bị yêu cầu phải xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Bên cạnh đó, sản phẩm tôm nhập khẩu quá cảnh sang Úc cũng bị một chế độ kiểm tra và thử nghiệm ngặt.
Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết họ đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về. Thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu đô la.
Hai doanh nghiệp chịu ảnh hưởng này mỗi tháng xuất khẩu sang thị Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng các lô hàng bị trả về, mỗi doanh nghiệp thiệt hại khoảng 1,6-1,8 triệu đô la. Do vậy, các doanh nghiệp đang kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Trong khi đó, ngày 6-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập hội nghị về ngành tôm Việt Nam tại Cà Mau. Thủ tướng chỉ đạo, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 là quá thấp. “Hôm qua, làm việc với Minh Phú (tập đoàn thủy sản) thì riêng Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu 2 tỷ đô la Mỹ. Vậy còn 8 tỷ đô la Mỹ nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỷ đô la Mỹ sớm hơn”, Thủ tướng nói. “Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ đô la Mỹ”.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 28 tỉnh ven biển, đặc biệt là sáu tỉnh trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL cùng 50 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm, đại diện bà con nông dân. |