Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2015 đã có sự sụt giảm. Nhiều nhóm hàng như nông-lâm-thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản… đã giảm tới cả tỷ “đô”.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng Ngành Sản xuất PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 51,7 điểm trong tháng 2 còn 50,7 điểm trong tháng 3, do nhân công giảm và đơn đặt hàng mới yếu hơn.
HSBC đã nhận định về vấn đề xuất khẩu tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam và triển vọng thị trường Việt Nam tháng 4/2015. Theo đó, c
hỉ số PMI mới nhất này cũng đã báo hiệu những mối lo ngại về khả năng bền vững của đà tăng ngành sản xuất. Mặc dù chỉ số toàn phần vẫn trên mức trung bình nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
Chỉ số hàng đầu được quan tâm nhất của HSBC là chỉ số sản lượng (đơn hàng mới trừ đi hàng tồn kho) tiếp tục tăng trong tháng 3 cho thấy mức sản lượng sẽ đạt được trong tương lai, đặc biệt là từ khối đầu tư ngoại. Cạnh tranh về lương sẽ hỗ trợ Việt Nam duy trì dòng vốn FDI đổ vào trong những tháng tới.
Ngược với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước vẫn không thành công trong việc tận dụng nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam. Phân tích biểu đồ cho thấy, mức độ xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hàng quý chỉ dừng chân ở mức 10,6 tỷ USD.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều giảm trong quý I/2015 và quý IV/2014 . Trong quý I/2015, thâm hụt thương mại của các doanh nghiệp trong nước mở rộng ở mức 3,8 tỷ USD so với mức 2,4 tỷ USD trong quý I/2014. Các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm chính cho việc thâm hụt thương mại nói chung của Việt Nam tăng thêm ở mức 1,8 tỷ USD trong quý I/2015. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại có mức tăng thặng dư thương mại từ 2 tỷ USD trong quý I/2014 lên 3,5 tỷ USD trong quý I.2015.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu đang mất hàng tỷ “đô”
Nhận định về tình hình xuất khẩu trong quý I/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ vào số liệu thống kê trong quý I/2015 xuất khẩu của Việt Nam có sự suy giảm trong một số nhóm hàng, đặc biệt là nhóm hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó một số mặt hàng rất lớn của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su đều có sự suy giảm với mức độ trên dưới 30%.
Tính chung nhóm mặt hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu trong quý I/2015, suy giảm làm mất đi khoảng hơn 500 triệu USD. Bên cạnh đó, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng suy giảm đáng kể cả về khối lượng lẫn giá xuất khẩu và mức suy giảm làm Việt Nam mất đi hơn 1 tỷ USD.
Mặt hàng thủy sản, thiệt hại rất lớn do Mỹ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức cao
Xuất khẩu nhỏ giọt: lại phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã nêu ra một số nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu các nhóm hàng trên. Thứ nhất, trong năm 2015, áp lực cân đối cung-cầu trên thị trường thế giới, nhất là các mặt hàng nông sản, tiếp tục có diễn biến khó khăn cho hàng xuất khẩu của chúng ta, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, cà phê… Nguồn cung trong quý I trên thị trường thế giới có gia tăng dẫn đến áp lực cho các mặt hàng của Việt Nam cạnh tranh với các nước khác.
Thứ hai, giá cả của các mặt hàng như nhiên liệu, khoáng sản có sự sụt giảm đáng kể. Ví dụ dầu thô suy giảm rất lớn cuối 2015, đầu 2015 dẫn đến mặc dù lượng xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản tăng nhưng không bù nổi phần giá suy giảm.
Đi vào cụ thể một số mặt hàng như gạo, cà phê, cao su… thì thị trường Trung Quốc trong quý I có những diễn biến tương đối bất thường, việc nhập khẩu gạo và nông sản bị suy giảm. Qua phân tích, đánh giá có thể thấy chính sách vĩ mô điều hành của nước láng giềng có những thay đổi, ví dụ cấp hạn ngạch cho nhập khẩu gạo diễn ra rất nhỏ giọt, rất chậm dẫn đến các mặt hàng gạo, ngoài gạo xuất khẩu vào nước láng giềng suy giảm tới 30%.
Một số thị trường truyền thống ở ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia lượng hàng nhập khẩu không có những hợp đồng lớn cho quý I/2015. Điều này khác với những năm trước Việt Nam có những hợp đồng lớn của năm trước chuyển sang quý I của năm tiếp theo. Vì vậy lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu giảm rất lớn. Một số mặt hàng khác, ví dụ mặt hàng thủy sản, thiệt hại rất lớn do Mỹ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp của chúng ta.
Một số vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng USD có xu hướng mạnh lên so với một số đồng tiền khác như Euro làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường.
Vì vậy tựu chung lại, trong quý I/201,5 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 6,9% trong khi kế hoạch của Chính phủ đăng ký với Quốc hội là 10%.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, vấn đề liên quan đến thị trường nông sản tiếp tục gặp khó khăn là do cung cầu trên thế giới áp lực lớn đến Việt Nam, khi các nước xuất khẩu khác như Thái Lan với kho dự trữ gạo rất lớn đang tìm cách tiêu thụ và đẩy ra thị trường thế giới làm giá trên thị trường thế giới giảm sâu, nhất là những mặt hàng như gạo của Việt Nam.
Đinh Bách
Theo VnMedia