Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng
Ga Yên Viên (Hà Nội) được Công ty Logistics đường sắt (ITL) đề nghị đầu tư cải tạo và xây dựng kho bãi hàng. |
Tại buổi ký kết hợp tác phát triển hạ tầng giao thông mới đây giữa Bộ GTVT với Tập đoàn Phát triển công cộng Ý -Thái (ITD) của Thái Lan, ông Premchai Karnasuta, Chủ tịch Tập đoàn đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Hạ Long – Móng Cái theo hình thức BOT; đồng thời đầu tư cảng cạn tại huyện Gia Lâm để tăng hiệu quả khai thác hai tuyến đường sắt trên.
ITD đang triển khai xây dựng và khai thác hiệu quả các dự án đường sắt tương tự tại Thái Lan và Myanma. Theo đề xuất của ITD, nhà đầu tư này dự toán sẽ đầu tư khoảng 800 triệu USD để xây dựng kho bãi và tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng trong thời gian khoảng 20 – 30 tháng, đồng thời sẽ hoàn vốn trong 22 năm. Nếu được triển khai, trong thời gian xây dựng tuyến đường sắt mới, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ vẫn hoạt động đến khi tuyến mới hoàn thành. Riêng tuyến đường sắt Hạ Long – Móng Cái có dự toán đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Liên doanh Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) và Công ty Logistics (ITL) cũng đang rất quan tâm việc đầu tư cải tạo và xây dựng kho bãi hàng tại ga Yên Viên. Giám đốc ITL Bùi Quang Liên cho biết: Doanh nghiệp đã soạn thảo đề án xây dựng Trung tâm logistics đường sắt tại ga Yên Viên. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ đầu tư cải tạo ngay, với mục tiêu cuối cùng nhằm tăng tần suất chạy tàu dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt thông qua các ga phía Bắc hiện nay. Vì khi hoàn thiện hạ tầng kho bãi, sẽ nâng cao được năng lực xếp dỡ container và hàng hóa, giúp giảm giá thành vận chuyển trọn gói thông qua kết hợp liên vận đường sắt – đường bộ – đường biển, từ đó giảm tải cho đường bộ và đem lại lợi ích cho xã hội.
Chưa hết, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, một doanh nghiệp đường bộ lớn của ngành GTVT cũng đang đề nghị Bộ GTVT cho phép chuyển quyền khai thác các công trình trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng hoặc Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, nhằm nâng cấp hạ tầng theo hướng gia tăng giá trị dịch vụ, chất lượng cao…
Cơ chế hỗ trợ
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư đèo Cả, Hồ Minh Hoàng cũng chia sẻ: Mô hình phù hợp nhất hiện nay đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt là triển khai theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước có thể hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở, còn các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống nhà ga, trang thiết bị khai thác, vận tải phụ trợ…
Riêng đối với các dự án thuộc nhóm chuyển quyền khai thác tuyến đường sắt và các công trình trên tuyến sẽ tùy mức độ chuyển nhượng để nhà đầu tư có thể được quyền khai thác trong thời gian nhất định và chịu trách nhiệm bảo trì kết cấu hạ tầng. Các dự án xây dựng đường sắt mới sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc BOT, trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ thuế, phí, lãi vay và tỷ giá…
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, Nhà nước nên trực tiếp đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ chạy tàu, còn các doanh nghiệp sẽ đầu tư các hạng mục nhà ga, kho, đường ke, bãi hàng và các dịch vụ hỗ trợ, chuyển liên vận…
Tiến Hiếu
Theo Baotintuc