Hàng loạt các vấn đề nóng về khai thác cảng biển, rút ngắn thời gian chờ tàu và bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển đã được các doanh nghiệp đối chất với cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp nhận và nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các cảng biển hoạt động hiệu quả.
Hàng hóa “chết chìm” trên tàu
Tại Hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển, rút ngắn thời gian chờ tàu và bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển được tổ chức vào hôm nay (9/4) tại Hải Phòng, ông Bùi Thiên Thu cho biết, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), nước ta có tỷ lệ lượng hàng hóa tăng trưởng rất cao, (tới 18%) trong đó, hàng rời là 5,6%. Cơ cấu vận tải tàu container sau 10 năm có tỷ lệ % trọng tải tàu tăng gấp đối.
Đặc biệt, thời gian tàu chờ tại các cảng biển đã có sự giảm rõ rệt qua con số tàu chờ từ 5-9 ngày năm 2006. Năm 2011, tàu hàng chờ giảm còn 2,5-5 ngày. Năm 2013 tàu chờ chỉ còn 1,5 ngày.
Chỉ ra các yếu tố ảnh hướng đến việc chờ tàu và bốc dỡ, giải phóng hàng bị chậm, ông Bùi Thiên Thu đưa ra nguyên nhân, cơ sở hạ tầng bến bãi, thiết bị, nhân lực, công nghệ bốc xếp, yếu tố thời tiết, chủng loại hàng hóa, hạ tầng kết nối với các loại hình, phương thức vận tải khác, thủ tục hành chính… là yếu tố then chốt trong việc rút ngắn và nâng cao năng lực bốc, xếp dỡ hàng hóa.
“Trang thiết bị bốc xếp, công nghệ quản lý khai thác cảng còn lạc hậu, năng suất bốc dỡ hàng hóa thấp, hầu hết vẫn sử dụng các thiết bị bốc xếp thông thường; quản lý điều hành quá trình bốc xếp, bảo quản, giao nhận hàng hóa với kỹ thuật công nghệ lạc hậu. Bình quân năng suất xếp dỡ hàng tổng hợp 2.000-3.000 tấn/m cầu, hàng container 12-25 thùng/cầu-giờ bằng khoảng 50-60% năng suất chung của thế giới,” vị lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ông Bùi Thiên Thu cũng tiết lộ vẫn còn có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh tại cảng biển như giảm giá bốc xếp hàng hóa dưới giá thành. Hàng hóa tồn đọng với số lượng ngày càng nhiều, tính chất ngày cảng phức tạp và thời gian tồn đọng lâu gây khó khăn, thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp các biển, hãng tàu, lãng phí tài sản cho Nhà nước và làm ô nhiễm môi trường.
Được tham luận, nhiều đơn vị vận tải biển bày tỏ quan điểm bức xúc trước yếu kém về cơ sở hạ tầng do quy hoạch của cảng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tìm đủ cách chống đỡ khi hàng hóa không được bốc, xếp phải “chết chìm” trên tàu.
Theo đại diện Công ty vận tải biển Trung Hải, doanh nghiệp bị giảm năng lực vận chuyển hàng hóa tới 15% chỉ vì năng lực bốc xếp do chủ hàng không bố trí được xe tháo dỡ, cảng không có kho bãi để lưu giữ nên ảnh hưởng đến năng lực tháo dỡ hàng hóa, giải phóng cho tàu.
“Doanh nghiệp vận tải biển nhanh nhất cũng phải tới một tháng mới quay vòng chở hàng được do vướng nhiều thủ tục về cấp lệnh hàng, hải quan, kiểm dịch hàng hóa… và kho bãi lưu giữ, cầu tàu của cảng biển. Do đó, nếu tàu nằm kho, doanh nghiệp vận tải ‘ngậm đắng nuốt cay’,” đại diện Công ty vận tải biển Trung Hải thành thật.
Rà soát, gỡ cách bốc, dỡ hàng
Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị cảng biển cũng cho rằng, quá trình vận chuyển hàng hóa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, luồng lạch, khả năng kết nối đa phương thức vận tải.
Theo báo cáo của đại diện Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, hàng qua khu vực tăng nhanh từ 10-15%, ít trường hợp cảng bị quá tải. Tuy nhiên, lượng hàng thường có tình trạng phân bố không đồng đều trong năm.
“Cảng biển nước ta đa phần là nằm dọc bờ sông, lượng hàng hóa rút từ tàu đến xuất đi là nhiều. Quá trình vận chuyển hàng hóa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, con nước nên yếu tố khách quan là phải ‘bám’ rất nhiều vào đường bộ. Lượng xe tập trung nhiều để giải tỏa hàng biển sẽ gây áp lực đến giao thông đường bộ thành phố, trong khi chưa thiết lập được tuyến giao thông riêng cho cảng. Vận tải đường sắt khối lượng lớn chưa được kết nối đến các cảng biển khiến khả năng vận tải hàng hóa chưa đạt hết công suất,” vị đại diện này nói.
Trả lời những vướng mắc của đơn vị cảng Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đánh giá thẳng thắn, quy trình bốc dỡ hàng hóa số lượng người tại cảng Hải Phòng là 11 người/lô hàng (cao gấp gần 4 lần so với công ty cổ phần bên ngoài).
“Cách sắp xếp khu vực hàng phải thật khoa học, những thủ tục giao hàng cũng phải rà lại xem đã hợp lý chưa? Việc tìm các giải pháp để rút ngắn thời gian bốc xếp hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp vận tải nội địa hoạt động hiệu quả nói riêng và hệ thống cảng biển nói chung,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét lại quy hoạch cảng để xem xét tối đa năng lực của các cảng hiện có. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, giao thông kết nối thực sự là tác động hết sức quan trọng, ảnh hướng rất lớn đến lưu thông bốc dỡ hàng hóa, là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến bốc dỡ hàng hóa cảng.
“Tháng Tám tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Thông tư về trình tự thủ tục khai báo điện tử tàu rời biển, tàu cập bến, tiến tới làm thủ tục vào rời cảng thủy nội địa kể cả tàu biển và phương tiện thủy nội địa,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu đối với cảng mới khi phê duyệt cho phép xây cảng, phải xem xét yếu tố tiếp nhận tàu biển phải đi đôi với việc xây dựng các công trình phụ để tiếp nhận xà lan, phương tiện thủy; Vụ kết cấu hạ tầng bổ sung lại về công bố cảng biển; bản thân các doanh nghiệp khai thác cảng phải rà lại các thủ tục trong nội bộ của mình để các giấy tờ liên quan đến hàng hóa vào cảng xếp lên tàu hoặc ngược lại cho phương tiện vận tải nhận hàng một cách nhanh nhất…/
Theo Vietnam+