Quy tắc xuất xứ là gì ?

Quy tắc xuất xứ là gì? Vai trò của quy tắc xuất xứ?

Các khu vực thương mại tự do được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại bằng cách cắt giảm thuế đối với những mặt hàng xuất xứ từ các nước thành viên. Tuy nhiên tự do hóa không diễn ra tự động vì việc cắt giảm thuế còn phụ thuộc vào việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Quy tắc xuất xứ (ROO) áp dụng cho hàng nhập khẩu nhằm các mục đích sau:

– Xác định hàng hoá nhập khẩu thuộc diện được hưởng ưu đãi thương mại (như ưu đãi thuế quan, các biện pháp phi thuế quan…);

– Để thực thi các biện pháp hoặc công cụ thương mại, như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ… (đối với hàng hoá có xuất xứ từ một số nước nhất định là đối tượng của các biện pháp và công cụ thương mại này);

– Để phục vụ công tác thống kê thương mại (như xác định lượng nhập khẩu và trị giá nhập khẩu từ từng nguồn khác nhau);

– Để phục vụ việc thực thi các quy định pháp luật về nhãn và ghi nhãn hàng hoá;

– Để phục vụ các hoạt động mua sắm của chính phủ theo quy định của pháp luật quốc gia đó và pháp luật quốc tế.

Quy tắc xuất xứ nhằm xác định sự hợp lệ của hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế ưu đãi. Nếu không có quy tắc xuất xứ, hiện tượng thương mại chệch hướng (trade deflection) sẽ rất khó ngăn chặn được khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA sẽ vào khu vực FTA thông qua nước thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA.

Quy tắc xuất xứ không chỉ là một công cụ kỹ thuật để thực thi FTA mà còn là một công cụ chính sách thương mại. Tuy nhiên, điều này có thể làm tăng chi phí tuân thủ mà các doanh nghiệp phải gánh chịu dưới hình thức giấy tờ và chi phí kế toán.

Các loại quy tắc xuất xứ?

Các loại quy tắc xuất xứ đều dựa trên hai tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa: tiêu chí xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained) và tiêu chí chuyển đổi cơ bản (Substantial Transformation).

Tiêu chí xuất xứ thuần túy quy định hàng hóa sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ một nước thành viên xuất khẩu duy nhất (xuất xứ nội địa hoàn toàn) được xác định có xuất xứ.

Tiêu chí chuyển đổi cơ bản xác định hàng hóa xuất xứ trong trường hợp quá trình chuyển đổi xảy ra tại một quốc gia hoặc khu vực. Việc xác định nguồn gốc khá phức tạp vì các bộ phận, phụ tùng của sản phẩm sản xuất tại nhiều quốc gia hoặc có nguyên vật liệu đầu vào không rõ xuất xứ.

Quy tắc xuất xứ là gì

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên, bao gồm các loại sau:– Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng

– Động vật sống

– Sản phẩm thu được từ động vật sống

– Sản phẩm thu được từ săn bắn, nuôi trồng, thu lượm

– Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên

– Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển

– Sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu

– Sản phẩm khai thác từ đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

– Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất và tiêu dùng

– Sản phẩm thu được hoặc được sản xuất từ các loại hàng hóa kể trên.

Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ

Hàng hoá có xuất xứ không thuần túy được coi là có xuất xứ khi đáp ứng các tiêu chí: Tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hoá hoặc tiêu chí mặt hàng cụ thể. Các nhà xuất khẩu hàng hoá được quyền lựa chọn sử dụng một trong các tiêu chí này để xác định xuất xứ hàng hoá, cụ thể:

– Tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực

Tùy từng hiệp định FTA sẽ quy định tỷ lệ hàm lượng giá trị khu vực khác nhau, tỷ lệ này được tính theo một trong hai phương pháp sau:

Quy tắc xuất xứ là gì

Trong đó:

– Chi phí nguyên liệu có xuất xứ: trị giá nguyên liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa có xuất xứ do nhà sản xuất mua hoặc tự sản xuất.

– Chi phí nhân công: gồm lương, thù lao và các khoản phúc lợi khác

– Chi phí sản xuất: toàn bộ các chi phí chung được phân bổ trong quá trình sản xuất

– Chi phí khác: chi phí phát sinh trong quá trình vận tải để xuất khẩu (chẳng hạn chi phí vận tải nội địa, chi phí lưu kho, bốc dỡ hàng tại cảng, phí mô giới, phí dịch vụ…)

– FOB: Trị giá của hàng hóa sau khi được giao qua lan can tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa tới cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến.

– Chi phí nguyên vật liệu không có xuất xứ: (i) Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu của hàng hoá hoặc thời điểm nhập khẩu được chứng minh; hoặc (ii) Giá xác định ban đầu trả cho hàng hoá không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của quốc gia thành viên nơi diễn ra hoạt động sản xuất hoặc chế biến.

– Tiêu chí chuyển đổi mã hàng hóa (Change in Tariff Classification – CTC)

Tiêu chí CTC chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ. Để đáp ứng tiêu chí này, nguyên liệu hoặc phụ tùng không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải khác mã số hàng hóa (mã HS) của sản phẩm cuối cùng. Tiêu chí CTC được đưa ra nhằm đảm bảo các nguyên liệu không có xuất xứ trải qua công đoạn chuyển đổi trên lãnh thổ FTA để chứng minh hàng hóa được sản xuất trong lãnh thổ FTA.

– Tiêu chí mặt hàng cụ thể:

Tùy vào từng hiệp định FTA sẽ quy định về quy tắc xuất xứ cụ thể cho một số mặt hàng nhất định. Các quy tắc này quy định một quy trình hàng hóa cần phải trải qua để được coi là có xuất xứ.

Ngoài ra, còn có những quy tắc khác để xác định xuất xứ hàng hóa như: quy tắc cộng gộp, nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế nhau; bao bì và vật liệu đóng gói; vận chuyển trực tiếp; các yếu tố trung gian. Trong đó, trường hợp hàng hoá có tỷ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng được tiêu chí CTC (trường hợp De Minimis) được quy định khá chi tiết và cụ thể. Quy tắc xác định De Minimis được quy định trong từng hiệp định FTA.

Tham khảo khóa học “CHUYÊN VIÊN XUẤT NHẬP KHẨU” tại Trung Tâm TDGroup: http://tdgroup.edu.vn/khoa-hoc-chuyen-vien-xuat-nhap-khau-thuc-te/

Nguồn: Biên tập và Tồng hợp – MV
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tập huấn về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ công chức của dự án BWTO
Một số nội dung về quy tắc xuất xứ trong TPP của Tạp chí Kinh tế Đối ngoại số 55
WTO, Hiệp định về Quy tắc xuất xứ (Agreement on Rules
MUTRAP 2011, Báo cáo đánh giá tác động của quy tắc xuất xứ trong các Hiệp đinh thương mại tự do của Việt Nam, Hà Nội.
Quy tắc xuất xứ của khu vực thương mại tự do ASEAN – ThS. Lê Minh Tiến, Khoa pháp luật quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội.
L
àm thế nào để khai thác cơ hội từ các FTA – Dự án Nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập kinh tế quốc tế, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế.
Trang thông tin: trungtamwto.vn
Trang thông tin: ibla.org.vn