Nghịch lý trong lĩnh vực vận tải

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải vừa có buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tập trung vào những vướng mắc, bất cập, đặc biệt về cơ chế, chính sách. Thực tế, nhiều nghịch lý của ngành vận tải đã tồn tại lâu nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nguyên nhân không chỉ do cơ chế, chính sách mà bản thân doanh nghiệp cũng chưa năng động, bắt nhịp với xu thế mới, thậm chí còn có kiểu làm ăn chụp giật…

Vận tải biển, nguy cơ thua trên “sân nhà”

Mấy năm gần đây, doanh nghiệp vận tải biển trong nước phần lớn gặp nhiều khó khăn. Đại diện Hiệp hội Vận tải Đoàn kết An Lư (Hải Phòng) cho biết, khó khăn của vận tải biển đã kéo dài 5-6 năm nay, chủ yếu do ảnh hưởng khách quan khi nhu cầu thị trường suy giảm. Trong điều kiện đó, các chủ tàu rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị giảm thuế VAT cho doanh nghiệp vận tải biển từ 10% xuống 5% nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Doanh nghiệp vận tải biển hiện chủ yếu đáp ứng thị trường nội địa và một số khu vực như Đông Nam Á, Đông Á, trong khi đó, khu vực châu Âu, Bắc Mỹ đang “khoán trắng” cho doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, trong khi doanh nghiệp nội khó khăn, thu không đủ chi, thì chủ tàu nước ngoài lại không ngừng ép giá, đẩy cước, phí lên cao bất hợp lý. Theo phản ảnh của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giữa năm 2014 đến nay, cước, phí cho một công-ten-nơ xuất khẩu đi Hoa Kỳ và Ca-na-đa đã tăng từ 2.300USD lên 3.900USD. Bên cạnh cước tăng cao, tình trạng lạm thu các loại phụ cước cũng gây nhiều bức xúc. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhìn nhận, tình trạng này đã được nói đến nhiều nhưng chưa có giải pháp dứt điểm, có những loại phụ cước theo thông lệ quốc tế nhưng có loại chỉ thấy ở ViệtNam, một phần nguyên nhân vì năng lực vận tải biển của nước ta còn yếu.

 vận tải
Nhiều doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển gặp khó khăn do cước phí còn bất cập (trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải Phòng). Ảnh: TRUNG THÀNH. 

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nội, hạn chế biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh của thị trường vận tải biển đang là yêu cầu bức thiết. Khi “sức khỏe” doanh nghiệp còn yếu thì không chỉ đơn vị vận tải mà cả chủ hàng trong nước cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Ngay cả các cảng biển tại Việt Nam cũng phải chịu cảnh ép giá. Tại những địa phương có cảng biển như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, vì cạnh tranh, thu hút khách nên doanh nghiệp quản lý, khai thác cảng phải hạ cước, phí nhiều loại dịch vụ, đặc biệt là phí bốc xếp hàng hóa. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, bộ đã nhiều lần họp bàn cũng như đưa ra một số giải pháp để khắc phục những bất cập về cước, phí trong lĩnh vực hàng hải ở nước ta, Luật Hàng hải Việt Nam hiện nay đang được sửa đổi sẽ cụ thể hóa bằng những quy định để kiểm soát, công khai cước của bất cứ hãng tàu nước ngoài nào hoạt động tại Việt Nam. Trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ thanh tra các nhóm doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, từ đó có thể xem xét một công-ten-nơ vào cảng phải nộp những loại cước phí gì, thủ tục ra sao, có doanh nghiệp nào lợi dụng vị thế để cạnh tranh không lành mạnh hay không.

Doanh nghiệp kêu khó vì không được chở quá tải

Khi tình trạng chở hàng quá tải bước đầu được kiểm soát, đặc biệt là với những giải pháp quyết liệt từ năm 2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải bộc lộ khó khăn, lúng túng. So sánh một chiếc xe loại Howo (hay còn gọi là xe “hổ vồ” của Trung Quốc) trước đây chở đến 20m3 vật liệu xây dựng, hiện nay chỉ được phép chở 6-8m3, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nam bày tỏ: Đây thật sự là khó khăn của doanh nghiệp, là vấn đề “nóng” trên địa bàn hiện nay. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, chở đúng tải trong khi quãng đường vận chuyển xa, chi phí đội lên cao, doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, trước đây có hiện tượng buông lỏng quản lý, cho nhập các loại xe tải trọng từ 5 đến 10 tấn, sau đó lại cơi nới thùng, dùng bánh to… để chở quá tải. Lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ quan điểm kiên quyết xử lý, không để xe quá tải gây hư hỏng đường sá, đồng thời sẽ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện là giải pháp cần kíp để bảo vệ hạ tầng giao thông, được dư luận xã hội đồng thuận. Vì vậy, giải pháp bền vững, lâu dài cho doanh nghiệp vận tải đường bộ là phải thay đổi cách thức kinh doanh, đưa giá cước về đúng với giá trị thật. Đây cũng là điều kiện để lành mạnh hóa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực vận tải. Bên cạnh đó, đại diện một số hiệp hội vận tải hàng hóa cũng đề nghị, cùng với xử phạt chủ xe, lái xe, đơn vị bốc xếp hàng hóa, cần phải xử lý cả chủ hàng bởi đây là đối tượng có thể tác động, gây ảnh hưởng đến việc chở quá tải. Ngoài ra, hiện mức phạt đối với đơn vị xếp dỡ hàng hóa vi phạm xếp hàng quá tải trọng lên phương tiện rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/15 so với chủ xe. Vì vậy, cần phải bình đẳng trong xử lý vi phạm giữa các đối tượng chủ xe, lái xe, người xếp dỡ và chủ hàng, mới góp phần “triệt” tận gốc tình trạng chở hàng quá tải.

MẠNH HƯNG