Hàng loạt tàu của Triều Tiên hoạt động chui để chở vũ khí đã bị phát hiện tại cảng biển nhiều nước.
Tịch thu vũ khí lậu trên tàu
Hôm 25/2, Ban Chuyên gia của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tại Triều Tiên công bố bản báo cáo dài 76 trang tố cáo Công ty Quản lý Hàng hải Đại dương (OMM) của Triều Tiên đang nằm trong danh sách cấm của LHQ đã thay tên một số tàu thuyền nhằm che giấu nguồn gốc để vận chuyển hàng “chui”.
LHQ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Công ty OMM vào tháng 7/2014, sau một năm kể từ khi xảy ra sự việc tàu của hãng này bị bắt vì chở vũ khí cấm.
Trước đó, tháng 7/2013, OMM đã sắp xếp một lô hàng lậu trên con tàu Chongchongang. Sau đó, con tàu này đã bị giới chức Panama chặn lại vì nghi ngờ chở thuốc phiện. Tại đây, người ta phát hiện rất nhiều vũ khí trong đó có hai chiến đấu cơ MiG-21 – Bis, 15 động cơ MiG, 9 tên lửa, một hệ thống tên lửa chống máy bay được giấu dưới hàng tấn đường nâu Cuba.
Phía Triều Tiên cho biết, số vũ khí này được chuyển về Triều Tiên sau khi sửa chữa xong. Sự việc gây ra tranh cãi không ít giữa Triều Tiên, Cuba và Panama tại thời điểm đó. Ban đầu Panama phạt Triều Tiên 1 triệu USD; tuy nhiên sau đó đã giảm bớt tiền phạt. Tháng 2/2014, Triều Tiên nộp 666.666 USD tiền phạt vì chở hàng ngoài đăng ký, con tàu bị giam giữ tại Panama đã được thả về Cuba. Cuối tháng 6/2014, bồi thẩm đoàn của Panama tuyên trắng án đối với ba thành viên thủy thủ đoàn trong đó có thuyền trưởng và được trả tự do sau đó một tháng. Tuy nhiên, tất cả lô vũ khí trên tàu đều bị tịch thu.
Trở lại vấn đề vi phạm lệnh trừng phạt của OMM, bà Samantha Power – Đại sứ Mỹ tại LHQ cho biết, OMM bị áp lệnh phong tỏa tài sản toàn cầu, đồng nghĩa, công ty này không được phép hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, 12 con tàu của hãng này vẫn di chuyển và bị bắt gặp tại nhiều cảng biển trên thế giới.
Cách thức để các tàu thuyền của OMM hoạt động chui là nhượng quyền quản lý 13-14 tàu thuyền của họ cho các công ty khác để thực hiện các thương vụ ngầm dưới danh các công ty đó. Theo quan sát của giới chuyên gia, dù bị cấm vận, OMM vẫn hợp tác cùng với nhiều cá nhân, tổ chức tại ít nhất 10 nước như: Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, Malaysia, Peru, Nga, Singapore, Thái Lan và hoạt động chui lủi.
Giới chức ngoại giao, tình báo, thương mại giúp sức
Trong báo cáo, Ban chuyên gia của Hội đồng Bảo an LHQ tại Triều Tiên đề nghị Ủy ban trừng phạt của LHQ đưa vào danh sách đen 34 công ty “ma” của OMM trong đó có Tập đoàn Vận tải Chongchongang, Công ty Vận tải Amnokgang, Công ty vận tải Biryugang.
Đồng thời, Ban chuyên gia này cũng đề nghị trừng phạt Phó Chủ tịch OMM – ông Choe Chol Ho, Chủ tịch Tập đoàn Vận tải Chongchongang – Kim Ryong Chol, ba Giám đốc của Chongchongang. Các chuyên gia LHQ cho biết, các nhà ngoại giao, giới chức và đại diện thương mại của Triều Tiên có vai trò đặc biệt trong các thỏa thuận thương mại tên lửa và vũ khí bất hợp pháp, chuyển khoản quỹ bất hợp pháp, theo Reuters.
Bên cạnh đó, Ban chuyên gia còn tiết lộ, cơ quan tình báo Triều Tiên dính líu tới những hoạt động chuyển tiền mua bán vũ khí. Lý giải về lập luận này, ban chuyên gia cho biết, các điệp viên đến từ Tổng cục Tình báo Triều Tiên (RGB) từng làm việc tại các tổ chức quốc tế, đã và đang lợi dụng vị trí của họ để hỗ trợ một số hoạt động nhằm né các lệnh trừng phạt.
Điển hình, ông Kim Yong Nam, một quan chức trong RGB “ẩn mình” dưới vị trí của nhân viên tại Tổ chức Khoa học và Văn hóa của LHQ tại Paris bị Chính phủ Pháp phong tỏa tài sản. Cùng lúc, con trai ông – Kim Su Gwang, nhân viên RGB, làm việc trong Tổ chức Lương thực Thế giới của LHQ và con gái ông – cô Kim Su Gyong đang làm việc tại Ngân hàng Phát triển Thống nhất Triều Tiên cũng bị áp lệnh trừng phạt tương tự vì thực hiện các hoạt động tài chính dưới chức danh giả nhằm che giấu hành vi trái lệnh trừng phạt của LHQ.
Vân Trang
Theo Baogiaothong