Năm 2014 là năm ngành hàng hải Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt có những sự kiện “xưa nay chưa từng có”, cả ở những thành tựu cũng như những sự cố hy hữu.
1. Hàng chục nghìn tỉ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển
Sự kiện có ý nghĩa rất lớn là việc Chính phủ quyết định ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực từ ngày 25.8. Theo đó, lần đầu tiên, ngoài việc ngư dân được vay vốn đến 90% để đóng tàu vỏ thép (lãi suất 1%/năm, năm đầu tiên không tính lãi); đóng tàu vỏ gỗ được vay vốn 70% (trả lãi 3%/năm, năm đầu tiên không tính lãi, thời hạn đến 11 năm), ngư dân còn có thể sử dụng chính con tàu là tài sản để thế chấp vay vốn. Riêng các tàu dịch vụ cung ứng lương thực, nhiên liệu cho các tàu cá xa bờ, Chính phủ sẽ hỗ trợ mỗi năm khoảng 10 chuyến (mỗi chuyến ra khơi trở về được hỗ trợ từ 40 – 60 triệu đồng). Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, đào tạo kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa tàu cá; mua bảo hiểm thuyền viên, ngư lưới cụ, trang thiết bị liên lạc. Tùy theo công suất của tàu cá, ngư dân được hỗ trợ đến 90% tiền mua bảo hiểm thân tàu. Tổng số tàu cá vỏ sắt được phân bổ đóng mới theo nghị định này là hơn 2.000 tàu. Trước đó, NHNN đã công bố gói tín dụng 10.000 tỉ đồng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt sẵn sàng giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Ninh, việc ban hành chính sách ưu tiên phát triển nghề cá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó không những hỗ trợ gỡ khó kịp thời cho ngư dân trong điều kiện nguồn lợi hải sản ngày càng khó khăn mà có ý nghĩa lớn trong việc giúp ngư dân vươn khơi bám biển góp phần giữ vững biên giới trên biển của tổ quốc.
2. Hơn 370 triệu tấn hàng hoá thông qua các cảng biển
Năm 2014, thống kê cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển VN ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng container đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013 và là năm đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN – ông Nguyễn Nhật – lượng hàng thông qua Nhóm cảng biển số 1 tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 120,3 triệu tấn, tăng 13% (chiếm 33% của cả nước). Nhóm cảng biển số 5 đạt 162 triệu tấn, tăng 14% (chiếm 44%). Sản lượng container khu vực Hải Phòng đạt 3,36 triệu TEUs, tăng 20,3%. Khu vực TP.Hồ Chí Minh đạt 4,98 triệu TEUs, tăng 14,8%. Một trong những khu vực có lượng hàng tăng trưởng cao nhất là Hà Tĩnh, đạt 4,09 triệu tấn, tăng 33%.
Sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2015 theo quy hoạch được duyệt là 410 triệu tấn. Như vậy, lượng hàng năm 2014 đã đạt 90% so với quy hoạch. Đây cũng là con số tăng trưởng trong một năm từ xưa tới nay chưa từng có.
3. Công ty tư nhân trục vớt thành công ụ nổi khổng lồ
Ụ nổi HOW-YU 01 và ụ nổi Tanhan 08 là hai ụ chuyên dụng khổng lồ của Tập đoàn HOW-YU (Đài Loan – Trung Quốc). Đây là 2 ụ nổi “khổng lồ” do Đài Loan sản xuất. Mỗi ụ nặng 8.600 tấn, có thể chở 2 giếng chìm bêtông lớn, mỗi giếng nặng 4.500 tấn.
Trong quá trình thi công, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và địa hình phức tạp, 2 ụ nổi trên đã bị sóng đánh chìm, ụ HOW-YU 01 bị đánh chìm tháng 2, ụ Tanhan 08 bị đánh chìm vào tháng 6.
Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng (Hải Phòng) đã tự tin đảm nhận công việc kiếm triệu đô nhưng khó nhằn trên. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, lựa chọn phương án hiệu quả, ụ HOW-YU 01 đã được đánh nổi sau 7 ngày và trục vớt thành công trong 10 ngày, sớm hơn so với hợp đồng cam kết. Vừa tiến hành sửa chữa, nhà thầu vừa đúc các khối bêtông khổng lồ trên ụ. Sau 4 tháng, ngày 15.8.2014, Công ty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng chính thức vận hành thử tải thành công và bàn giao ụ nổi cho chủ phương tiện tiếp tục khai thác. Tương tự, ụ Tanhan 08 bị sóng đánh chìm ở độ sâu 30m cũng đã được Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng trục vớt thành công.
Ông Kuo Lai Kun – Tổng Giám đốc đại diện Tập đoàn HOW-YU tại Việt Nam – đánh giá cao năng lực và thương hiệu của Công ty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng: “Tôi rất khâm phục ý chí, trí tuệ và bản lĩnh của người thợ Việt Nam trong sự việc này. Thành công của Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng (Hải Phòng) trong việc trục vớt và sửa chữa thành công 2 ụ nổi khổng lồ bị chìm tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) là điểm sáng của ngành hàng hải năm 2014. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa lớn với đơn vị, mà còn có ý nghĩa đối với hướng phát triển mới của ngành hàng hải khi một công ty tư nhân có thể đảm nhận và thực hiện thành công một việc những tưởng chỉ có doanh nghiệp lớn của Nhà nước hay công ty nước ngoài mới thực hiện được. Thành công này cũng minh chứng sự hiệu quả trong việc xã hội hoá ngành hàng hải – một hướng đi mới và cần thiết.
4. Hai lần bị cướp biển… hỏi thăm
Cướp biển ở vùng biển Đông Nam Á và với tàu Việt Nam trong năm 2014 lại là chuyện “xưa nay chưa từng có”. Theo đó, vụ đầu tiên xảy ra với tàu Sunrise 689 vào khoảng 2h40 ngày 3.10 giờ Việt Nam, khi tàu vừa ra khỏi luồng Singapore. Hàng chục tên cướp có vũ trang bất ngờ cập mạn, đánh trọng thương 2 thuyền viên (trong đó có máy trưởng) và khống chế 16 người khác. Nhóm cướp chiếm buồng lái, phá hủy máy móc liên lạc, lấy hết tư trang và nhốt các thủy thủ trong phòng kín rồi đánh tàu đi trên biển 4 ngày. Toán cướp sau đó đưa tàu lớn áp mạn Sunrise rồi bơm hút toàn bộ hơn 5.000 tấn dầu. Đến 1h ngày 9.10, chúng rời đi bằng tàu cá số hiệu KNF 7858, mũi tàu treo cờ Malaysia, đuôi tàu treo cờ Việt Nam. Trước khi đi, chúng phá hủy bánh lái cùng toàn bộ trang thiết bị hàng hải, điện thoại cá nhân của 18 thuyền viên.
Vụ cướp thứ hai đối với tàu Asphalt xảy ra lúc 4h30 ngày 7.12 khi con tàu này cách Singapore khoảng 60 hải lý. 7 tên cướp lục soát đồ đạc và lấy đi tư trang, tiền của thuyền viên, còn số hàng là nhựa đường lỏng (2.300 tấn), bọn chúng không cướp được. Vụ cướp khiến thuyền viên Trần Đức Đạt ra đi mãi mãi.
Địa điểm tàu VP ASPHALT 2 bị cướp tấn công chỉ cách nơi tàu Sunrise 689 bị tấn công hồi tháng 10 vài chục hải lý, cùng nằm ở eo biển Malacca. Nói về sự việc này, ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục Hàng hải – cũng cho rằng đây là việc hy hữu, xưa nay chưa từng xảy ra với tàu Việt Nam. Theo ông Nhật, do tàu của chúng ta bé lại di chuyển qua vùng biển quốc tế vào ban đêm nên bọn cướp dễ tiếp cận.