“Sóng sau” dồn “sóng trước”
Từ bỏ công việc với mức lương “khủng” ở Siêu thị Ðiện Máy (dienmay.com), Lương Duy Hoài cùng các cộng sự đã thành lập Công ty cổ phần Giao Hàng Nhanh (sở hữu trang điện tử giaohangnhanh.vn), với mục tiêu cung cấp giải pháp quan trọng cho chuỗi cung ứng TMÐT: giao nhận và thu tiền hộ (COD – Cash on Delivery). Vị giám đốc thế hệ 8X này chia sẻ: Mặc dù trên thị trường đã hiện diện nhiều “ông lớn” như Bưu điện Việt Nam (VNPost), Bưu chính Viettel (Viettel Post),… một số DN kinh doanh trực tuyến còn tự xây dựng đội ngũ nhân viên giao nhận riêng; nhưng vẫn chưa hết “đất” cho những ai muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Hầu hết DN kinh doanh trực tuyến hiện nay đều sử dụng các giải pháp tạm thời, thuê đội ngũ “xe ôm” giao hàng,… độ rủi ro cao, khả năng mất hàng hóa lớn, ảnh hưởng xấu đến uy tín. Các DN chuyển phát lớn tuy có độ bao phủ thị trường rộng, nhưng hầu hết đều thiếu các giải pháp dành riêng cho lĩnh vực TMÐT như thu tiền hộ, phương thức đổi trả hay hủy đơn giao hàng,… Chị Thục Anh, chủ một trang điện tử bán hàng xách tay từ Ô-xtrây-li-a về cho biết: Khâu giao nhận luôn là trở ngại lớn của những người kinh doanh bán lẻ trực tuyến vừa và nhỏ. Ðiều kiện để tự tổ chức đội ngũ giao hàng riêng sẽ rất khó vì phức tạp và tốn kém, còn sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính lớn lại gặp phải vấn đề như tốc độ giao hàng chậm, thời gian thu hồi tiền bán hàng kéo dài,… Vì vậy, hợp tác với các công ty giao nhận tư nhân đang là giải pháp hợp lý, với chi phí giao hàng rẻ hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn, việc thu hồi tiền vốn lại nhanh và thuận tiện hơn.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, số lượng người “ngồi nhà mua sắm” đang có xu hướng tăng cao. Sự phát triển mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến cũng kéo theo sự “bùng nổ” của thị trường chuyển phát. Những thương hiệu mới như giaohangnhanh, giaohangso1,… đang ồ ạt “mọc lên”, cung cấp đầy đủ dịch vụ COD và nhiều dịch vụ đi kèm cho lĩnh vực TMÐT. Rất nhiều DN trong số đó đang có tốc độ phát triển ấn tượng. Nếu như đầu năm 2014, Giao Hàng Nhanh chỉ có khoảng 200 nhân viên, mỗi ngày giao khoảng 2.000 đến 3.000 đơn hàng thì đến cuối năm, số nhân viên của công ty đã tăng lên hơn 1.000 người, mỗi ngày thực hiện hơn 10 nghìn đơn hàng và thu hộ khoảng hai tỷ đồng tiền COD; dự kiến số lượng nhân viên này sẽ tăng lên khoảng 3.000 người trong năm nay. Chính các DN “trẻ” như Giao Hàng Nhanh, với mô hình quản lý hiện đại và phương thức hoạt động linh hoạt,… đang ngày càng tạo được thế chiếm lĩnh, lấn dần “sân chơi” vốn thuộc về các DN “truyền thống” cồng kềnh, lạc hậu và “nghèo” dịch vụ.
Tận dụng lợi thế
Trên thực tế, các DN truyền thống như VNPost, Viettel Post,… đều đã tham gia cung cấp dịch vụ giao nhận cho hoạt động kinh doanh trực tuyến từ nhiều năm nay, nhưng do mô hình hoạt động chưa thật sự phù hợp nên thiếu hẳn sức hút với các DN bán hàng qua mạng. Hơn nữa, chi phí và tốc độ giao hàng của các công ty này thiếu tính cạnh tranh so với các DN tư nhân quy mô nhỏ hơn. Vì vậy, dù các DN truyền thống có sẵn thương hiệu, mạng lưới rộng khắp,… nhưng ưu thế trong lĩnh vực dịch vụ COD vẫn đang nghiêng về các công ty “trẻ”. Tổng Giám đốc Viettel Post Hoàng Quốc Anh phân tích: Các DN chuyển phát tư nhân có thể hoạt động tốt mà không cần xây dựng hệ thống vận hành hoàn chỉnh, không cần thực hiện nhiều quy trình bắt buộc phức tạp,… giúp tiết giảm rất nhiều chi phí và thời gian so với các hệ thống lớn. Tính linh hoạt chính là điểm yếu của các DN chuyển phát truyền thống quy mô lớn, đòi hỏi các DN này phải tìm hướng đi mới để cân bằng sức cạnh tranh, tạo đà cho phát triển.
Theo ghi nhận từ các DN kinh doanh TMÐT, gần đây sức mua hàng trực tuyến đang tăng nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố, ngoài hai trung tâm lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Không chỉ tăng số lần nhấp “chuột”, giá trị giao dịch trung bình ở khu vực này cũng đã đạt mức 45% tổng doanh thu của thị trường (tỷ lệ này trước đây chỉ 20%). Ðây chính là thời cơ “vàng” cho các DN chuyển phát lớn, vì theo ông Hoàng Quốc Anh, các DN này vẫn đang có ưu thế vượt trội về phạm vi “phủ sóng”. Viettel Post đang có hơn 1.000 nhân viên giao nhận trực thuộc, khoảng 15 nghìn cộng tác viên, sẵn sàng giao nhận hàng hóa trên phạm vi toàn quốc, phủ kín cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo của đất nước. Trước thực tế nhiều người kinh doanh dịch vụ TMÐT hiện vẫn phải chịu chi phí lớn và mất nhiều thời gian cho việc lưu giữ hàng hóa, Viettel Post sắp tới sẽ cung cấp luôn các dịch vụ lưu kho, chia chọn, đóng gói và xuất hàng theo các đơn hàng của khách với mức phí rất hợp lý. Ngoài ra, Viettel Post sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ, phần mềm hỗ trợ các nhà kinh doanh TMÐT vừa và nhỏ (có mức vốn chỉ khoảng 100 đến 200 triệu đồng) quản lý tốt hoạt động buôn bán của mình. Ðây chính là những dịch vụ tiện ích mới mà các DN chuyển phát tư nhân, với số vốn và lực lượng “mỏng” hơn khó có thể làm được.
Xây dựng một hệ thống giao nhận hoàn thiện với đầy đủ dịch vụ tiện ích đi kèm nhằm tạo ra tính riêng biệt; tận dụng tối đa lợi thế “phủ sóng” của mạng lưới sẽ là hướng đi đúng đắn giúp Viettel Post, cùng nhiều DN bưu chính truyền thống khác nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị phần, củng cố vị trí và tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, doanh thu của mảng bán lẻ trực tuyến hiện nay chỉ bằng từ một đến 3% so với tổng doanh thu bán lẻ toàn thị trường và mức đầu tư ngày càng cao vào lĩnh vực này cho thấy rõ tương lai “rực rỡ” của thị trường TMÐT Việt Nam. Sự “bùng phát” mạnh mẽ của các công ty chuyển phát cũng đang góp phần tích cực hỗ trợ TMÐT phát triển. Chắc chắn khi cước phí giao nhận thấp hơn, dịch vụ giao nhận hoàn hảo hơn, dưới sức ép cạnh tranh khốc liệt, khách hàng sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất.
Theo Sách trắng về Công nghệ Thông tin và Truyền thông 2014, tổng số doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính trong năm 2014 là 110, trong khi con số này của năm 2013 chỉ là 79 doanh nghiệp. Thị phần của VNPost tính theo doanh thu vẫn đang dẫn đầu trên thị trường bưu chính, chiếm khoảng 36%; liên doanh DHL – VNPT đứng thứ hai với gần 15%, Viettel Post đứng thứ ba với gần 11%. |