Năm 2015, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp hoàn thành đàm phán nhằm mục đích đưa Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị được những gì để tận dụng cơ hội vươn ra thế giới này?
Doanh nghiệp hiểu lơ mơ
Việt Nam vừa chính thức ký ghi nhớ kết thúc đàm phán FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA). Dự kiến, việc ký kết chính thức hiệp định sẽ thực hiện trong đầu năm 2015.
Cùng với cơ hội, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức. Điều đáng nói là tới thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự hiểu biết cặn kẽ cũng như sự chuẩn bị để “đối đầu” với những thách thức đang đón chờ họ.
Đề cập đến vấn đề này, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Đây là việc rất nguy hiểm, khi mà giữa việc cam kết đến thực thi, áp dụng sẽ là một khoảng cách rất lớn”.
Chia sẻ với phóng viên Tổ Quốc, ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bắc Ninh, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Hà cho biết, những năm trước đây Doanh nghiệp xuất khẩu khá nhiều các sản phẩm gỗ quý hiếm như: giường, tủ, bàn ghế… đi Trung Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Nhưng một vài năm gần đây làm ăn đã khó khăn hơn. Trước cơ hội hội nhập, Doanh nghiệp vẫn “chưa biết gì để mà chuẩn bị”.
“Hiện chúng tôi đang rất khó khăn về nguyên liệu. Không chỉ nguyên liệu đầu vào, đầu ra cũng khó khăn không kém… Để tìm đầu ra, chúng tôi cũng đã có những chuyến đi cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sang Anh, Ý…để tìm cơ hội hợp tác, hoặc cũng đã nhờ các phòng thương mại Việt Nam tại các nước kết nối nhưng rất khó bởi chúng tôi vốn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…”, ông Nguyễn Văn Khanh cho hay.
Ngành dệt may là lĩnh vực được nhắc đến đầu tiên khi nói về tác động của việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Á – Thái Bình Dương (TPP) bởi lẽ đây là ngành sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Sẽ có khoảng 1.000 dòng thuế dệt may nhâp khẩu của Mỹ được giảm thuế từ 17,3% xuống 0%.
Tuy nhiên, trong TPP, Chính phủ Mỹ lại đưa ra quy tắc về xuất xứ hàng hóa từ sợi trở đi và để được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, sản phẩm dệt may sẽ phải làm từ sợi do Việt Nam sản xuất hay các nước thành viên TPP cung ứng. Trong khi đó, có tới 80% sợi ở Việt Nam đều phải nhập từ Trung Quốc – nước không tham gia đàm phán TPP. Đây sẽ là khó khăn cho ngành dệt may, một trong ba ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trước thách thức này, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, các doanh nghiệp dệt may sẽ bắt buộc phải tập trung tăng cường vào chuỗi cung ứng, từ sợi, vải, may mặc… và tạo mối liên hệ tốt giữa các khâu trong sản xuất.
“Điều này sẽ tạo ra động lực để nâng cấp từ phương thức sản xuất cấp thấp hiện nay lên sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn”, đại diện này khẳng đinh.
Cũng là một công ty thuộc lĩnh vực dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên cho hay, những gì ông hiểu về các FTA cũng còn rất chung chung. Dù vậy, doanh nghiệp của ông vẫn đang cập nhật những thông tin mới nhất qua báo chí, đặc biệt qua website của VCCI, website Chính phủ…cũng như tham khảo trên báo chí nước ngoài những vấn đề liên quan để có sự chuẩn bị thật tốt khi đón nhận những cơ hội cũng như khó khăn sắp tới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, vốn riêng của từng doanh nghiệp thường rất giới hạn, không thể làm được gì cả nếu không được tạo điều kiện cho vay. Kể cả khoản vốn hàng trăm tỷ của Vinatex cũng “bất lực” trước những dự tính hàng “triệu đô” dành cho việc xây dựng các khu công nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may.
“Chúng ta có thể có mặt bằng, nhưng còn mất tiền mua máy móc, cần thời gian làm chủ công nghệ… Việc xây cả một khu công nghiệp để tạo nguyên liệu cho ngành dệt may không hề đơn giản và vô cùng tốn kém”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
“Phải làm dần dần”
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 70% nên phương thức hoạt động còn nhiều manh mún và thiếu kinh nghiệm. Vì thể, bước vào hội nhập, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất nhiều, cùng với những hỗ trợ từ phía Hiệp hội và Chính phủ.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, trong giai đoạn đàm phán đi tới ký kết các FTA, vai trò của Hiệp hội, các kênh thông tin chính thức là vô cùng cần thiết. Khi đó, các doanh nghiệp biết họ sẽ phải làm gì? Chuẩn bị gì với những cam kết trong các hiệp định thương mại.
Dù vậy, ông Nguyễn Văn Khanh cho rằng, vai trò của Hiệp hội đến thời điểm này còn rất mờ nhạt. Doanh nghiệp phải tự tìm hiểu thông tin qua các website để nắm đường lối, chủ trương chính sách.
Lạc quan hơn trong việc đón đầu cơ hội hội nhập thế giới là cà phê, kacao – một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của lĩnh vực nông sản. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cho hay: “Hiệp hội vẫn đang định hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, kacao chuẩn bị những bước cần thiết cho hội nhập. Đặc biệt, khuyến cáo các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài như: Trung Quốc, Nga…
“Chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị về việc các thị trường đối tác giảm thuế cho cà phê chế biến của Việt Nam nhằm tạo giá trị gia tăng. Hiện nay họ đang bảo hộ cà phê chế biến trong nước họ và coi cà phê nhân Việt Nam là nguyên liệu nên thuế nhập khẩu vào các thị trường này bằng không”, ông Lương Văn Tự cho hay.
Đối với lĩnh vực cơ khí, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, khi đã tham gia “cuộc chơi” thì phải biết chấp nhận. Các doanh nghiệp cơ khí sẽ phải tổ chức lại sản xuất, lựa chọn dòng sản phẩm chính chứ không phải kiêm nhiều hoạt động như hiện tại.
“Phải có một cơ quan chuyên môn cấp bộ, với những người hiểu về cơ khí đứng ra tổ chức thì mới hy vọng vực được ngành cơ khí hiện nay”, ông Đào Phan Long nói.
Còn với ông Nguyễn Xuân Dương, mặc dù định hướng cho ngành dệt may rất rõ ràng, song để thực hiện được các mục tiêu sẽ phải mất một thời gian dài.
“Vì thế, chúng ta phải xác định làm dần dần. Trước mắt, con đường đi của doanh nghiệp dệt may vẫn cứ là làm thật tốt từng khâu: dệt, may…như hiện tại. Đây cũng là chính là hai khâu “xương sống” của lĩnh vực này. Còn để có nguồn nguyên liệu mang xuất xứ “Việt Nam”, chúng ta phải đồng thời kéo các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào cùng làm song song bởi họ có vốn.Tất nhiên, để thu hút được sự đầu tư của doanh nghiệp FDI thì Nhà nước phải tạo điều kiện cho họ. Sau này khi chúng ta “cứng cáp” rồi thì sẽ chủ động tự lực cánh sinh”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh./.
Quỳnh Anh